Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại. |
Theo số liệu của Cục Hải quan, trong tháng 3/2025 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 54,82% về lượng và tăng 48,06% về kim ngạch so với tháng 2/2025, nhưng giá gạo xuất khẩu giảm 4,37%. Trong tháng 3/2025 gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines đạt 438.805 tấn, tương đương 204,51 triệu USD; tiếp theo là Trung Quốc đạt 159.021 tấn, tương đương 79,8 triệu USD; Gana đạt 62.908 tấn, tương đương 37,38 triệu USD.
Tính chung quý 1/2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,309 triệu tấn, giá trị đạt gần 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,53% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân của quý 1/2025 là 522 USD/tấn, giảm 20,18% về giá so với quý 1/2024.
GIÁ GẠO XUẤT KHẨU ĐÃ TĂNG TRỞ LẠI
Trong quý đầu năm 2025, thị trường Philippines đứng đầu, chiếm 42,7% trong tổng lượng và chiếm 40,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 985.941 tấn, tương đương gần 488,77 triệu USD, giá 495,74 USD/tấn, giảm 2,52% về lượng, giảm 24,69% về kim ngạch và giảm 22,74% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Bờ Biển Ngà đứng thứ 2, đạt 293.296 tấn, tương đương 143,49 triệu USD, giá 489,25 USD/tấn, chiếm 12,7% trong tổng lượng và chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng rất mạnh 218% về lượng, tăng 138,39% kim ngạch, nhưng giảm 25% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024. Trung Quốc đứng thứ 3 với 232.136 tấn, tương đương 115,69 triệu USD, giá trung bình 498,35 USD/tấn, chiếm 10,1% trong tổng lượng và chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch, tăng mạnh 184,31% về lượng, tăng 140% kim ngạch nhưng giảm 15,56% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2025. Nguồn: Cục Hải quan. |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 4/2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang hồi phục. So sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã trở lại vị trí số 1, với 397 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tẻ thường 5% tấm của Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn. Nhiều thương nhân của Việt Nam đã xuất khẩu được gạo 5% tấm với giá vượt ngưỡng 400 USD/tấn.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, nhận định giá gạo tăng hiện nay là do vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đã kết thúc, nên nguồn cung gạo không còn nhiều, trong khi các khách hàng truyền thống luôn có nhu cầu cao và ổn định với gạo Việt Nam.
Dẫn báo cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines, VFA cho hay năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự báo ở mức khoảng 4,9 triệu tấn, thậm chí trên 5 triệu tấn. Gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.
Theo báo cáo phân tích thị trường tháng 4/2025 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đưa ra nhận định các nước châu Phi sẽ trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2025. Cụ thể, Ghana là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi, dự báo sẽ nhập khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong năm 2025. Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều thứ 2 ở châu Phi, dự báo năm 2025 sẽ nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo.
Theo VFA, cả Ghana và Bờ biển Ngà đều là những quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam. Năm 2024, Bờ Biển Ngà nhập khẩu 483.000 tấn gạo từ Việt nam, và là khách mua gạo lớn thứ 5 của Việt Nam. Trong quý 1/2025, Bờ Biển Ngà với thị phần 16,3% đã vươn lên trở thành khách mua gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Philippines 42,1%. Trong năm 2024, Ghana là khách mua gạo lớn thứ 4 của Việt Nam với lượng 613.000 tấn. Trong quý 1/2025, Ghana với thị phần chiếm 10,2% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo từ Việt Nam, xếp vị trí thứ tư, sau Trung Quốc.
GẠO ĐẶC SẢN CỦA VIỆT NAM CŨNG ĐANG CÓ GIÁ XUẤT KHẨU CAO NHẤT
Theo VFA, giá các loại gạo đặc sản xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng vượt xa giá gạo đặc sản của Thái Lại và Ấn Độ. Trong đó, giá gạo ST25 xuất khẩu lên đến 1.200 USD/tấn (giá FOB tại cảng TP.HCM), nguyên nhân do vụ đông xuân vừa qua sản lượng lúa ST25 ít, nhu cầu nội địa với mặt hàng này rất cao. Trong khi giá xuất khẩu các loại gạo thơm cao cấp nhất của Thái Lan thời điểm hiện tại: gạo Thơm Lài giá cao nhất chỉ đạt 1.050 USD/tấn; gạo Hom Mali cao nhất chỉ đạt 1.100 USD/tấn. Giá gạo Basmati xuất khẩu của Ấn Độ hiện chỉ khoảng 900 USD/tấn.
Đối với phân khúc gạo nếp chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giá gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam hiện dao động quanh mức 580 – 590 USD/tấn, cao hơn nhiều so với đầu quý 1. Hiện tại, giá nếp tại Việt Nam đang cao và nguồn cung khan hiếm do vụ Đông Xuân đã kết thúc, lượng nếp còn lại chủ yếu nằm trong kho của các nhà máy xay xát và doanh nghiệp cung ứng. Nông dân không còn nhiều lúa nếp để bán ra thị trường, dẫn đến giá gạo nếp tăng cao.
Tuy nhiên, mức giá cao khiến thị trường Trung Quốc - vốn từng mua mạnh trong tháng 2 và 3, đến thời điểm này đã dừng nhập khẩu. “Trung Quốc từng mua mạnh gạo nếp của nước ta trong tháng 3 khi giá còn thấp, dao động từ 568 – 571 USD/tấn. Tuy nhiên, khi giá tăng lên mức 585 – 590 USD, họ lập tức dừng mua. Các hợp đồng giao hàng trong tháng 4 chủ yếu là từ đơn hàng đã ký trong tháng 2 và tháng 3”, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho hay.
Tại Thanh Hoá, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đang mở rộng đầu tư bên ngoài ngành mía đường, thời gian gần đây đã hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài đưa các giống lúa mới có chất lượng cao vào khảo nghiệm và nhân rộng. Qua đó, công ty đã đưa giống lúa Japonica J02 của Nhật Bản vào sản xuất quy mô lớn với 500ha trên đồng đất của huyện Thiệu Hóa. Để nâng cao chất lượng, công ty đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Tháng 11/2024, Công ty CP Mía đường Lam Sơn lần đầu tiên đã xuất khẩu 300 tấn gạo, giá trị 200.000 USD sang Singapore. Ông Trần Xuân Trung, Phó Giám đốc phụ trách thương mại xuất nhập khẩu, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, cho biết hiện công ty cơ bản hoàn tất thủ tục với đối tác là Công ty Kematsu của Nhật Bản và dự kiến tháng 6/2025 sẽ xuất lô hàng gạo đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Cũng trong năm 2025, công ty đã ký hợp đồng với đối tác xuất khẩu từ 1.200 tấn đến 1.500 tấn gạo sang thị trường các nước Singapore, Australia.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, cho biết mặc dù giá gạo tẻ 5% tấm tiêu chuẩn của Việt Nam trong quý 1 xuống dưới 400 USD/tấn, giá gạo 25% tấm còn thấp hơn, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân vẫn đạt 522 USD/tấn, là nhờ gạo thơm, gạo đặc sản đã chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.
“Gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và hướng đến phân khúc cao hơn kèm theo giá trị và thương hiệu. Ở phân khúc này, nhu cầu đang rất cao, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ và EU. Đơn cử, cơn sốt giá gạo chưa từng có ở Nhật Bản kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên lượng gạo cấp của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ đạt 30 nghìn tấn\năm và vào thị trường Nhật Bản còn ít hơn rất nhiều. Đây là dư địa rất lớn cho Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo đặc sản, gạo thơm", ông Nam nhấn mạnh.
Theo vneconomy.vn
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202504/gia-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-tro-lai-vi-tri-so-1-56202af/
Bình luận (0)