Các chuyên gia cho rằng, người dân cần thận trọng nhằm tránh rủi ro, bởi giá vàng tăng mạnh song cũng có thể giảm nhanh.
Liên tục vượt mức kỷ lục mới
Người dân mua vàng tại cửa hàng ở phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Tuấn Sơn
Chưa khi nào giá vàng trong nước lại tăng liên tục và mạnh như thời gian qua. Nhìn lại thị trường từ đầu năm đến nay, hầu như giá kim loại quý đi theo hướng tăng. Từ mức 82,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 84,2 triệu đồng/lượng (bán ra) hồi cuối năm 2024, giá vàng miếng SJC liên tục đi lên. Đặc biệt, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, đầu tháng 2-2025, sát ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng), giá vàng trong nước lên trên mốc 91 triệu đồng/lượng bởi nhiều người đi mua vàng đầu năm cũng như dịp ngày vía Thần tài nhằm cầu may và giá vàng thế giới cũng liên tục đi lên, có lúc đạt mức kỷ lục 2.850 USD/ounce.
Đáng chú ý, trong tháng 3-2025, giá vàng biến động dữ dội, liên tục xô đổ các mức kỷ lục 93, 94 và 95 triệu đồng/lượng, rồi vượt mốc 100 triệu đồng/lượng vào ngày 20-3 (100,1 triệu đồng/lượng). Sau khi đạt mức kỷ lục trên, giá vàng hạ nhiệt xuống mức 94,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 97,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, đến ngày 28-3, giá vàng lại tăng vọt lên mức kỷ lục mới là 98,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 100,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến ngày cuối cùng của tháng 3, giá vàng lên mức đỉnh lịch sử 99,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 101,8 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 3-2025, giá vàng miếng SJC “đội” tới 11 triệu đồng/lượng. Chưa dừng lại, đầu tháng 4-2025, giá vàng tiếp tục đi lên. Sáng 1-4, giá kim loại quý này tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 100,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 102,6 triệu đồng/lượng (bán ra) rồi giảm xuống mức 99,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 102,1 triệu đồng/lượng (bán ra) vào cuối ngày. Đến ngày 2-4, giá vàng xuống dưới mốc 102 triệu đồng/lượng, lúc gần 16h giao dịch tại mức 99,1 triệu đồng/lượng (mua vào) -101,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối năm 2024, giá vàng miếng tăng tới gần 18 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng diễn biến tương tự. Nếu như cuối năm 2024, giá vàng nhẫn phổ biến là 83,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 84,2 triệu đồng/lượng (bán ra) thì đến ngày 2-4 ở mức 99,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 101,9 triệu đồng/lượng (bán ra).
Về sự tăng giá mạnh của thị trường vàng trong nước, theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân chính đến từ thị trường quốc tế. Thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục đi lên và đã vượt mốc 3.000 USD/ounce, rồi vượt xa mốc 3.100 USD/ounce bởi bất ổn kinh tế. Chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm gia tăng lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu. Việc áp thuế sẽ khiến giá hàng hóa tăng, đẩy nguy cơ lạm phát toàn cầu. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế khiến nhiều quỹ đầu tư, ngân hàng trung ương, nhà đầu tư tăng cường mua vàng nhằm bảo đảm tài sản, dẫn đến nhu cầu về vàng trên toàn cầu tăng mạnh.
Ngoài ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, giá vàng trong nước tăng mạnh còn bởi sức cầu trong nước tăng, nguồn cung hạn chế. Giá vàng liên tục đi lên, nhiều người dân sốt ruột đi mua vàng. Thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp giúp giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch cung - cầu vẫn rất lớn. Những ngày gần đây, thị trường vàng lại trở nên sôi động, tình trạng người dân xếp hàng lấy số mua vàng lại tái diễn.
Có khả năng giá vàng sẽ giảm
Khách hàng mua vàng tại trung tâm trang sức DOJI. Ảnh: DOJI
Trước tình trạng "nhảy múa" của giá vàng và người dân đổ xô đi mua vàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mỗi khi giá vàng trong nước tăng nóng, các công ty kinh doanh vàng thường nới rộng biên độ mua - bán, đẩy rủi ro về phía người mua. “Thực tế, những người mua tích lũy trước đây hiện có mức lãi từ vàng rất tốt. Nhưng ngược lại, việc đầu tư theo kiểu ăn xổi, “lướt sóng” rất nguy hiểm vì thị trường vàng biến động khó lường. Khi giá vàng lên cao sẽ có hiện tượng các nhà đầu tư bán vàng ra chốt lời và từ đó đẩy giá vàng xuống. Đặc biệt, người dân không nên vay tiền để đầu tư vàng vì dễ bị thiệt hại, bởi đầu tư vào vàng một cách an toàn cần phải theo dõi thị trường vàng thường xuyên, cả thị trường trong nước cũng như thế giới” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh khuyến cáo, nếu chưa có vàng trong danh mục đầu tư và có nhu cầu đầu tư dài hạn, người dân có thể mua. Nếu chỉ đi mua vì tâm lý đám đông, mua để “lướt sóng” thì không nên vì sẽ gặp rủi ro, bởi không giá mặt hàng nào có thể tăng mãi. Giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng đến một thời điểm sẽ giảm do áp lực chốt lời.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, một số chuyên gia nhìn nhận, trước mắt, nhiều khả năng giá vàng sẽ giảm. Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, giá vàng đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, chỉ tính riêng từ đầu tháng 2-2025 đến nay giá vàng tăng gần 400 USD/ounce. Khả năng thị trường đã “hấp thụ” tin tức về thuế quan nên dư địa tăng thêm của giá vàng không còn nhiều. Trong tháng 4 và tháng 5-2025, giá vàng có thể giảm xuống mức 2.800-2.900 USD/ounce, bởi nhà đầu tư chốt lời; nhiều nước sẽ đàm phán với Mỹ để giảm thuế nên căng thẳng thương mại sẽ hạ nhiệt. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị cũng đang được các bên tích cực thương thảo. Một yếu tố quan trọng nữa là trong nhiều năm qua, cuối tháng 4 và trong tháng 5 thường là thời điểm ảm đạm của giá vàng thế giới. Sau thời điểm trên, diễn biến của giá vàng như thế nào sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh tế, địa chính trị.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/gia-vang-len-muc-ky-lucvan-rat-can-than-trong-209452.html
Bình luận (0)