Tuần qua, giá dầu thế giới chứng kiến các phiên tăng, giảm trái chiều. Trong nước, giá xăng dầu được điều chỉnh đồng loạt giảm mạnh.
Giá dầu thế giới
Tuần qua, thị trường dầu thế giới khép lại tuần giao dịch với xu hướng trái chiều, khi thị trường phản ứng trước thông tin OPEC+ tăng sản lượng dầu vào tháng 8, Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Trước đó, giá dầu từng tăng vọt lên trên 80 USD/thùng trong tuần trước khi xung đột Israel - Iran leo thang sau vụ tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân Iran ngày 13-6. Tuy nhiên, tuyên bố ngừng bắn giữa Israel và Iran do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đã nhanh chóng kéo giá dầu lao dốc.
Tuần qua, giá dầu thế giới chứng kiến các phiên tăng, giảm trái chiều. Ảnh minh họa: The Hindu Busines |
Mở đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu thế giới giảm nhẹ trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông đã lắng dịu. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu Brent giảm 0,16 USD/thùng, tương đương 0,24%, xuống còn 67,61 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 0,55 USD/thùng, tương đương 0,84%, xuống còn 64,97 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch thứ hai của tuần khi giới đầu tư đánh giá các tín hiệu tích cực về nhu cầu năng lượng, đồng thời thận trọng theo dõi cuộc họp của OPEC+ nhằm quyết định chính sách sản lượng cho tháng 8.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 0,37 USD, tương đương 0,6%, lên mức 67,11 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 0,34 USD, tương đương 0,5%, lên mức 65,45 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu phần lớn đến từ dữ liệu tích cực trong việc khảo sát các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này đã quay trở lại đà tăng trưởng trong tháng 6 - ông Randall Rothenberg, chuyên gia phân tích rủi ro tại Công ty môi giới dầu mỏ Liquidity Energy (Mỹ), nhận định.
Trong phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu thế giới tiếp tục tăng hơn 3% trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng sau khi Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Bên cạnh đó, thông tin về một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng góp phần hỗ trợ giá dầu tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 2 USD, tương đương 3%, lên mức 69,11 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 2 USD, tương đương 3,1%, lên mức 67,45 USD/thùng.
Ngày 5-7, OPEC+ thông báo quyết định tiếp tục tăng sản lượng dầu mỏ trong tháng 8 thêm 548.000 thùng/ngày. Ảnh minh họa: Bizz Buzz |
Trong phiên giao dịch ngày 4-7, giá dầu thế giới đảo chiều giảm nhẹ, khi giới đầu tư lo ngại rằng các mức thuế quan mới của Mỹ có thể làm chậm lại nhu cầu nhiên liệu, trong bối cảnh các nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới dự kiến tăng nguồn cung.
Chốt phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ, giá dầu Brent giảm 0,31 USD, tương đương 0,45%, xuống còn 68,8 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,45 USD, tương đương 0,67%, xuống còn 67 USD/thùng.
Một yếu tố khác gây áp lực lên giá dầu là việc OPEC+ dự báo sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong cuộc họp vào cuối tuần. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy, hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - tăng trưởng chậm nhất trong vòng 9 tháng qua, do nhu cầu nhiên liệu suy yếu và lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu thế giới giảm nhẹ khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần, với kỳ vọng OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng trong tháng 8.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 50 cent, tương đương 0,7%, xuống còn 68,30 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 50 cent, tương đương 0,75%, xuống còn 66,50 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 0,8%, giá dầu WTI tăng 1,5% so với cuối tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu phục hồi và theo dõi sát chính sách sản lượng của OPEC+.
“Việc tăng sản lượng dầu, nếu được thông qua như dự kiến, sẽ đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp OPEC+ điều chỉnh tăng sản lượng. Điều này có thể khiến cán cân cung-cầu dầu mỏ toàn cầu trong nửa cuối năm có thể bị đảo chiều theo hướng dư cung, dẫn đến việc tích trữ dầu toàn cầu tăng nhanh hơn dự kiến”, ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn PVM, nhận định.
Cũng trong tuần này, ngân hàng Barclays đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 6 USD lên mức trung bình 72 USD/thùng cho năm 2025 và tăng thêm 10 USD lên mức trung bình 70 USD/thùng cho năm 2026, dựa trên triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện.
Như vậy, giá dầu tuần này ghi nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Điều này cho thấy giới đầu tư không còn đặt cược vào việc giá dầu sẽ neo cao do căng thẳng địa chính trị, mà chuyển sang theo dõi chặt chẽ triển vọng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế.
Trong một diễn biến khác, ngày 5-7, OPEC+ thông báo quyết định tiếp tục tăng sản lượng dầu mỏ trong tháng 8. Trong tuyên bố sau cuộc họp tại Vienna (Áo), Saudi Arabia, Nga và 6 thành viên chủ chốt khác của OPEC+ nhất trí tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày. Trước đó, giới phân tích dự báo tổ chức này sẽ tăng thêm 411.000 thùng/ngày. Quyết định này được cho là sẽ định hình xu hướng giá dầu thế giới trong những tuần tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6-7, cụ thể như sau:
-Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.445 đồng/lít. - Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.906 đồng/lít. - Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.408 đồng/lít. - Dầu hỏa: Không cao hơn 18.132 đồng/lít. - Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.807 đồng/kg. |
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ chiều ngày 3-7. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 1.085 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 1.210 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 941 đồng/lít; dầu hỏa giảm 932 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.148 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Cũng theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 8; Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); dự trữ dầu thô của Mỹ tăng... Các yếu tố trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.
HOÀNG TRƯỜNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baolamdong.vn/gia-xang-dau-hom-nay-6-7-tuan-tang-thu-hai-lien-tiep-381299.html
Bình luận (0)