Quỹ di sản kiến trúc giá trị
Sở hữu quỹ di sản kiến trúc mang giá trị cả về lịch sử lẫn tinh thần, Hà Nội luôn là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách trong và ngoài nước. Quả thật, trên mỗi con đường, mỗi góc phố của Hà Nội đều lưu giữ những công trình kiến trúc biểu tượng, nơi nét cổ kính hòa quyện cùng hơi thở hiện đại, tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Nói về biểu tượng kiến trúc, không thể không nhắc đến Tháp Rùa Hồ Gươm - nơi được coi là “trái tim” của Thủ đô. Dù chỉ là một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa lòng Hồ Gươm nhưng Tháp Rùa mang trong mình giá trị lịch sử sâu sắc, là dấu tích trường tồn theo thời gian mà không một địa danh nào có thể thay thế. Người ta vẫn thường ví Hồ Gươm như một lẵng hoa tươi giữa lòng Hà Nội và trong lẵng hoa ấy, Tháp Rùa chính là đóa hoa rực rỡ nhất, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Tháp Rùa sở hữu vẻ đẹp rực rỡ, độc đáo nhờ sự giao thoa giữa hai phong cách kiến trúc. Hai tầng dưới mang dấu ấn kiến trúc Gothic Pháp với hàng cửa cuốn đặc trưng, trong khi phần mái lại giữ nguyên nét kiến trúc Việt Nam với những đường cong mềm mại, hài hòa. Bên cạnh lối kiến trúc ấn tượng, Tháp Rùa còn được tôn thêm vẻ cổ kính và linh thiêng khi nằm giữa không gian hài hòa với những công trình kiến trúc nổi bật khác như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút… Tất cả cùng nhau tạo nên một quần thể di sản mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử.
Có thể nói, Tháp Rùa không đơn thuần là một công trình kiến trúc, mà còn là biểu tượng tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Đặc biệt, với những du khách lần đầu đặt chân đến Thủ đô, nếu có dịp ghé thăm Hồ Gươm sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Tháp Rùa. Tùy vào từng góc nhìn và thời điểm trong ngày, Tháp Rùa lại mang đến những cảm nhận khác nhau. Khi thì sừng sững, kiêu hãnh giữa lòng hồ, khi lại bình yên, tĩnh lặng đến lạ thường.
Bên cạnh Tháp Rùa, Cột cờ Hà Nội (hay còn gọi là Kỳ đài) cũng là một công trình văn hóa kiến trúc tiêu biểu, mang dấu ấn lịch sử vượt thời gian. Được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX thuộc Niên hiệu Vua Gia Long, trải qua hơn 200 năm, tới nay, Cột cờ Hà Nội trên đường Điện Biên Phủ là chứng tích ghi lại những dấu ấn oanh liệt của Thăng Long - Hà Nội, là biểu tượng thiêng liêng, biểu trưng cho ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.
![]() |
Cột cờ Hà Nội - công trình kiến trúc hơn 200 năm tuổi. (Ảnh: ST) |
Cột cờ Hà Nội có kết cấu dạng tháp vững chắc với ba phần chính: chân đế, thân cột và vọng lâu. Phần chân đế có 3 tầng cao dần từ dưới lên và cũng nhỏ dần từ dưới lên. Phần thân cột có các hoa văn trang trí và làm lỗ thông hơi, lấy ánh sáng cho thân cột. Phần vọng lâu có 8 cửa sổ nhìn ra 4 phương 8 hướng thành phố Hà Nội. Với cấu trúc đặc biệt và vị trí chiến lược, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cột cờ Hà Nội từng được sử dụng như một đài quan sát, đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi diễn biến nội và ngoại thành. Đây là lý do Cột cờ Hà Nội là một trong số ít công trình kiến trúc còn nguyên vẹn khi may mắn không bị phá hủy bởi chính quyền thực dân Pháp và bom đạn chiến tranh.
Một điểm đến khác không thể bỏ qua đối với những du khách muốn khám phá văn hóa kiến trúc của Thủ đô chính là Nhà hát Lớn Hà Nội. Tọa lạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, hướng ra phố Tràng Tiền - khu vực sầm uất bậc nhất thành phố, Nhà hát Lớn Hà Nội có tổng diện tích khoảng 2.600 mét vuông. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào 1911. Được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp, Nhà hát Lớn Hà Nội lấy cảm hứng từ Nhà hát Opera Paris nhưng có quy mô nhỏ hơn.
Về tổng thể, cách bố trí mặt bằng của Nhà hát Lớn Hà Nội mang đậm phong cách châu Âu đầu thế kỷ 20. Điểm nhấn đặc trưng là hình dáng phòng lớn theo kiểu móng ngựa, lối vào sảnh rộng, cầu thang chính bề thế và hệ thống không gian phục vụ sân khấu được tổ chức chặt chẽ. Tất cả tạo nên một công trình kiến trúc sang trọng, hài hòa, vừa mang hơi thở phương Tây, vừa hòa quyện với không gian văn hóa Hà Nội.
Trải qua hơn một thế kỷ, Nhà hát Lớn là niềm tự hào của người dân Hà Nội và là địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như thánh đường dành cho nghệ thuật cổ điển. Với các nghệ sĩ, được biểu diễn tại Nhà hát Lớn là một điều đặc biệt trong sự nghiệp sân khấu.
![]() |
Kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội mang đậm phong cách châu Âu đầu thế kỷ 20. (Ảnh: ST) |
Ngoài những công trình kiến trúc tiêu biểu kể trên, Hà Nội còn sở hữu nhiều công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, như Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Cầu Long Biên… Đây đều là những công trình kiến trúc lâu đời, gắn liền với dòng chảy lịch sử của Thủ đô. Dẫu thời gian có đổi thay, những biểu tượng kiến trúc này vẫn sừng sững giữa lòng Hà Nội, lặng lẽ chứng kiến bao thăng trầm như một minh chứng sống động cho vẻ đẹp trường tồn của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Thu hút du khách nhờ nét riêng vốn có
Mới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã công bố kết quả đánh giá mức độ tín nhiệm của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Theo đó, Hà Nội vinh dự xếp thứ hai trong số 10 địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất cả nước. Không chỉ nằm trong top điểm đến hàng đầu, du lịch Hà Nội còn đón nhận tin vui khi được vinh danh tại ba hạng mục quan trọng trong giải thưởng Traveler’s Choice Awards Best of the Best Destinations 2025. Cụ thể, Thủ đô Hà Nội xếp thứ 2 trong Top 25 Điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới, đứng thứ 7 trong Top 25 Điểm đến hàng đầu thế giới và đặc biệt góp mặt ở vị trí thứ 14 trong Top 25 Điểm đến được yêu thích nhất mọi thời đại, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tripadvisor.
Vượt qua nhiều đề cử xuất sắc, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Những vị trí dẫn đầu cùng các giải thưởng danh giá không chỉ ghi dấu sự phát triển không ngừng của ngành du lịch Thủ đô mà còn phản ánh sức hút khó cưỡng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Giải mã dấu ấn đặc biệt ấy phải chăng chính là bởi nét riêng vốn có của Hà Nội.
Khác với những thành phố hiện đại khác trên thế giới, vẻ đẹp của Hà Nội ở thế kỷ 21 là vẻ đẹp đan xen giữa hiện đại và cổ kính. Suốt bao năm kể từ khi Hà Nội vươn mình đổi mới, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Dạo một vòng quanh thành phố, dễ dàng cảm nhận được hơi thở hiện đại đang lan tỏa mạnh mẽ với những tòa cao ốc vươn cao, những đại lộ rộng lớn và những cây cầu mới tiến ra ngoại ô, mở ra một Hà Nội năng động và phát triển. Thế nhưng, giữa nhịp sống hối hả ấy, Hà Nội vẫn giữ nguyên vẹn dấu ấn lịch sử hiện hữu qua những công trình kiến trúc biểu tượng có niên đại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.
![]() |
Tháp Rùa - điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: PV) |
Minh chứng rõ nét nhất, Hà Nội được mệnh danh là một thành phố cổ sở hữu hệ thống di sản đô thị phong phú trải rộng khắp. Đặc biệt, giữa lòng Thủ đô, vẫn còn đó những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian như biệt thự cổ, nhà cổ, khu phố Pháp… Nhiều công trình tiêu biểu vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành niềm tự hào và là điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh kiến trúc Hà Nội.
Có lẽ chính sự giao thoa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại đã tạo nên một Hà Nội rất riêng, vừa uy nghi, trầm mặc, vừa trẻ trung, sôi động. Đây cũng là nét độc đáo níu chân du khách, khiến họ mong muốn một lần được ghé thăm, khám phá và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của nơi đây. Trong tương lai, nếu biết tận dụng và khai thác hợp lý, những biểu tượng kiến trúc của Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn sáng tạo, góp phần nâng cao sức hấp dẫn du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Nguồn: https://baophapluat.vn/giai-ma-suc-hut-cua-nhung-bieu-tuong-kien-truc-ha-noi-post543817.html
Bình luận (0)