.jpg)
Vốn cấp nhiều, sử dụng ít
Kế hoạch đầu tư dự án hồ chứa nước Lộc Đại từ 2018 - 2020 không thể hoàn thành. Đây là một dự án chậm tiến độ mất đến gần 7 năm thi công vẫn không thể về đích.
Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh từng than phiền tại sao cơ chế, chính sách như nhau, vốn cấp cho dự án nhiều, nhưng giải ngân yếu hoặc không có đất, nhà thầu thiếu kinh nghiệm hoặc thủ tục, quy trình cấp phép mỏ quá nhiều và phức tạp... mà không rút ra được bài học gì là điều khó chấp nhận.
Thanh tra Quảng Nam đã công bố một báo cáo (số 235/BC-TTT ngày 25/10/2024) kết quả khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện dự án này. Theo báo cáo, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện dự án 66,91ha. Phần công trình đầu mối (đập tràn, xả lũ) đã bàn giao 100% cho chủ đầu tư (24,84ha), phần lòng hồ bàn giao 28,5/34,98ha và phần kênh tưới đã bàn giao 5,05/7,09ha.
Nguồn vốn trung ương đã cấp đủ 100% (160,6 tỷ đồng), nhưng chỉ giải ngân 124,1 tỷ đồng. Số còn lại (36,5 tỷ đồng) bị Kiểm toán Nhà nước thu hồi, hoàn trả ngân sách 14,9 tỷ đồng và nộp trả ngân sách trung ương 21,6 tỷ đồng kế hoạch vốn 2020 kéo dài vì dự án đã dừng thi công. Ngân sách tỉnh lũy kế bố trí đến nay đã giải ngân 62,9/67,9 tỷ đồng.
Theo hồ sơ dự thầu xây lắp thì Liên danh nhà thầu được chọn là Công ty CP Xây dựng thủy lợi 1 - CP Xây dựng Phú Hòa và CP Xây dựng và Kỹ thuật Toàn Thịnh (nay là Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Nhân An), khởi công dự án ngày 1/7/2019.
Tiến độ thi công hạng mục đập đất là 14 tháng (từ tháng 8/2019 đến tháng 9/2020). Tuy nhiên, công trình thi công trễ 4 - 5 tháng so với cam kết (15/11/2019) và tạm dừng thi công từ cuối năm 2022 đến nay.
Một điều đáng chú ý là tổng vốn phân bổ lớn, nhưng tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 58,9/185,95 tỷ đồng. Mới đạt tỷ lệ khoảng 31,6% giá trị hợp đồng cho việc hoàn thành tràn xả lũ, kênh xả sau tràn, cầu qua kênh, cống lấy nước, cấp điện và 50/5,3km kênh chính, 3 cống qua đường, 3 trụ của cầu máng số 2.
Riêng đập chính thi công chủ yếu bằng đất đắp (khối lượng khoảng 630.000m3) chỉ mới thực hiện được công tác đào bóc hữu cơ, đào móng chân khay, thi công tầng lọc (23,32% hạng mục).
Cần tiếp tục thi công
Theo thống kê, tổng giá trị nghiệm thu của dự án chỉ gần 58,7 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị thanh toán cho nhà thầu (kể cả tạm ứng) gần 125 tỷ đồng.
Số dư tạm ứng hợp đồng xây lắp hiện nay của 3 thành viên liên danh nhà thầu còn lại khoảng gần 69,3 tỷ đồng. Công trình đã dừng hơn hai năm nay, nhưng chưa ai tính toán gì về số dư tạm ứng này có thu hồi được hay không?
Theo nhận định của Thanh tra tỉnh, công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp. Chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm về quản lý công trình thủy lợi, chỉ phân công 1 kỹ sư cầu đường phụ trách điều hành dự án. Không có các cán bộ chuyên ngành xây dựng thủy lợi nên trong quá trình điều hành dự án và quản lý chất lượng theo chuyên ngành không đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói dự án đang được thanh tra, kết quả sẽ sớm được công bố. Tuy nhiên, công luận quan tâm nhiều nhất đến việc dự án có thể dễ dàng tái tục hay không để người dân có nước tưới và hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách đã đổ ra phải nhận được hiệu quả của công trình, không thể lãng phí.
Chủ đầu tư quả quyết rằng nếu có được mỏ đất thì chắc chắn dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ đã được phép kéo dài. Tuy nhiên, theo Thanh tra Quảng Nam, mỏ Nổng Trọc (Quế Hiệp) dự kiến đưa vào khai thác đắp đập theo báo cáo của chủ đầu tư vào tháng 7/2024 đã không thể thực hiện được. Còn mỏ Hố Thác (Quế Long) dự kiến đưa vào khai thác đắp đập từ tháng 7/2025 liệu có thành hiện thực?
Đáng chú ý, thông qua kiểm tra hồ sơ, thực tế tại hiện trường công trình và báo cáo của các đơn vị liên quan cho thấy dự án còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc, sai sót. Sự chậm trễ về tiến độ thực hiện dự án có nguyên nhân từ nhân sự, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, quy hoạch, xin phép khai thác mỏ đất để đắp đập...
Điều quan trọng là tìm được mỏ đất đắp đập, nhưng liệu có đủ chất lượng để thi công cho các công trình thủy lợi? Theo Thanh tra Quảng Nam, đất đắp tại hai mỏ Nổng Trọc và Hố Thác vẫn chưa được đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát, đánh giá đủ điều kiện để đắp đập, dẫn đến chưa thể xây dựng phương án thiết kế mặt cắt đập, cũng như chưa đủ điều kiện để tổ chức xin cấp phép khai thác cho 2 mỏ này.
Không thể hoàn thành dự án theo thời hạn đã cho phép gia hạn (đến tháng 12/2025), nên Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh thống nhất cho giãn tiến độ hoàn thành dự án đến hết tháng 12/2026.
Yêu cầu cụ thể đến tháng 7/2025 phải hoàn thành tất cả các thủ tục về mỏ đất và khai thác đất để phục vụ đắp đập, phê duyệt phương án thiết kế đập điều chỉnh, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức kiểm định lại đối với các hạng mục công trình đã thực hiện của dự án trước khi tổ chức thi công lại.
Hết tháng 9/2026 phải thi công hoàn thành hạng mục đập chính của hồ và hết tháng 12/2026 phải hoàn thành toàn bộ dự án, nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Trần Duy Phúc - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) cho biết, công trình thủy lợi nên chỉ tiêu cơ lý đất rất khó, yêu cầu độ thấm ít. Đánh giá sơ bộ thì chất lượng và trữ lượng hai mỏ đạt, đủ để đắp đập.
Còn việc đơn vị tư vấn thiết kế khẳng định có đủ chỉ tiêu cơ lý hay không thì chủ đầu tư đang chờ ý kiến UBND tỉnh cho phép bổ sung gói thầu địa chất dự án để chọn tư vấn tiến hành khảo sát đánh giá và có ý kiến chính thức. Có đất, sẽ thi công lại ngay phần thân đập, bảo đảm đúng tiến độ đầu tư cho dự án.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gian-nan-tim-dat-dap-ho-loc-dai-3153401.html
Bình luận (0)