![]() |
Thầy Ngô Xuân Quỳnh, giáo viên Hóa học trường THPT Phan Đình Phùng |
Hệ thống hóa kiến thức - xác định lỗ hổng kiến thức
Thầy Ngô Xuân Quỳnh, giáo viên Hóa học trường THPT Phan Đình Phùng chỉ ra, một trong những sai lầm phổ biến của học sinh là chờ đến sát ngày thi mới phát hiện ra mình còn hổng nhiều kiến thức. Điều này giống như việc xây một ngôi nhà nhưng phát hiện ra móng bị nứt khi đã gần hoàn thành – khi đó, sửa chữa sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.
“Các em học sinh cần phải hiểu rõ rằng bước đầu tiên trong quá trình ôn thi là xác định rõ những phần kiến thức còn hổng. Đừng vội vàng lao vào luyện đề nếu như các em chưa thực sự hiểu sâu kiến thức. Việc này giống như chạy trên một cây cầu thiếu ván, càng chạy nhanh càng dễ rơi xuống”- thầy Quỳnh nói.
Thầy Quỳnh đưa ra cách thực hiện và nhận diện lỗ hổng kiến thức với học sinh.
Thứ nhất, lập danh sách tất cả các chuyên đề Hóa học trong chương trình.
Ví dụ: Cấu tạo nguyên tử, bảng tuần hoàn; Liên kết hóa học; Ester – Lipit; Amin – Peptit – Protein; Kim loại – Hợp chất của kim loại; Điện phân – Pin điện hóa
Thứ hai, tự đánh giá mức độ hiểu của mình với từng chuyên đề như: "Mình nắm chắc chưa?"; "Có phần nào đọc vào mà vẫn thấy lơ mơ không?"; "Chuyên đề nào làm bài tập dễ sai nhất?".
Thứ ba, áp dụng sơ đồ tư duy: dùng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức. Việc vẽ sơ đồ giúp các em nhìn thấy toàn cảnh vấn đề, thay vì học thuộc từng mảng rời rạc.
Cuối cùng, giải lại các bài tập mẫu để kiểm tra độ chắc chắn của kiến thức. Nếu làm sai hoặc thấy phân vân, hãy quay lại sách giáo khoa, bài giảng hoặc hỏi thầy cô để bổ sung ngay.
Luyện đề thế nào để không “học tủ, học lệch”?
Thầy Ngô Xuân Quỳnh cho rằng, một sai lầm phổ biến là chỉ chăm chăm làm thật nhiều đề mà không phân tích lỗi sai. Điều này giống như đi thi chạy mà không biết mình đang chạy sai đường. Cách luyện đề hiệu quả nên chia từng giai đoạn.
Giai đoạn 1 (tháng 4 đến giữa tháng 5): ở giai đoạn này, thay vì làm đề tổng hợp ngay, các em nên chia nhỏ theo chuyên đề để rèn từng dạng bài.
Chọn 1 chuyên đề, làm 20-30 câu/buổi. Sau khi làm xong, không chỉ xem đáp án mà phải phân tích lý do sai. Ví dụ: Nếu học phần ester - lipit, hãy làm bài tập về ester, phản ứng xà phòng hóa, đồng phân ester…
Học sinh phải tự biết đặt câu hỏi: Mình sai vì chưa thuộc công thức? Sai vì đọc đề vội vàng? Sai do nhầm lẫn kiến thức? Viết lại những lỗi sai phổ biến vào sổ tay để tránh mắc lại lần sau. Câu này có cách nào làm nhanh hơn không?
Ở giai đoạn 2 (cuối tháng 5 đến đầu tháng 6): luyện đề tổng hợp - rèn tư duy xử lý đề.
Chuyển sang làm đề tổng hợp, thời gian làm bài phải giống với thi thật. Bắt đầu rèn kỹ năng chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Xác định tỉ lệ đúng - sai từng phần để điều chỉnh cách học.
Trong một đề thi, ưu tiên làm phần lý thuyết và bài tập tính nhanh trước, để thời gian xử lý các câu vận dụng cao sau.
Sau khi làm một đề, nếu thấy làm phần "Tốc độ phản ứng - Cân bằng hóa học" sai nhiều. Điều này có nghĩa là phần này chưa vững, cần xem lại ngay.
Ở giai đoạn 3 (tháng 6 đến trước kỳ thi): thi thử - mô phỏng kỳ thi thật.
Học sinh cần làm đề bấm giờ. Luyện đề như thi thật, sau đó so sánh điểm và rút kinh nghiệm. Tạo áp lực thời gian để quen dần với nhịp độ thi cử. Tập trung vào các lỗi sai hay mắc phải, hệ thống hóa các công thức và mẹo giải nhanh.
Giáo viên này nhấn mạnh, đừng lao đầu vào làm đề mà bỏ quên phần sửa sai. Hãy có một cuốn “sổ lỗi sai”, ghi lại những lỗi mình hay mắc phải để tránh lặp lại.
Rèn kĩ năng đọc hiểu- chìa khóa chinh phục các câu khó
Chương trình GDPT 2018 yêu cầu khả năng suy luận và đọc hiểu thay vì chỉ áp dụng công thức.
Các em cần nhớ, đề thi hiện nay có nhiều câu hỏi dài, yêu cầu tư duy đọc hiểu chứ không chỉ áp dụng công thức. Khi đọc đề, hãy gạch chân từ khóa quan trọng để không bỏ sót dữ kiện và chú trọng đến yêu cầu của câu hỏi.
Giáo viên cho rằng học sinh nên chú ý những câu hỏi dạng thực tiễn.
Ví dụ: đề có thể đưa ra một đoạn văn về tác động của CO₂ lên môi trường, sau đó yêu cầu học sinh suy luận về phản ứng hóa học của CO₂ với dung dịch kiềm. Tại sao nước cứng gây hại cho nồi hơi, tại sao nhôm lại dùng để chế tạo máy bay, phương pháp điện phân có những vai trò và ứng dụng nào trong cuộc sống?
“Không vội chọn ngay đáp án mà phải đọc kỹ từng câu chữ, tránh rơi vào “bẫy”- thầy Quỳnh nói.
Ngoài ra, một số bạn học ngày học đêm nhưng vẫn không nhớ kiến thức, nguyên nhân là do học không đúng cách. Thầy Quỳnh chỉ ra cách phân bổ thời gian ôn tập hợp lý như buổi sáng ôn lại lý thuyết, làm bài tập nhỏ. Chiều luyện đề, phân tích bài làm và tối xem lại kiến thức, ghi chú lại những điểm quan trọng trong ngày. Chủ nhật nên tổng kết lại kiến thức cả tuần, nghỉ ngơi để não bộ hấp thụ thông tin tốt hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/giao-vien-bat-mi-bi-kip-on-tap-de-dat-diem-cao-thi-tot-nghiep-mon-hoa-post1730366.tpo
Bình luận (0)