Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ gìn và phát huy giá trị những cây cầu cổ ở Nam Định

Nam Định là một trong số ít địa phương còn lưu giữ những cây cầu cổ kính với kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo gồm: cầu ngói chợ Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu), cầu ngói chợ Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực) và cầu lợp làng Kênh thuộc thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Trải qua thời gian, cả ba cây cầu vẫn còn lưu giữ được dáng vẻ cổ xưa, trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định29/04/2025

 

Nam Định là một trong số ít địa phương còn lưu giữ những cây cầu cổ kính với kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo gồm: cầu ngói chợ Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu), cầu ngói chợ Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực) và cầu lợp làng Kênh thuộc thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Trải qua thời gian, cả ba cây cầu vẫn còn lưu giữ được dáng vẻ cổ xưa, trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.

 

Cầu ngói chợ Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Cầu ngói chợ Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu).

 

Cầu ngói chợ Lương nằm trên đường dẫn vào chùa Lương, xã Hải Anh – vùng đất Quần Anh xưa nổi tiếng văn hiến. Chùa Lương được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI. Cầu ngói cạnh chùa xuất hiện khoảng thế kỷ XVII. Ban đầu cầu chỉ dựng tạm bằng cọc, mái lợp cỏ tranh. Về sau, được thay bằng khung gỗ lim, mái ngói. Đợt trùng tu đáng kể nhất là năm 1922, cầu được lợp ngói hoàn toàn. Cầu gồm 9 gian, khung lim uốn cong như dáng rồng. Mái lợp ngói vảy rồng âm dương. Toàn bộ cầu đặt trên 18 cột đá xanh, xếp 6 hàng vững chãi. Hai bên có hành lang ngồi nghỉ, lan can gỗ chạm khắc đơn giản mà tinh tế. Kiến trúc mềm mại, hài hòa với cảnh quan chùa và chợ Lương bên cạnh. Là một trong ba cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam, biểu tượng văn hóa của vùng quê biển Hải Hậu, cầu Ngói đã đi vào ca dao: “Nước chè cầu ngói, tơ tằm chợ Lương”. Năm 1990, cầu cùng chùa Lương và đình Phong Lạc được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 2012, cầu ngói chợ Lương được phát hành trên tem bưu chính.

 

Cầu ngói chợ Thượng ở xã Bình Minh (Nam Trực).
Cầu ngói chợ Thượng ở xã Bình Minh (Nam Trực).

 

Cầu ngói chợ Thượng, thôn Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực) bắc qua sông Ngọc, được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, thời Hậu Lê. Tương truyền, bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân - một cung phi của Chúa Trịnh - là người đứng ra dựng cầu. Trước đó người dân chỉ đi qua bằng cầu gỗ tạm. Cầu được làm bằng khung gỗ lim theo lối “thượng gia hạ kiều”. Mái lợp ngói nam cong vút, soi bóng xuống dòng sông quanh năm trong xanh. Hai đầu cầu xây tường gạch, giữa để lối đi. Cầu dài hơn 17 mét, gồm 11 gian. Phần giữa cầu để trống rộng hơn 4m cho thuyền bè đi lại. Lòng cầu lát đá phiến, hai bên có ghế ngồi nghỉ chân. Cầu gắn liền với chợ Thượng xưa – nơi giao thương nông sản sầm uất. Dòng sông Ngọc chảy dưới chân cầu từng được nhà thơ Đoàn Văn Cừ gọi là “dòng ngọc lượn trong”, gợi không gian làng quê trù phú, nên thơ. Cầu chợ Thượng từng được trùng tu nhiều lần. Năm 2003, cầu được công nhận Di tích cấp tỉnh; năm 2012, cầu chợ Thượng cùng với phủ Bà được xếp hạng Di tích quốc gia. 

 

Cầu lợp làng Kênh ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Cầu lợp làng Kênh ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

 

Khác với hai cây cầu trên, cầu làng Kênh ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có mái lợp lá cọ. Đây là cây cầu gỗ lợp lá duy nhất còn lại ở nước ta, vẫn giữ nguyên kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Theo truyền ngôn, cầu có từ thời phong kiến. Mái cầu ban đầu lợp bằng cây bổi – loại vật liệu nhẹ, chịu mưa bão. Cầu có 5 nhịp, dài khoảng 10 mét, rộng 4 mét. Khung cầu làm bằng gỗ lim. Bốn cột lớn cắm sâu dưới lòng sông, mỗi cột đường kính trên 50cm. Dáng cầu thanh thoát, mộc mạc. Cầu làng Kênh từng là nơi giấu cán bộ trong kháng chiến. Mái lá che kín, giữ an toàn cho người vượt sông. Hòa bình lập lại, cầu là nơi sinh hoạt cộng đồng. Trẻ con chơi đùa, người già hóng gió. Người dân Cổ Lễ xem cầu như một phần hồn quê. Mỗi khi mái lá mục nát, dân làng lại cùng nhau thay mới.

 

Ba cây cầu – ba lát cắt lịch sử. Mỗi cây cầu mang trong mình câu chuyện riêng, gắn với đời sống, tín ngưỡng và ký ức cộng đồng. Trong dòng chảy hiện đại, ba cây cầu vẫn lặng lẽ gắn kết con người với cội nguồn.

 

Kiến trúc cầu ngói Hải Anh hài hòa với cảnh quan chùa và chợ Lương bên cạnh.

 

Nhận thức được giá trị của những cây cầu cổ, tỉnh Nam Định và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn. Tại huyện Hải Hậu, cầu ngói chợ Lương được quan tâm bảo vệ từ sớm. Cụm di tích chùa Lương – cầu Ngói đã được xếp hạng cấp quốc gia từ 1990, tạo cơ sở pháp lý cho việc gìn giữ lâu dài. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, tu bổ những hạng mục xuống cấp của cầu. Qua hơn 500 năm, cầu đã nhiều lần trùng tu song vẫn giữ nguyên được kiểu dáng cổ kính. Tại huyện Nam Trực, cầu ngói chợ Thượng cũng được chú trọng tôn tạo, tu bổ. Năm 1993, trước tình trạng mối mọt làm hư hại thành cầu, địa phương đã tiến hành trùng tu lớn, thay thế một số bộ phận gỗ bằng vật liệu bền chắc hơn. Phần mái ngói của cầu cũng được sửa chữa vào năm 2009. Đặc biệt, sau khi được công nhận Di tích quốc gia năm 2012, cầu chợ Thượng đã có dự án trùng tu với nguồn kinh phí Nhà nước cấp khoảng 200 triệu đồng để tu sửa 5/11 gian cầu, thay ngói mới ở những phần hư hại và gia cố một số cột, kèo bằng gỗ lim. Tại huyện Trực Ninh, trong những năm qua, bằng nguồn lực cộng đồng, cầu lợp ngói liên tục được chăm sóc, tu bổ định kỳ. Năm 2014, trước tình trạng cầu xuống cấp, người dân làng Kênh đã kêu gọi con em xa quê đóng góp kinh phí cùng chính quyền tu sửa lớn cho cầu. Đến nay, mái cầu được lợp mới hoàn toàn bằng lá cọ, các mố cầu, chân cầu được gia cố chắc chắn. Nhờ sự chung sức của chính quyền và người dân, đến nay cầu làng Kênh vẫn giữ được kết cấu gỗ, mái lá truyền thống – nét độc đáo không nơi nào có.

 

Toàn cảnh cầu ngói chợ Thượng ở xã Bình Minh (Nam Trực).

 

Những cây cầu cổ vừa có giá trị lịch sử, kiến trúc vừa có tiềm năng du lịch lớn. Xác định điều này, Nam Định đã bước đầu đưa di sản cầu ngói vào các chương trình quảng bá, tham quan. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Sở VH, TT và DL phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin các huyện đã tổ chức các chuyến khảo sát, xây dựng "tour du lịch" nội tỉnh gắn với các cầu cổ. Du khách đến Nam Định thường được giới thiệu tham quan Cầu ngói chợ Lương – chùa Lương (Hải Hậu), Cầu ngói chợ Thượng – phủ Bà chúa Ngọc Xuân (Nam Trực) và Cầu làng Kênh – chùa Cổ Lễ (Trực Ninh). Thống kê sơ bộ cho thấy lượng khách ghé thăm các cầu ngói ngày càng tăng, nhất là vào dịp lễ hội hoặc những ngày cuối tuần có phiên chợ quê. Nhờ hiệu ứng truyền thông và mạng xã hội, hình ảnh cầu ngói Nam Định đang dần được nhiều người biết đến, góp phần đưa du lịch địa phương khởi sắc.

Toàn cảnh cầu lợp làng Kênh ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

 

Những cây cầu cổ ở Nam Định là tài sản vô giá, kết tinh bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của cha ông từ hàng trăm năm trước. Không chỉ phục vụ giao thông, những cây cầu này còn in dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cộng đồng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi vùng quê. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các cầu cổ, đặc biệt là cầu ngói đặt ra yêu cầu phải hài hòa giữa giữ gìn nguyên trạng di tích với việc thích ứng cho mục đích du lịch bền vững. Thời gian tới, cần có sự chung tay mạnh mẽ hơn nữa từ cả chính quyền và nhân dân, vừa huy động nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo cầu cổ đúng quy chuẩn, vừa tăng cường quảng bá, kết nối du lịch nhằm đưa giá trị di sản đến gần hơn với cộng đồng và du khách.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn: https://baonamdinh.vn/multimedia/202504/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-nhung-cay-cau-co-o-nam-dinh-8c34d77/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm