Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Màu hòa bình

Mẹ kể với tôi rằng khi mẹ có thai hai anh trai tôi, rồi sau đó là tôi, vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, những trận bom Mỹ xé toang khoảng trời bình yên của Ninh Bình nơi cha mẹ tôi vừa làm nghề giáo vừa làm nông.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ29/04/2025


hòa bình - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai

Đã có nhiều lần, mẹ mang theo đứa con của mình trong bụng nhảy xuống hầm trú ẩn cá nhân để tránh bom.

Mẹ kể về những lần mẹ phải đưa học sinh của mình đi sơ tán trên núi cao, vừa tránh bom vừa giảng bài.

Mẹ kể về những năm dài đằng đẵng khi mẹ mong ngóng người anh ruột của mình - bác Hải - người đi bộ đội vào Nam, tham gia chiến trận.

Mẹ kể về hạnh phúc vô biên của ngày 30-4-1975, khi nhận được tin chiến tranh kết thúc.

Những hố bom và khát khao hòa bình

Tôi đã nhìn thấy những mong mỏi về một hòa bình vĩnh cửu không chỉ ở Việt Nam mà trên trái đất qua những câu chuyện mẹ kể. Hòa bình ấy sẽ đảm bảo được rằng không có người mẹ nào trên địa cầu bị mất con bởi chiến tranh.

Tôi cũng nhìn thấy những mong mỏi về hòa bình vĩnh cửu từ ánh mắt của những người bà, người mẹ, người vợ, người chị ở làng Khương Dụ của tôi.

Trong những năm tháng tuổi thơ, tôi đã lặng nhìn những người phụ nữ ấy ngày ngày đứng trước ngõ chờ những người đàn ông của gia đình trở về từ cuộc chiến.

Họ cứ đợi chờ, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Tôi nhìn thấy đau thương của chiến tranh trong dải khăn tang của gia đình có người thân vĩnh viễn không về, trong những thân thể không lành lặn của các cựu chiến binh.

Năm 1978, cô gái nhỏ 6 tuổi là tôi đã lên tàu cùng cha mẹ đi từ Bắc vào Nam, để tạo lập một cuộc sống mới ở vùng cực nam của Tổ quốc - Bạc Liêu. Hằn vào tâm trí tôi là những hố bom khổng lồ vẫn nằm đó giữa những cánh đồng lúa xanh rì.

Khi đi qua cầu Hiền Lương, chiếc cầu đã chia cắt Việt Nam thành hai nửa trong suốt 20 năm của cuộc chiến, nhiều người lớn xung quanh tôi bật khóc. Ở những giọt nước mắt của họ, tôi nhìn thấy ước vọng hòa bình, rằng Việt Nam sẽ không bao giờ chịu cảnh đầu rơi máu đổ bởi chiến tranh.

Tôi đã khát khao hòa bình trên cánh đồng lúa của gia đình tôi ở Bạc Liêu. Cánh đồng đó nằm trên một con đê mà cha tôi đã tự tay khai hoang, cùng mẹ tôi và các anh tôi. Cánh đồng ấy từng là trường tập bắn của quân đội Việt Nam cộng hòa. Khi khai hoang, vỡ đất để trồng lúa, trồng đậu, chúng tôi đã phải đào lên hàng ngàn vỏ đạn.

Chạm vào những vỏ đạn và cả những viên đạn chưa nổ, tôi rùng mình như chạm vào cái chết. Và tôi thầm ước rằng một ngày nào đó trên trái đất này, tất cả mọi người sẽ buông súng xuống và trò chuyện với nhau. Và tình yêu, sự thấu hiểu sẽ hóa giải bạo lực.

Hành trình kể những câu chuyện hòa bình

Trong ký ức những ngày đầu ở Bạc Liêu của tôi là hình ảnh một người phụ nữ bán khoai, một mình với đôi quang gánh trĩu nặng, cô độc đi. Dường như bà đã đi từ một nơi rất xa để có thể đến được con đường chạy qua trước nhà tôi.

Chân bà đi đôi dép lê đã rách, khô nẻ cùng bụi đất. Mẹ tôi luôn mua của bà, bởi mẹ biết bà có hai người con trai ra chiến trận chưa trở về. Bà chưa nhận được giấy báo tử và cứ mãi ngóng trông. Năm tháng trôi qua, khi sự chờ đợi hao kiệt, bà đã tự chọn cho mình một sự kết thúc. Một ngày, trên đường đi học, tôi nhìn thấy thi thể bà trên cây.

Bà đã đem theo sự chờ đợi sang thế giới bên kia. Tôi đã đứng đó, lặng nhìn đôi chân khô nẻ của bà. Và tôi tưởng tượng bà đã đi suốt cuộc đời mình để tìm kiếm hòa bình. Tôi đã mang nỗi đau của bà vào trong những trang viết của tôi.

Hai tiểu thuyết đầu tay của tôi, The Mountains Sing (Sơn Ca) và Dust Child (tựa đề tiếng Việt dự kiến: Bí mật dưới tán cây bồ đề), nói về những mất mát của những người phụ nữ khi phải đi qua chiến tranh, dù người thân của họ phải chiến đấu cho bất cứ phe nào.

hòa bình - Ảnh 2.

Sách của Nguyễn Phan Quế Mai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng

Hai quyển sách The Mountains Sing và Dust Child chính là khởi đầu của tôi trong hành trình phác thảo nên những câu chuyện về hòa bình. Trong The Mountains Sing, Hương, một cô bé 12 tuổi, phải sống sót sau những đợt bom Mỹ giội xuống Hà Nội vào năm 1972. Cô mong mỏi nhìn thấy hòa bình bởi cả cha mẹ đã phải rời xa gia đình, tham gia chiến tranh.

Cô tự nhủ: "Hòa Bình là hai từ thiêng liêng trên đôi cánh những con chim bồ câu được vẽ trên bức tường lớp học của tôi. Hòa Bình mang màu xanh trong giấc mơ của tôi - màu xanh của đoàn tụ khi cha mẹ tôi được trở về nhà. Hòa Bình là điều gì đó đơn giản, vô hình, nhưng lại có giá trị nhất đối với chúng tôi".

Tôi đã chọn người kể chuyện về hòa bình là một cô bé 12 tuổi bởi khi còn nhỏ, con người ta còn có tâm hồn rộng mở. Hương từng căm ghét những người Mỹ bởi những con người đó đã từng giội bom xuống Khâm Thiên nơi gia đình cô ở.

Nhưng rồi khi đọc những quyển sách của người Mỹ, cô nhận ra người Mỹ hay người Việt cũng đều yêu thương gia đình, đều trân trọng những giờ phút bình yên.

Và cô tự nhủ: "Tôi ước rằng mọi người trên trái đất này lắng nghe những câu chuyện của nhau, đọc sách của nhau và nhìn thấy ánh sáng của các nền văn hóa khác. Nếu mọi người đều làm như vậy, sẽ không có chiến tranh trên trái đất này".

Trong quyển sách Dust Child, tôi có những nhân vật phải đi qua sự tàn khốc của chiến tranh để nhận ra giá trị của hòa bình.

Trong đó nhân vật Dan Ashland là cựu phi công trực thăng, người đã tham gia thảm sát những đứa trẻ vô tội trong chiến tranh ở Việt Nam. Khi trở lại Việt Nam 47 năm sau, vào năm 2016, ông vô cùng đau khổ và đã tìm được ánh sáng của sự tha thứ trong những người Việt Nam yêu hòa bình và giàu lòng vị tha.

Trong hành trình ra mắt hai quyển sách trên, tôi đã nhận được hàng trăm lá thư của độc giả - những người là các cựu binh, những nạn nhân chiến tranh. Họ đã chia sẻ với tôi những hình ảnh và câu chuyện trải nghiệm của họ và gia đình. Họ đã cho tôi thấy rằng: tôi không đơn độc trong hành trình kể những câu chuyện của hòa bình.

Trong quá trình kể những câu chuyện hòa bình đó, tôi không thể không nhắc đến những người mẹ, người chị, người bà. Có lẽ những người phụ nữ là những người chịu thiệt thòi, đau khổ nhất bởi chiến tranh.

Tôi đã chạm tay vào nỗi đau khổ đó trong tiếng thét thất thanh của một người phụ nữ lần đầu tiên tôi đến Quảng Trị. Ngày hôm đó, tôi đang ngồi nghỉ chân tại quán trà bên đường cùng với những người bạn Úc - những người da trắng, tóc vàng, khi tiếng thét ấy làm chúng tôi giật thót mình.

Ngước lên, tôi nhìn thấy người phụ nữ không quần áo, trần truồng, chạy về phía chúng tôi, gào lên với những người bạn nước ngoài của tôi rằng họ phải trả người thân lại cho bà. Những người dân làng sau đó đã kéo bà đi, rồi người bán trà nói với chúng tôi rằng, người phụ nữ đã mất cả chồng và con trong trận bom Mỹ giội xuống Quảng Trị.

Cú sốc quá lớn khiến bà hóa điên, suốt ngày đi tìm chồng tìm con. Nước mắt của người phụ nữ đã thấm vào những trang viết của tôi, và tôi ước ao gì có thể quay ngược lại thời gian, để có thể làm gì đó giúp xoa dịu nỗi đau của bà.

Tháng 4 này, kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh, tập thơ The Color of Peace (Màu hòa bình), tập thơ tôi trực tiếp viết bằng tiếng Anh, ra mắt ở Mỹ. Tập thơ có bài thơ "Quảng Trị" với những câu thơ như tiếng khóc của người phụ nữ vẫn vẳng lại từ nhiều năm về trước: "Người mẹ chạy về phía chúng tôi/ Tên hai đứa con tràn hai hốc mắt/ Mẹ gào lên "Con tôi ở đâu?"/ Người mẹ chạy về phía chúng tôi/ Tên chồng mẹ lõm sâu lồng ngực/ Mẹ gào lên "Trả chồng cho tôi!".

Tập thơ Màu hòa bình còn mang câu chuyện của bạn tôi, anh Trung, tới bạn đọc quốc tế. Tôi từng chứng kiến bạn mình lặng lẽ thắp hương trước di ảnh của cha. Di ảnh ấy chụp một chàng trai còn rất trẻ: cha của Trung đã hy sinh trong chiến tranh mà chưa biết được mặt con trai. Trong nhiều thập kỷ, Trung đã lặn lội khắp nơi để tìm mộ của cha.

Bao chuyến đi xuyên qua rừng núi, bao nỗ lực đều vô vọng. Mẹ của Trung ngày một già đi, và có ước ao duy nhất trước ngày bà nhắm mắt xuôi tay: tìm được hài cốt của chồng. Câu chuyện của Trung đã khiến tôi phải viết bài thơ Hai nẻo trời và đất, xuất hiện trong tập Màu hòa bình:

HAI NẺO TRỜI VÀ ĐẤT

Trắng trời những ngôi mộ vô danh

Trắng đất những người con đi tìm mộ bố

Mưa tả tơi xuống họ

Những đứa con chưa biết mặt cha

Những người cha không thể trở về nhà

Tiếng gọi "con" còn chôn sâu trong ngực

Tiếng gọi "cha" hơn 30 năm thao thức

Đêm nay tôi nghe tiếng chân cha và con từ hai nẻo trời và đất

Những bước chân rần rật

Lần tìm về nhau

Những bước chân cạn máu

Lạc nhau qua triệu dặm đường

Lạc nhau qua nghìn thế kỷ

Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?

Dẫm lên bao nhiêu biển nước mắt của những người con chưa tìm được mộ cha mình?

Màu trắng của nghĩ trang Trường Sơn luôn ám ảnh tôi. Tôi ước gì mình có thể ở đó lâu hơn, có thể thắp hương cho từng ngôi mộ. Bạt ngàn những ngôi mộ trắng, trong đó có những ngôi mộ vô danh. Tôi ngồi cạnh một ngôi mộ với hai tấm bia: có hai gia đình cùng nhận người liệt sĩ này là con của họ.

Trong tập thơ Màu hòa bình, tôi viết về những ngôi mộ vô danh và nỗi đau còn đó, dai dẳng trong nhiều thế hệ. Tôi muốn nói về sự khủng khiếp của chiến tranh, để kêu gọi mọi người làm nhiều hơn nữa để chung tay xây dựng hòa bình.

hòa bình - Ảnh 3.

Màu của những tiếng cười

Viết về nỗi đau của chiến tranh, nhưng tập thơ Màu hòa bình của tôi kể một câu chuyện về đất nước Việt Nam 4.000 năm văn hiến. Vì thế tôi bắt đầu tập thơ bằng một bài viết về truyền thống thi ca của Việt Nam, về Ngày thơ Việt Nam, về đóng góp của thi ca trong việc giữ gìn hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Tập thơ kết thúc với câu chuyện về cha tôi, một người đã đi qua chiến tranh, chịu nhiều thương đau mất mát, để rồi trở thành một thầy giáo dạy văn, truyền tình yêu hòa bình và cảm hứng thi ca cho tôi.

Với sự giúp đỡ của những người bạn yêu hòa bình, tôi có vinh hạnh được tham gia một hành trình "Màu hòa bình" xuyên qua 22 thành phố của Mỹ. Tôi có những bài thuyết trình ở các trường đại học Columbia University (New York), Stanford University (San Francisco), UCLA (Los Angeles), Portland State University (Portland), UMASS Amherst (Amherst)…

Tại các sự kiện này và ở các sự kiện khác ở các thư viện, nhà sách, hay trung tâm văn hóa, tôi kể những câu chuyện về một Việt Nam yêu hòa bình, những câu chuyện về những vết thương còn đó, dai dẳng trên cơ thể mẹ Việt Nam (bom mìn chưa nổ, chất độc da cam…).

Thật vinh dự vì tôi có những người bạn lớn của Việt Nam cùng đồng hành ở các sự kiện trên. Đó là nhà hoạt động vì hòa bình Ron Caver - người tập hợp và xuất bản tập sách Tranh đấu cho hòa bình ở Việt Nam.

Tôi có những cuộc chuyện trò cùng nhiếp ảnh gia Peter Steinhauer, người sống ở Washington DC nhưng đã sang Việt Nam nhiều lần để chụp những bức tranh về đất nước, con người Việt Nam. Tôi xúc động vô cùng khi nói chuyện với Craig Mcnamara, con trai của bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara - người được xem là "kiến trúc sư trưởng" của sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam.

Trong quyển tự truyện Because Our Fathers Lied (Vì cha chúng tôi nói dối), Craig McNamara đã thẳng thắn gọi cha mình là một tội phạm chiến tranh. Tôi cũng có buổi trò chuyện cùng giáo sư Wayne Karlin, người từng là xạ thủ trực thăng ở Việt Nam trong chiến tranh, để rồi về nước, ông tích cực tham gia phản chiến, và đã dành phần còn lại của cuộc đời mình để dịch, xuất bản và quảng bá văn học Việt Nam…

Trong một số sự kiện, tôi mời nhà thơ cựu binh Mỹ Doug Rawlings đọc bài thơ tiếng Anh của ông mang tên The Girl in Picture (Cô gái trong bức ảnh) mà ông đã viết tặng Phan Thị Kim Phúc, người xuất hiện trong bức ảnh "Em bé napalm" của Nick Út.

Còn tôi đọc bản dịch tiếng Việt của bài thơ, với những câu thơ ám ảnh: "Nếu bạn là cựu binh Việt Nam, người phật phờ sống sót/ cô ấy sẽ tìm đến bạn qua nhiều thập kỷ/ đổ bóng xuống ánh sáng đang tắt trong giấc mơ của bạn/ cô vẫn trần truồng và chín tuổi, nỗi kinh hoàng tạc vào mắt cô/ Tất nhiên bạn sẽ phải phớt lờ cô ấy đi/ nếu bạn muốn sống sót qua năm qua tháng/ nhưng rồi con gái bạn lên chín/ và sau đó cháu nội cháu ngoại của bạn lên chín".

Tôi cũng đọc những bài thơ mà tôi viết về chất độc da cam, về bom mình chưa nổ, để kêu gọi những người Mỹ chung tay với những dự án của các tổ chức tháo gỡ bom mìn và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.

Ngoài nói về ảnh hưởng dai dẳng của chiến tranh và những gì mọi người có thể làm để giúp xoa dịu đau thương, tôi muốn nói về giá trị của hòa bình, về tình yêu hòa bình của người Việt, và về những gì chúng ta có thể làm để xây dựng hòa bình bền vững trên trái đất này: đó là việc đọc nhau nhiều hơn, thấu hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn và lắng nghe những câu chuyện của nhau.

Tập thơ Màu hòa bình đem theo ước vọng của tôi về một hòa bình bền vững trên địa cầu, và vì vậy một trong những bài thơ chủ đạo của quyển sách này, bài thơ Màu hòa bình viết tặng những người dân Colombia, nơi bạo lực có vũ khí vẫn còn hoành hành.

Trong khuôn khổ của Liên hoan thơ Medelline vào nhiều năm trước, tôi đã đặt chân lên một triền núi, nơi đó có hàng trăm người phải dựng những túp lều để ở tạm, để trốn tránh bạo lực ở làng quê của họ. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn họ nấu những món ăn truyền thống cho chúng tôi - những nhà thơ quốc tế - và đọc thơ cùng chúng tôi.

Để rồi tôi viết những câu thơ: "Và tôi bỗng thấy mình thuộc về nơi đây/ về mảnh đất này/ mảnh đất đã bị nội chiến xé tan thành nhiều mảnh/ mảnh đất ngập tràn bóng ma thuốc phiện/ Khi tôi và những đứa trẻ cùng nhau/ nhảy dây, bước chân nhẹ bẫng hy vọng/ Tôi biết những người đã chết đang dõi theo, bảo vệ chúng tôi/ Và tôi nhìn thấy màu của hòa bình/ đang chuyển mình thành màu của những tiếng cười/ lanh lảnh trên môi/ những đứa trẻ của đất nước Colombia".

Chiến tranh đã lùi xa năm mươi năm. Có ai đó nói rằng thôi hãy đừng nói về chiến tranh nữa, đất nước hòa bình đã lâu rồi. Vậy mà sao chiến tranh vẫn gầm thét trong tôi khi tôi được chứng kiến một gia đình liệt sĩ Việt Nam trải bạt, dâng lễ, dâng hương ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, thuộc địa phận Lào.

Những nén hương thắp cùng nước mắt và những lời thổn thức. Những lời cầu xin trời đất và hương hồn các liệt sĩ phù hộ để họ tìm được mộ cha.

Những người nông dân tôi gặp hôm đó đã thắt lưng buộc bụng hơn 30 năm qua mới đủ tiền thuê xe và người hướng dẫn để sang Lào tìm mộ cha - một bộ đội Việt Nam đã hy sinh tại cánh đồng Chum. Có biết bao gia đình Việt Nam đang lặn lội sang Lào để tìm mộ người thân. Với rất ít thông tin, nhưng họ vẫn đi tìm với hy vọng mãnh liệt và cháy bỏng.

Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác bằng tiếng Việt và tiếng Anh, là tác giả của 13 quyển sách. Nhiều bài thơ của cô đã được phổ nhạc thành những bài hát được công chúng yêu thích, trong đó có bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" (nhạc Đinh Trung Cẩn).

Hai quyển tiểu thuyết bằng tiếng Anh của cô The Mountains Sing và Dust Child, viết về chiến tranh để kêu gọi hòa bình, đã và đang được dịch sang 25 ngôn ngữ. Cô dành tặng 100% tiền nhuận bút của tập thơ bằng tiếng Anh The Color of Peace (Màu hòa bình) cho ba tổ chức tháo gỡ bom mìn chưa nổ và trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Nguyễn Phan Quế Mai đã nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, trong đó có giải nhì Giải thưởng Dayton vì Hòa bình (Giải thưởng Văn học đầu tiên và duy nhất của Mỹ ghi nhận sức mạnh của văn chương trong việc thúc đẩy hòa bình).


Nguồn:https://tuoitre.vn/mau-hoa-binh-2025042716182254.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm