Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Bởi vậy, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình là nền tảng cốt lõi để xây dựng xã hội bình đẳng, tiến bộ, văn minh.
Truyền thống văn hóa Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, xem văn hóa ứng xử là yếu tố cốt lõi tạo nên sự gắn kết. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình được thể hiện qua “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ”.
Dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, gia đình Việt Nam qua nhiều thế hệ đã hình thành và phát triển những chuẩn mực đạo đức cao đẹp như kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất.
Tuy nhiên, trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, bên cạnh đời sống tinh thần, vật chất của các gia đình được cải thiện, nâng cao thì xu hướng đề cao giá trị vật chất, chủ nghĩa cá nhân đã và đang có nguy cơ làm thay đổi quan niệm về giá trị truyền thống gia đình, đi ngược lại những giá trị, đạo đức, thuần phong mỹ tục, khiến sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình dần trở nên lỏng lẻo.
Để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của gia đình trong quá trình hội nhập và phát triển, Ðảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng và triển khai nhiều giải pháp để xây dựng, gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Cụ thể hóa Chỉ thị số 06 ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai với mục tiêu, giải pháp cụ thể, trong đó kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác quản lý nhà nước về gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em; triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ nữ, cán bộ văn hóa cơ sở về công tác hòa giải; phối hợp với các địa phương, đơn vị, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động gắn với các phong trào “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”...
Xây dựng và duy trì nhiều câu lạc bộ, mô hình hiệu quả góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, văn minh như câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình hạnh phúc”, nhóm “Phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình “Địa chỉ tin cậy”… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình, tích cực giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Là gia đình gồm 4 thế hệ, dù có những khoảng cách tuổi tác, nhưng các thành viên trong gia đình ông Lê Văn Chiến ở xã Thiện Kế (Bình Xuyên) luôn chung sống hòa thuận, hạnh phúc nhờ sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau.
Ông Chiến chia sẻ: “Sống trong gia đình nhiều thế hệ có nhiều sự khác biệt trong tư duy, lối sống, tôi luôn căn dặn các con, cháu cần phải gìn giữ giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử phù hợp thuần phong mỹ tục, nhất là truyền thống “Kính trên nhường dưới”, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị em phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để tạo nên sự gắn kết bền chặt trong gia đình”.
Xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng để xây dựng cộng đồng, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc. Giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, mỗi người phải luôn ý thức về văn hóa ứng xử để nhân lên tình yêu thương, trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tốt đẹp của gia đình trong xã hội hiện đại; đồng thời củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác gia đình trong tình hình mới...
Hương Giang
'
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/125918/Giu-gin-va-phat-huy-net-dep-van-hoa-truyen-thong-trong-gia-dinh
Bình luận (0)