Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ lửa truyền thống bằng công nghệ số

Hơn 80 di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố được các cấp bộ Đoàn thực hiện số hóa trong thời gian qua. Điều đáng nói, những dữ liệu sau khi số hóa được tích hợp lên bản đồ số, thiết kế giao diện thân thiện để người dùng dễ dàng truy cập qua điện thoại di động hoặc máy tính.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng26/04/2025

Hơn 80 di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố được các cấp bộ Đoàn thực hiện số hóa trong thời gian qua. Ảnh: H.L
Hơn 80 di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố được các cấp bộ Đoàn thực hiện số hóa trong thời gian qua. Ảnh: H.L

Xác thực thông tin địa chỉ

Phong trào số hóa địa chỉ đỏ được tuổi trẻ Đà Nẵng triển khai từ năm 2023, bắt đầu bằng cuộc thi xây dựng clip “Tự hào Đà Nẵng” - Số hóa các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố. Thông qua cuộc thi, hàng chục clip ngắn giới thiệu di tích, địa chỉ đỏ được đoàn viên, thanh niên xây dựng sau thời gian tìm hiểu, xác minh thông tin.

Đơn cử, để chuẩn bị video dài hơn 13 phút giới thiệu nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Quận đoàn Sơn Trà đã dành nhiều ngày tìm hiểu, nghiên cứu địa chỉ. Nhóm ghi hình, phỏng vấn người có chức sắc, tra cứu tài liệu và kết nối với Ban quản lý di tích để đối chiếu, bổ sung hình ảnh, thông tin. Thành quả là một video chỉn chu, mang chiều sâu lịch sử, có tính thẩm mỹ ra đời.

Đoàn viên Nguyễn Ngọc Trân Châu, người dẫn dắt câu chuyện trong clip này cho biết, quá trình làm clip cũng là dịp để Trân hiểu sâu hơn giá trị văn hóa - lịch sử địa phương, từ đó có sự trân trọng và ý thức giữ gìn. Theo Châu, lúc đầu em chỉ biết đây là di tích lịch sử, gắn với hoạt động thờ cúng các bậc tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Nhưng qua tìm hiểu, em cảm nhận rõ hơn tầm vóc và chiều sâu lịch sử, văn hóa của địa chỉ.

“Địa chỉ là nơi linh thiêng của người dân địa phương và ghi dấu những giai đoạn khai hoang, mở đất của cha ông, đặc biệt là công lao của Thoại Ngọc Hầu - người góp phần quan trọng trong quá trình hình thành vùng đất phía Nam Tổ quốc. Là người trẻ, em thấy mình cần có trách nhiệm lan tỏa giá trị đó đến cộng đồng”, Châu bày tỏ.

Từ những clip đầu tiên mang tính thử sức, giới trẻ Đà Nẵng dần nâng cao kỹ năng thu thập tư liệu, dựng phim, kể chuyện… để tạo nên những sản phẩm chất lượng và giàu cảm xúc. Quan trọng hơn, di tích lịch sử, địa chỉ đỏ sau khi được thể hiện bằng ngôn ngữ trẻ trung, sáng tạo đã thực sự lan tỏa, trở thành cầu nối hiệu quả giữa quá khứ và hiện tại. Đặc biệt, qua các video, thông tin, dữ liệu được cung cấp, Thành đoàn Đà Nẵng có cơ sở để hình thành bản đồ số địa chỉ đỏ trên địa bàn.

Sử dụng AI trong truyền thông quảng bá lịch sử

Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Lê Công Hùng cho biết, đối với mỗi địa chỉ đỏ, các cơ sở Đoàn trực thuộc đã tích cực phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng tuyến bài thuyết minh giới thiệu, chuyển thành dữ liệu số và tích hợp trong mã QR bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

Hiện nay, bản đồ số địa chỉ đang được tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, có liên kết với cổng thông tin ngành giáo dục và văn hóa. “Mục tiêu xa hơn là phát triển bản đồ thành công cụ tương tác đa chiều, tích hợp thực tế ảo, thực tế tăng cường… để người dùng có thêm trải nghiệm khi tham quan các địa chỉ đỏ hay tham gia trò chơi tương tác tìm hiểu lịch sử địa phương”, anh Hùng chia sẻ.

Hiện nay, Đoàn thanh niên phối hợp trường học, tổ chức giáo dục đưa nội dung bản đồ số vào hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử địa phương. Nhiều trường đã và đang tổ chức cho học sinh khám phá lịch sử Đà Nẵng bằng cách chia nhóm, tìm hiểu địa chỉ đỏ thông qua bản đồ và trình bày lại bằng clip, slide thuyết trình. Tiếp nối thành công bước đầu, Thành đoàn Đà Nẵng định hướng mở rộng quy mô dự án, bổ sung thêm các địa điểm gắn với phong trào cách mạng, hoạt động tình nguyện, nhân vật tiêu biểu trong từng thời kỳ.

Để tiếp tục lan tỏa, Thành đoàn tích cực tập huấn đoàn viên, thanh niên kỹ năng sử dụng AI trong truyền thông quảng bá lịch sử địa phương. Lớp tập huấn giới thiệu các công cụ thiết kế, dựng phim, chỉnh sửa hình ảnh và hướng dẫn cách khai thác trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đoạn mô phỏng giọng nói, dựng hoạt cảnh ảo, từ đó giúp địa chỉ đỏ trở nên sống động, hấp dẫn hơn cho người xem, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Chị Lê Thị Lành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Đà Nẵng cho rằng, việc ứng dụng AI vào truyền thông quảng bá lịch sử địa phương giúp tiết kiệm thời gian sản xuất nội dung, đồng thời mở ra cơ hội sáng tạo mới, chẳng hạn như tự động hóa việc tạo phụ đề song ngữ, phát hiện từ khóa lịch sử trong video hay xây dựng nhân vật ảo dẫn chuyện. “Với sự hỗ trợ của công nghệ, bản đồ địa chỉ đỏ trở thành nền tảng sáng tạo, nơi người trẻ làm phim, viết truyện, tổ chức minigame tìm hiểu lịch sử chủ động và đầy hứng khởi”, chị Lành khẳng định.

HUỲNH LÊ

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/giu-lua-truyen-thong-bang-cong-nghe-so-4005844/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm