“Bắt rừng mở lối, bắt núi cúi đầu”
Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Tỳ (sinh năm 1953, tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), ký ức về Chiến dịch Tây Nguyên không chỉ là những trận đánh ác liệt, mà còn là âm thanh “tạch-tè” quen thuộc của tín hiệu phát ra từ máy bộ đàm thông tin trên vai. Nhập ngũ tháng 1-1972, sau 3 tháng huấn luyện, thanh niên Nguyễn Văn Tỳ sang Lào thực hiện nhiệm vụ rồi mới trở về tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Tháng 1-1975, chàng lính trẻ hành quân vào chiến trường Tây Nguyên và được biên chế về Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 18 trực thuộc Trung đoàn 149 (nay là Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2). Nhiệm vụ của ông lúc đó là đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác chỉ huy và hiệp đồng tác chiến của đơn vị trong suốt chiến dịch.
“Tôi được phân công đi cùng Thiếu tá Tô Linh, Trung đoàn phó Trung đoàn 149, để tiếp nhận, mã hóa, truyền đi và thu nhận lại mọi tín hiệu chiến đấu từ các mũi tiến công của trung đoàn”, ông Tỳ nhớ lại.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, Trung đoàn 149 (nay là Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2) vinh dự được giao nhiệm vụ mở màn, tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột và tiêu diệt sư đoàn thiện chiến 23 ngụy. Ngày 5-3-1975, Sư đoàn 316 nhận lệnh bắt đầu triển khai lực lượng, trong đó Trung đoàn 149 của ông được giao nhiệm vụ tiến công từ hướng Nam vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đêm cùng ngày, Trung đoàn 149 bí mật cơ động theo Đường 14 tiến vào phía Nam thị xã Buôn Ma Thuột, ông Tỳ cùng đồng đội len lỏi qua các chốt bảo an, dân vệ, vượt sông Sê-rê-pốk để tiếp cận mục tiêu. Là lính thông tin, nên ông không chỉ vác theo máy móc cồng kềnh, mà còn phải đảm bảo tín hiệu liên lạc luôn thông suốt giữa các mũi di chuyển.
“Với lính thông tin, nhiệm vụ không chỉ là theo sát đơn vị mà còn phải bảo đảm mạch liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Mang vác máy móc qua rừng rậm, địa hình hiểm trở, dây tín hiệu dễ mắc vào cây cối, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm gián đoạn. Vì vậy đòi hỏi chúng tôi phải quyết tâm ‘vạch rừng mà đi, bạt núi mà tới' để giữ được dòng liên lạc giữa mặt trận”, ông Tỳ nhớ lại.
Sau khi tiêu diệt địch tại hai điểm cao 491 và Chư Lom, đêm 9-3, Nguyễn Văn Tỳ cùng đồng đội đến vị trí xuất phát tiến công vào thị xã, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu.
Đúng 1 giờ 55 phút ngày 10-3-1975, cuộc tiến công vào Buôn Ma Thuột bắt đầu. Các đơn vị của Sư đoàn 316 đồng loạt đánh chiếm các cứ điểm then chốt như: Chư Duê, Chư Bua, điểm cao 149, mở toang “cánh cửa” phòng ngự vòng ngoài của địch.
|
Từ hướng Nam, Trung đoàn 149 đánh sâu vào trung tâm, nhanh chóng làm chủ phần lớn các mục tiêu trọng yếu trong thị xã Buôn Ma Thuột ngày đầu tiên. “Lúc đó, tôi luôn theo sát Thiếu tá Tô Linh, Trung đoàn phó, duy trì đường dây liên lạc với từng mũi tiến công. Chúng tôi thu tín hiệu về đường bay và mệnh lệnh từ cấp trên qua moóc, rồi mã hóa thành những con số và chữ cái. Vì thế, tôi luôn phải tập trung cao độ, đảm bảo từng tín hiệu được truyền tải chính xác, không để bất kỳ sai sót nào xảy ra, nhất là trong những thời điểm quyết định”, ông Tỳ nhớ lại.
Trưa ngày 11-3-1975, các mục tiêu chính trong cuộc tiến công thị xã Buôn Ma Thuột hoàn thành, các đơn vị của Sư đoàn 316 hoàn toàn làm chủ thị xã. Tuy nhiên, một số đơn vị của địch thuộc Trung đoàn 53 ngụy vẫn cố giữ chốt phòng ngự cuối cùng tại sân bay Hòa Bình. Khu vực hậu cứ Trung đoàn 53 ngụy và sân bay Hòa Bình trở thành nơi đồn trú của hầu hết các lực lượng ngụy quân đổ về.
Ngày 14-3, Trung đoàn 149 của ông được lệnh phối hợp với Trung đoàn 198 tiến công sân bay Hòa Bình. Là chiến sĩ thông tin, ông tiếp tục ở sở chỉ huy, căng tai trên máy, để duy trì liên lạc. Địch liên tục gây nhiễu sóng và phá rối tần số, khiến từng tín hiệu thông tin truyền đi, nhận lại đều trở nên quý giá.
Giữa lúc tình hình căng thẳng, đồng chí Nguyễn Trọng Mày, chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 149) bị địch bắt khi đang nỗ lực giữ liên lạc. Chúng ép anh phá hủy máy thông tin, nhưng anh Mày kiên quyết từ chối. Cuối cùng, địch đã đổ xăng thiêu rụi căn nhà giam giữ anh và anh đã hy sinh.
“Tối hôm trước, tôi và Mày còn ngồi trò chuyện, khoe nhau bộ quần áo mới, háo hức về ngày chiến thắng. Sáng hôm sau, bạn hy sinh. Dù đau xót, chúng tôi vẫn phải gạt nỗi đau ấy sang một bên để tiếp tục chiến đấu. Người trước đã ngã xuống, người sau phải tiếp tục tiến lên”, ông Tỳ nghẹn ngào.
|
Từ Tây Nguyên viết tiếp bản hùng ca thống nhất
Ngày 15-3-1975, Trung đoàn 149 cùng với Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) tiếp tục đánh vào hậu cứ Trung đoàn 53 ngụy. Đêm cùng ngày, đơn vị của ông Tỳ cùng các đơn vị khác đồng loạt đánh chiếm căn cứ địch rồi phát triển nhanh vào khu trung tâm.
Sáng 17-3, các mũi tiến công áp sát sở chỉ huy Trung đoàn 53 ngụy. Những khu nhà xe, kho tàng, câu lạc bộ sĩ quan, hầm chỉ huy lần lượt bị đánh chiếm. Đến 8 giờ sáng, toàn bộ căn cứ quan trọng này rơi vào tay quân giải phóng. Từ thế trận then chốt ấy, lực lượng ta thừa thắng xông lên, đánh chiếm căn cứ thiết giáp, căn cứ pháo binh và các mục tiêu còn lại ở thị xã cũng như vùng ngoại vi. “Chiến thắng ấy không chỉ mở toang cánh cửa Buôn Ma Thuột, mà còn viết lên trang mở đầu cho bản hùng ca giải phóng miền Nam”, ông Tỳ xúc động.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tỳ và vợ. |
Sau chiến thắng tại Tây Nguyên, ngày 15-4-1975, đơn vị của Nguyễn Văn Tỳ nhận lệnh hành quân thần tốc qua quận Bến Cát (nay là thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương), quận Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), căn cứ Đồng Dù (Củ Chi)… Đến ngày 29-4-1975, đơn vị ông tiếp cận chợ Bến Thành, sẵn sàng tiến vào nội đô Sài Gòn. “Trưa 30-4-1975, khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, tôi và đồng đội vỡ òa trong cảm xúc. Hạnh phúc vì đất nước đã hoàn toàn giải phóng, và càng xúc động hơn khi bản thân còn sống để được chứng kiến giây phút lịch sử ấy sau bao trận chiến khốc liệt”, ông Tỳ xúc động.
Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình và ngày càng phát triển nhưng chúng ta mãi không thể quên những đóng góp, hy sinh của ông cha, trong đó có những chiến sĩ thông tin đã dũng cảm, mưu trí giữ vững mạch máu thông tin liên lạc. Lặng lẽ giữa đạn bom, họ duy trì liên lạc thông suốt, kịp thời chuyển mệnh lệnh giữa các mũi tiến công, giúp chỉ huy nắm chắc tình hình và đưa ra quyết định chính xác. Trong hành trình tiến về Sài Gòn mùa xuân năm ấy, từng dòng điện, từng tín hiệu vô tuyến truyền đi giữa chiến trường chính là những nhịp thở góp phần làm nên bản hùng ca đại thắng mùa Xuân 1975.
Bài, ảnh: TRẦN HẢI LY
Nguồn: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/giu-vung-mach-mau-thong-tin-giua-tay-nguyen-ruc-lua-824823
Bình luận (0)