Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài 2): Cái khó không hoàn toàn ở sự thiếu quyết tâm

(Baothanhhoa.vn) - Dẫu đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng ước tính đến hết năm 2025, Thanh Hóa còn 4/23 chỉ tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719) không hoàn thành.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa27/07/2025

Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài 2): Cái khó không hoàn toàn ở sự thiếu quyết tâm

Thanh niên xã Na Mèo làm đường giao thông nông thôn, góp phần phát huy hiệu quả Chương trình 1719.

Theo thông tin từ Sở Dân tộc và Tôn giáo, 4 chỉ tiêu dự kiến không hoàn thành, gồm: Số xã; thôn, bản thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THPT đến trường. Đây đều là những chỉ tiêu khó, chịu tác động trực tiếp từ các chỉ tiêu khác và tỷ lệ giải ngân vốn của chương trình. Ví như, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2024 phải đạt là 66,2 triệu đồng/người nhưng kết quả chỉ đạt 42,39 triệu đồng/người; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi THPT đến trường phải đạt 98,9%, nhưng dự kiến cuối năm nay chỉ đạt 95%...

Trong khi đó, theo thống kê, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao hàng năm cho tỉnh thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31/6/2025, tỉnh giải ngân được khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch vốn. Trong đó vốn đầu tư phát triển giải ngân được trên 991,6 tỷ đồng, đạt 84,27%, vốn sự nghiệp giải ngân được 716,6 tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch vốn. Nhìn con số, những tưởng đây là tỷ lệ thấp, nhưng so với trong cả nước thì tỷ lệ này đạt cao hơn mức trung bình của các tỉnh được thụ hưởng từ Chương trình 1719.

Điều này có nhiều nguyên do, không ít địa phương cho rằng, dù mang nhiều dự án, tiểu dự án mới với cách thức thực hiện mới, thiết thực hơn so với giai đoạn trước, song Chương trình 1719 vẫn có không ít chính sách chưa phù hợp, khó áp dụng. Trong số này phải kể đến chính sách hỗ trợ đất ở theo Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt). Cụ thể là, định mức hỗ trợ đất ở đối với mỗi hộ 40 triệu đồng để xen ghép là thấp, không phù hợp với giá đất thị trường và điều kiện kinh tế hộ nghèo. Thực tế này đã khiến không ít các huyện cũ ở khu vực miền núi đã phải trả lại kinh phí vì người dân không mặn mà nhận hỗ trợ.

Ông Hà Văn Nhiệt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Lệ, nguyên Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Quan Hóa (cũ), cho biết: Mặc dù các cấp ủy, chính quyền đã đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai cần phải tái định cư xen ghép. Nhưng thực tế, dù có thêm nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình 1719, họ vẫn không đủ tiền để mua đất ở, chưa nói đến tiền làm nhà. Thêm vào đó, điều kiện để được nhận hỗ trợ là phải hoàn thành thủ tục và được cấp trích lục đất ở, khiến người dân gặp khó khăn. Vậy nên nhiều hộ gia đình thuộc diện này đã xin không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Và huyện Quan Hóa (cũ) đã phải trả lại số tiền được phân bổ về ngân sách tỉnh.

Hay Tiểu dự án 3 của Dự án 5 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), theo quy định, đối tượng thực hiện là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khi khu vực này hiếm có trường cao đẳng, trung cấp, chủ yếu là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, nên không có cơ sở phân bổ vốn...

Thêm vào đó, nhiều tiểu dự án, dự án của chương trình chậm được Trung ương ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện. Thậm chí có tình trạng văn bản hướng dẫn thiếu đồng bộ, thống nhất, nên nhiều địa phương khó thực hiện. Ví như đối tượng hỗ trợ của Dự án 7 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là trung tâm y tế huyện, còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2415/QĐ-BYT là trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoặc, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành tài liệu hướng dẫn dạy học, xóa mù chữ để triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 5. Đáng nói là việc thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) đến nay vẫn chưa thể triển khai vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ phương thức thực hiện...

Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài 2): Cái khó không hoàn toàn ở sự thiếu quyết tâm

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 1719, đời sống đồng bào các dân tộc xã Hồi Xuân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Những tồn tại, bất cập trên là phần chính của nguyên do Thanh Hóa còn 4 chỉ tiêu khó đạt. Song chưa hết, trên thực tế, Chương trình 1719 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 10/2021, nhưng cho đến quý II năm 2022 Trung ương mới quyết định phân bổ nguồn vốn thực hiện. Vậy nên, tỷ lệ giải ngân vốn thực chất là kết quả thực hiện của hơn 3 năm, không phải hoàn toàn của cả giai đoạn 5 năm.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong tổ chức thực hiện Chương trình 1719 vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, chưa kiên quyết, thiếu cụ thể. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm khảo sát thực tế trong lập dự án đầu tư, dẫn đến khó triển khai thực hiện, phải điều chuyển nguồn vốn. Minh chứng là cho đến nay, nhiều dự án thuộc danh mục vốn của Trung ương với nguồn kinh phí lớn, nhưng không thể triển khai thực hiện, như các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích hang Co Phường, hang Con Moong...

Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Lê Minh Hành cho rằng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện Chương trình 1719 trong thời gian qua đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó bài học về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, động viên người dân nỗ lực vươn lên khá, giàu... Song, sự cố gắng nội tại sẽ là chưa đủ nếu Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030 không được thiết kế phù hợp để làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bài và ảnh: Đỗ Đức

Bài cuối: Cần thiết phải điều chỉnh chính sách

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/go-bo-rao-can-khoi-thong-nguon-luc-thuc-hien-chuong-trinh-1719-bai-2-cai-kho-khong-hoan-toan-o-su-thieu-quyet-tam-256164.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm