Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ khó cho trái cây vào cao điểm thu hoạch

Thời điểm này, hàng loạt loại trái cây chủ lực như thanh long, xoài… vào cao điểm thu hoạch và đối diện với bài toán giá bán thấp, đầu ra khó khăn.

Báo Công thươngBáo Công thương25/05/2025

Xoài, mít, thanh long xuống giá

Hiện nay đang bước vào mùa thu hoạch rộ các loại trái cây trong cả nước, khiến một số loại hạ giá bán. Riêng tại Bình Thuận, không chỉ xoài, mít đang có giá thấp, giá thanh long nghịch vụ tại nhà vườn chỉ bán với giá từ 4.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, giá mua xô tại vườn chỉ ở mức 4.000 đồng/kg, giá mua chọn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Do là thanh long nghịch vụ, chi phí chong đèn, phân thuốc,… dẫn đến giá thành phải 7.000 - 8.000 đồng/kg người trồng mới lấy lại vốn. Với mức giá bán như hiện nay, các nhà vườn đang đối diện với thua lỗ.

Theo các thương lái thu mua thanh long tại Bình Thuận, giá loại trái cây này đang xuống nhanh trong 1 tháng qua. Nếu tháng 4/2025, giá trái cây xuất khẩu này ở mức trên 10.000 đồng/kg, thì nay chỉ được mua với giá 4.000 đồng (mua xô). Hiện, loại thanh long loại 4 chỉ được thu mua 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tại nhiều nhà vườn, thương lái cắt bỏ loại này vì không đủ chi phí vận chuyển.

Không chỉ thanh long, giá mít Thái tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng lao dốc mạnh. Hiện tại, mít loại 1 chỉ 4.000 - 10.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với cách đây 1 tháng. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với xoài Úc tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Nếu như năm ngoái, xoài Úc loại đẹp có thể bán với giá 30.000 đồng/kg thì nay thương lái chỉ trả 3.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí không đến mua.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, nguyên nhân dẫn tới thanh long giảm giá nhanh là do thời điểm này đang vào cao điểm thu hoạch các loại trái cây chính vụ. Thêm nữa, các nước nhập khẩu thanh long như Trung Quốc cũng đã chủ động sản xuất được khá nhiều nên ảnh hưởng đến giá thu mua.

Với trái mít, chuối, hiện thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang bước vào vụ thu hoạch khiến nhu cầu nhập khẩu giảm đáng kể. Không chỉ vậy, chuối Việt Nam còn phải cạnh tranh với chuối của Lào và Campuchia.

Hàng chất lượng giá vẫn bán vẫn cao

Mặc dù tình trạng chung là vậy nhưng với nhiều loại quả đảm bảo chất lượng cao vẫn duy trì giá bán tốt.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đình Trung - Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến - cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, các thành viên hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thanh long sang thị trường EU, Mỹ, Úc, Trung Quốc,... nên hiện giá bán thanh long của các thành viên trong hợp tác xã vẫn phổ biến ở mức từ 21.000 - 23.500 đồng/kg. Các hợp đồng tiêu thụ cũng được hợp tác xã ký kết với đối tác từ 1-3 năm, do đó, chỉ cần bà con trồng theo đúng tiêu chuẩn sẽ không lo ngại về đầu ra cũng như giá bán.

Tương tự, tại vườn thanh long 5ha của ông Nguyễn Văn Thanh, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu kiểm định nghiêm ngặt với hơn 900 hoạt chất mà nhà nhập khẩu yêu cầu. Do đó, giá bán vẫn ổn định từ 24.000 - 26.000 đồng/kg. Mỗi tháng, nhà vườn thu hoạch đều đặn gần 20 tấn và bán cho doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Mùa hè là mùa của các sản phẩm trái cây, trong bối cảnh nhiều loại trái cây cùng vào vụ thu hoạch sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá. Về việc này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, về phía Bộ sẽ đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực dự báo, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, nhất là thời điểm chính vụ.

Bên cạnh đó, bộ cũng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng các cơ sở chế biến, cơ sở bảo quản, kho tạm trữ để trong những thời điểm chính vụ, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc mua tạm trữ, từ đó, có thể xuất khẩu trong một thời gian dài. Từ đó, giảm áp lực tiêu thụ khi trái cây vào thời điểm thu hoạch chính vụ.

Đồng thời, việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng hết sức quan trọng. Do đó, thông qua công tác đàm phán, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới có khả năng tiêu thụ nông sản Việt Nam tốt như: Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông,… bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Khi đó, nông sản Việt sẽ giảm bớt rủi ro trong trường hợp biến động hay vướng mắc tại một thị trường nào đó;....

Trước thực trạng giá nông sản rớt mạnh, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc. Tuy nhiên, theo các các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là phải hình thành chuỗi giá trị liên kết bền vững. Cùng với đó, việc đẩy mạnh chế biến sâu cũng là giải pháp quan trọng, việc này không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm mà còn giảm sức ép tiêu thụ tại thời điểm vào vụ thu hoạch rộ nông sản, trái cây.
Nguyễn Hạnh

Nguồn: https://congthuong.vn/go-kho-cho-trai-cay-vao-cao-diem-thu-hoach-389200.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm