Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ "nút thắt" bảng giá đất

Một trong những điểm mới được kỳ vọng tạo đột phá trong Luật Đất đai năm 2024 là bỏ khung giá đất, trao quyền cho các địa phương ban hành bảng giá đất tiệm cận thị trường. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra thách thức lớn là khả năng tài chính của người dân chưa đáp ứng được mức giá của thị trường.

Hà Nội MớiHà Nội Mới08/07/2025

Thời gian gần đây, đã có nhiều ý kiến phản ánh sự bất cân xứng giữa bảng giá đất và khả năng tài chính của người dân. Điển hình như câu chuyện gia đình ông Đinh Công Phương ở xã Ba Vì, thành phố Hà Nội, khi được phép chuyển đổi hơn 210m² đất trồng cây lâu năm sang đất ở nông thôn, phải nộp gần 900 triệu đồng tiền sử dụng đất, tương ứng hơn 4,3 triệu đồng/m² theo bảng giá đất mới.

Hay như gia đình ông Trần Duy Đồng ở tỉnh Nghệ An cũng choáng váng khi phải nộp 4,5 tỷ đồng để chuyển 300m² đất vườn thành đất ở, tương ứng mức chuyển đổi gần 15 triệu đồng/m²... Đây là những con số vượt quá khả năng tài chính của các hộ dân nông thôn, miền núi...

Những trường hợp trên không hề cá biệt. Đó là hệ quả tất yếu khi bảng giá đất không được xây dựng trên nền tảng khả năng tiếp cận của đại đa số người dân mà chỉ bám theo diễn biến thị trường. Việc “cào bằng” nghĩa vụ tài chính giữa người giàu và người nghèo, giữa đô thị và nông thôn đang khiến chính sách đất đai, vốn là công cụ điều tiết công bằng, trở thành gánh nặng cho số đông người dân, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn...

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Mai Văn Phấn, việc bỏ khung giá đất là bước tiến, nhưng nếu bảng giá mới không theo sát thực tế thì chính sách sẽ mất đi hiệu lực xã hội. Đặc biệt, khi Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2026, yêu cầu mỗi địa phương phải ban hành bảng giá đất mới với cơ sở dữ liệu định giá đến từng thửa đất, có tham vấn rộng rãi người dân và được cập nhật thường xuyên.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị Bộ Tài chính cùng các địa phương khẩn trương cập nhật giá thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất, tổ chức lấy ý kiến người dân và có lộ trình điều chỉnh phù hợp. Quan điểm nhất quán của Bộ là: Giá đất phải phù hợp với thực tế, phản ánh đúng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng vùng miền, từng nhóm dân cư, không thể áp dụng một cách máy móc hay tuyệt đối hóa giá thị trường.

Trước những phản ánh từ cơ sở, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và quỹ phát triển đất, theo hướng thu hẹp các trường hợp phải xác định giá đất cụ thể, nới lỏng nghĩa vụ tài chính cho người dân trong một số tình huống chuyển tiếp. Cụ thể, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn, ao gắn liền nhà ở, Bộ Tài chính đề xuất người dân chỉ cần nộp 50% chênh lệch giữa giá đất ở và đất nông nghiệp, thay vì 100% như hiện nay.

Đã đến lúc cần nhìn nhận bảng giá đất không thể chỉ là “biểu giá” mang tính kỹ thuật để thu ngân sách mà phải là công cụ hỗ trợ phát triển, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Do đó, các địa phương cần thận trọng và có trách nhiệm trong quá trình xây dựng bảng giá đất mới theo hướng phân vùng rõ ràng, tham vấn người dân kỹ lưỡng, có đánh giá tác động kinh tế - xã hội cụ thể và tránh lạm dụng việc quy chiếu theo giá thị trường...

Gỡ "nút thắt" bảng giá đất không chỉ là việc sửa luật hay thay đổi cách tính giá mà là quá trình kiến tạo hệ thống chính sách vừa công bằng, vừa khả thi, đặt người dân vào vị trí trung tâm của phát triển. Bảng giá đất cần trở thành cầu nối để người dân tiếp cận chính sách đất đai một cách hợp pháp chứ không phải rào cản của sinh kế và phát triển bền vững.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/go-nut-that-bang-gia-dat-708346.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm