Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Nội: Đặc sắc nghi lễ “Kéo co ngồi” tại Lễ hội Đền Trấn Vũ

Điểm độc đáo của nghi lễ “Kéo co ngồi” là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây.

VietnamPlusVietnamPlus31/03/2025

Ngày 31/3 (tức ngày mùng 3 tháng Ba Âm lịch), tại Lễ hội Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, đã diễn ra nghi lễ “Kéo co ngồi” - Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện nhân loại.

Lễ hội Đền Trấn Vũ được tổ chức thường niên vào ngày mùng 3 tháng Ba (Âm lịch) hàng năm, mang bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người, mong muốn có cuộc sống an bình, tốt đẹp.

Lễ hội cũng là nét sinh hoạt văn hóa, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của con người, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, luôn hướng về nguồn cội; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ tương lai.

Về dự Lễ hội Đền Trấn Vũ, nhân dân, du khách thập phương có dịp chiêm ngưỡng pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ - pho tượng đồng đúc liền khối được chế tác khoảng thế kỷ 18, cao hơn 4m, nặng khoảng hơn 4.000kg. Pho tượng đi vào truyền thuyết, gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Một trong những giá trị văn hóa nổi bật của Lễ hội truyền thống Đền Trấn Vũ là trình diễn nghi thức “Kéo co ngồi” - một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của người dân nơi đây.

Theo sử sách, nghi thức “Kéo co ngồi" là trò diễn nghi lễ trong hội đền Trấn Vũ để hầu Đức thánh Linh Lang - vị Thành Hoàng của làng Ngọc Trì, xã Cự Linh xưa, nay thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Thông qua trò chơi và nghi lễ Kéo co ngồi," người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu.

Theo truyền thuyết, xưa kia làng Ngọc Trì có 12 cái giếng. Khi gặp hạn hán, làng chỉ còn duy nhất giếng thuộc xóm Đìa, còn gọi là mạn Đìa còn nước. Trai ở mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước, bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, quang gánh nước được làm từ dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ nước nên ngồi xuống ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng, với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Trước mùa lễ hội, người dân làng Ngọc Trì đã tuyển chọn những "giai kéo co" để tham gia nghi thức này. Giai kéo co độ tuổi từ 18-35, là trai đinh, nhất thiết phải có gốc ở làng (không tính rể).

ttxvn-keo-co-1-12.jpg
Nghi lễ và thực hành trò chơi Kéo co Ngồi Đền Trấn Vũ thu hút đông người dân đến tham dự và cổ vũ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Các đội tham gia kéo co được chia thành ba mạn, gồm mạn Đường, mạn Đìa và mạn Chợ. Người chỉ huy mỗi đội kéo co gọi là Tổng cờ.

Đến ngày hội làng, các mạn dâng lễ vật lên đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Lễ vật gồm mâm xôi, thủ lợn, hoa quả. Cây song dùng để kéo co cũng được mang ra trình Thánh. Trước ban thờ đức Thánh, các Tổng cờ đại diện lên bốc thăm chọn đội thi đấu.

Sau nghi lễ trình đức Thánh, các đội truyền tay nhau cây song, cùng đi ra bãi đất trống đã được chọn sẵn để thực hiện nghi thức kéo co ngồi.

Trước khi kéo, dây song được luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất. Giai kéo co hai đội ngồi bệt xuống đất, chân co, chân duỗi, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo. Sau khi có hiệu lệnh, trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ của nhân dân, những giai kéo co ra sức thể hiện sức mạnh.

Theo quan niệm của người dân trong làng, năm nào mạn Đường thắng thì năm đó người dân trong thôn sẽ làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Năm 2014, nghi thức "Kéo co ngồi" Đền Trấn Vũ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Năm 2015, Kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên "Nghi lễ và trò chơi kéo co," do 4 quốc gia: Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình.

Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO công nhận "Nghi lễ và trò chơi kéo co" là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội; trong đó có "Kéo co ngồi" Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, (quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Đại diện Ban tổ chức cho biết việc tổ chức trình diễn nghi lễ "Kéo co ngồi" - Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại tại Lễ hội Đền Trấn Vũ nhằm đưa đến cho nhân dân, khách thập phương xa gần cùng chiêm ngưỡng nghi lễ cổ của ông cha, tái hiện lại nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện khát vọng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, một cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc của người dân địa phương.

Nghi lễ này cũng thể hiện thể hiện sự gắn kết cộng đồng, kết nối giữa con người với thiên nhiên và là sự tiếp sức từ cộng đồng này đến cộng đồng khác, nhằm góp phần bảo tồn các nghi thức, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa nói chung và nghi lễ và trò chơi kéo co nói riêng trong đời sống đương đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-dac-sac-nghi-le-keo-co-ngoi-tai-le-hoi-den-tran-vu-post1023797.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm