Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Nội phát huy di sản trong công nghiệp văn hóa

Việt NamViệt Nam15/04/2025


Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Đây chính là nguồn tài nguyên phong phú cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng…

Hà Nội sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 6.489 di tích trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới… Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.

Di sản – nguồn tài  nguyên phong phú

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Đây chính là nguồn tài nguyên phong phú cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.

Hà Nội có các khu di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng từ lâu đã thu hút  nhiều du khách trong nước và quốc tế, như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa – đền Ngọc Sơn, chùa Hương…

 

 

82 tấm Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám được UESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (năm 2010) và Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu (năm 2011), được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2015)

Hà Nội cũng có hệ thống bảo tàng, nhà hát được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá tốt, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội… Đặc biệt, từ nhiều năm nay, khu phố cổ đã được ví như “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long – Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử…

 Hội Gióng đền Sóc- Nơi lưu giữ và phát huy nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống

Gắn với hệ thống di tích là những lễ hội truyền thống với quy mô từ nhỏ đến lớn,  hình thức khác nhau, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Tiêu biểu như hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010), lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức)…

Cùng với đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, làng có nghề, tạo nên không gian văn hóa làng nghề đặc sắc, trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Hàng Trống, đồ đồng Ngũ Xã, sơn mài Hạ Thái… cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh…

Phở Hà Nội – một trong những tinh hoa ẩm thực của Thủ đô

Về ẩm thực, Hà Nội có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây…

Hà Nội cũng có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trong đó có những loại hình được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như ca trù, xẩm, hát văn…tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước.

Phát huy giá trị di sản

Tất cả những di sản văn hóa nói trên đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị, là một trong những lợi thế so sánh để Thủ đô phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế…

Thành phố đã luôn bám sát quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội. Đồng thời triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.

Múa rối nước Đào Thục – một hoạt động văn hóa nổi bật, đặc trưng của làng Đào Thục thu hút du khách gần xa

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch văn hóa. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai khá hiệu quả công tác giáo dục di sản văn hóa, huy động thành công hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch bền vững. Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế sáng tạo. Thành phố cũng triển khai những dự án tầm cỡ quốc tế, như Trung tâm Triển lãm quốc gia (huyện Ðông Anh), Công viên Kim Quy (huyện Ðông Anh; Khai thác hiệu quả không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn), điểm văn hóa thưởng thức Trà sen Quảng An; Tiếp tục xây dựng điểm du lịch văn hóa “Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó”; Tổ chức hoạt động du lịch quảng bá các sản phẩm truyền thống làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng nghề lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông)…Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ trở thành điểm du lịch văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Xác định sản phẩm văn hóa là sản phẩm bền vững nhất, Hà Nội chủ trương tập trung đầu tư một cách bài bản cho sản phẩm văn hóa tại các điểm di tích cả về mẫu mã, chất lượng mang bản sắc Thủ đô.

Cùng với đó, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn  thành phố đã liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác di sản để biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ. Tiêu biêu như: Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ra mắt công chúng sản phẩm văn hóa mới mang tên “Đêm thiêng liêng”, tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù Hỏa Lò; Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đưa vào khai thác tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” chuyên biệt dành cho khách nước ngoài; Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám triển khai tour đêm với công nghệ 3D mapping với chủ đề “Tinh hoa đạo học”,  phim 3D mapping “Sử đá lưu danh”; Làng gốm Bát Tràng đưa vào hoạt động, khai thác Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt…

Để di sản trở thành nguồn lực phát triển

Theo các chuyên gia, di sản dù giá trị đến mấy, vẫn mới chỉ là “tài nguyên”. Muốn tạo nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch thì cần biến giá trị di sản đó thành sản phẩm. Để khai thác giá trị kinh tế của di sản thì vẫn còn không ít thách thức, khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội cần có đội ngũ nhân lực tham gia lĩnh vực công nghiệp văn hóa chất lượng hơn. Đội ngũ này phải am hiểu về văn hóa; hoạch định các chương trình dài hơi, cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, giàu bản sắc, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản bền vững. Các làng nghề rất nâng cao nghiệp vụ du lịch, đổi  mới trong khâu thiết kế, “tăng tốc” chuyển đổi số, nhất là trong quảng bá sản phẩm, thu hút du lịch; cơ quan chức năng cần củng cố, mở rộng các tuyến tham quan dựa trên việc khai thác các giá trị của di sản: du lịch di sản văn hóa, lịch sử; Du lịch làng nghề, phố nghề, lễ hội, ẩm thực; Khu phố ẩm thực Hà Nội, nhà cổ, lễ nghi truyền thống gia đình tại Nghi Tàm – Quảng Bá; Tham quan các loại hình nghệ thuật truyền thống: ca trù, múa rối nước, chầu văn”. Thành phố cần quan tâm nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công – tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn…

Là nơi hội tụ và kết tinh những di sản văn hóa giàu giá trị của dân tộc Việt Nam, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp  để tiếp tục phát huy giá trị các di sản trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Đức Minh



Nguồn: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/ha-noi-phat-huy-di-san-trong-cong-nghiep-van-hoa/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm