Trong Trang trại cuối rừng, tác giả đưa người đọc đến một miền sơn cước - nơi những cư dân thành phố đến lập nghiệp giữa thiên nhiên hoang dã. Không gian truyện được mở rộng bằng chuỗi những câu chuyện nhỏ, dung dị, khơi dậy sự háo hức khám phá. Trong thế giới ấy, rừng núi không chỉ là bối cảnh mà còn là nhân vật biết kể chuyện. Gà rừng, rắn, chồn, bò… hiện lên như những người bạn đồng hành, gắn bó với con người.
Ảnh: Tác giả cung cấp
Điều đặc biệt của cuốn sách là cách kể chuyện không đơn tuyến. Nhà văn huy động một "dàn diễn viên" đầy màu sắc: từ ông nội, bạn ông nội, cô Tư, ông Khái, chú kiểm lâm..., mỗi nhân vật đều góp phần làm dày thêm chiều sâu văn hóa, lịch sử và cảm xúc của truyện. Trang trại cuối rừng trở thành một không gian đậm chất sống: từ quá khứ đến hiện tại, từ thành thị đến miền quê, từ thực tế đến huyền thoại. Những trải nghiệm cùng hai nhân vật chính trong suốt mùa hè nơi đây chắc chắn sẽ đọng lại trong tâm trí bạn đọc nhỏ tuổi như một miền ký ức tươi đẹp, dịu dàng. Cuốn sách đã được chọn vào top 10 chung khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức.
Xóm thiên đường lại đưa bạn đọc về góc nhỏ giữa lòng thành phố - một xóm nhỏ tại TP.HCM, nơi tác giả đã sống và lớn lên. Trong truyện, không có các sự kiện to tát mà chỉ là những cảnh đời bình dị: cô Tứ bán cà phê cóc, chú Ba Long thợ hồ, ông sư có tên cúng cơm là Chuột, chị Tuyết, ông Tư Răng Vàng… và cả gia đình cậu bé người kể chuyện. Qua ngòi bút tinh tế, sâu lắng, những con người ấy hiện lên sống động, gần gũi, vui buồn đan xen mà thấm đẫm tình người.
Những lớp ký ức về quá khứ được đan cài trong hiện tại: xóm Chùa từng có ngôi chùa cổ, nơi đã in dấu chân voi ngựa, những bóng cổ thụ rợp mát một thời… Tác giả đưa vào truyện những khoảnh khắc đoàn tụ, chia xa đầy xúc động, như buổi tiệc tất niên tiễn chú Ba Long về quê phụng dưỡng mẹ già, rồi kết thúc như một câu chuyện cổ tích: người thợ hồ cô đơn nghèo khổ nên duyên với cô Tứ, rồi cùng nhau rời thành phố.
Ảnh: Tác giả cung cấp
Tựa như lời kết của tác giả, xóm Chùa là một "góc thiên đường" - nơi con người sống chan hòa tình nghĩa, yêu thương đùm bọc nhau như bao xóm nhỏ trên mảnh đất này.
Hơn 30 năm trước, nhà văn Phạm Công Luận từng viết Chú bé Thất Sơn - tác phẩm thiếu nhi tạo dấu ấn thời ấy, được giải thưởng Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước lần 1 của TP.HCM. Tuy nhiên, dấu ấn rõ nét hơn của ông lại nằm ở thể loại tản văn và biên khảo. Hai cuốn Trang trại cuối rừng và Xóm thiên đường được ông viết trong khoảng thời gian giao thoa giữa những dự án sách lớn dành cho người lớn. Với sự am hiểu sâu sắc văn hóa, lịch sử cùng tâm hồn giàu cảm xúc và giọng văn đằm thắm, ông dành tặng trẻ em hai món quà tinh thần thực sự quý giá - những trang sách khiến người đọc nhỏ tuổi tìm thấy bóng dáng mùa hè của mình, và người lớn cũng bồi hồi sống lại những ký ức yêu thương thuở thiếu thời.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hai-mien-ky-uc-tuoi-tho-chan-chua-yeu-thuong-185250521224228239.htm
Bình luận (0)