Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hai nữ hộ sinh tiêu biểu

Trong hành trình chào đón những “thiên thần nhỏ”, bên cạnh bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh là những cộng sự không thể thiếu. Nghề hộ sinh là nghề vinh quang nhưng cũng lắm vất vả, gian truân. Một nghề chuyên về sản khoa, đồng hành với các bà mẹ từ lúc mang thai đến khi nhìn thấy các con yêu chào đời.

Báo An GiangBáo An Giang01/04/2025

Tốt nghiệp trung cấp hộ sinh vào năm 2007, sau đó tiếp tục học lên cử nhân điều dưỡng chuyên ngành phụ sản vào năm 2010, vừa làm vừa học. Với 18 năm trong nghề, điều dưỡng, Trưởng khoa Sanh (Bệnh viện Sản Nhi An Giang) Nguyễn Thị Huyền Nhung đã trải qua tất cả công việc của một nữ hộ sinh điều dưỡng, từ khâu nhận bệnh nhân, theo dõi và chăm sóc trong suốt quá trình chuyển dạ, đỡ đẻ cho sản phụ, chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh. Đồng thời, tham gia xử lý các tình huống cấp cứu, giành sự sống cho cả sản phụ và trẻ sơ sinh. Đặc biệt, chăm sóc những trẻ sơ sinh non yếu...  “Vừa là nữ hộ sinh, vừa là một người mẹ, tôi thấu hiểu sự vất vả khi “thai nghén”, sự đau đớn khi “vượt cạn” nên luôn hỗ trợ, chia sẻ những nỗi buồn, niềm vui và hạnh phúc với sản phụ cùng gia đình khi họ mẹ tròn, con vuông” - chị Huyền Nhung nói.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Sanh tiếp nhận 30 - 40 thai phụ và các trường hợp cấp cứu sản phụ khoa khác, thường xuyên có những ca bệnh khó, những thai phụ mang bệnh truyền nhiễm... Công việc của người hộ sinh lúc nào cũng tất bật từ khâu nhận bệnh, theo dõi và chăm sóc trong suốt quá trình chuyển dạ, tham gia đỡ sanh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau sanh, tư vấn - hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn theo dõi sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình... Chị Huyền Nhung chia sẻ: “Nghề hộ sinh - “bà mụ” thời hiện đại, là nghề đầy vinh quang, nhưng cũng lắm vất vả gian truân. Nghề chuyên về sản khoa, đòi hỏi ở sự kiên nhẫn, bình tĩnh và trình độ chuyên môn cao của nữ hộ sinh, đồng hành cùng những người mẹ từ khi mang thai đến khi được nhìn thấy con chào đời”.

Chuyên khoa 1, điều dưỡng Lê Kim Xoàn, Điều dưỡng trưởng Khoa đơn nguyên khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Sản Nhi An Giang hạnh phúc được đồng hành cùng sản phụ

“Là nữ hộ sinh điều dưỡng viên tại đơn vị khám và chữa bệnh theo yêu cầu, nên phải phục vụ gấp đôi. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tinh thần thái độ giao tiếp phải đặt lên hàng đầu. Nữ hộ sinh, điều dưỡng hàng ngày theo dõi tình trạng sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh và theo dõi vết mổ cho sản phụ. Khi xuất viện, còn tư vấn chăm sóc sau sanh, theo dõi mẹ và bé tại nhà” - chị Lê Kim Xoàn (chuyên khoa 1 điều dưỡng, Trưởng khoa Đơn nguyên khám, chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Sản Nhi An Giang) cho biết.

Mười mấy năm trong nghề, nữ hộ sinh hiểu từng cơn đau quặn thắt và nụ cười hân hoan cùng gia đình sản phụ khi mẹ tròn, con vuông. Tất bật với nhiệm vụ đỡ đẻ, chăm sóc mẹ và bé, song hành với những cơn đau đẻ của sản phụ và niềm hạnh phúc được chào đón một bé sơ sinh mới. “Trong công tác chăm sóc, người bệnh là trung tâm, niềm vui, hạnh phúc của họ bên đứa con vừa chào đời cũng đủ để chúng tôi thấy ấm lòng những đêm thức trắng để chăm sóc sức khỏe cho sản phụ và thai nhi. Vào ca trực, nhiều đêm thức trắng, tất bật với nhiều trường hợp người nhà sốt ruột, chưa biết cách chăm sóc sản phụ và trẻ nên người nhà kêu liên tục, mình vẫn ân cần hỗ trợ, giúp đỡ tận tình. Nghĩ đó việc cần làm, nhưng đến khi họp hội đồng người bệnh, được người nhà bệnh nhân hết lòng ngợi khen, chúng em thật sự ấm lòng” - chị Lê Kim Xoàn chia sẻ.

Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi An Giang Trương Kim Thuyên nhận xét: Toàn bệnh viện có 105 nữ hộ sinh. Đây là 2 nữ hộ sinh tiêu biểu, tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điển hình như Huyền Nhung, lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Nhung được đưa vào khu cách ly trông coi, chăm sóc người bệnh. Dù ở nhà có 2 con nhỏ, nhưng chị vẫn chấp hành sự phân công; tâm huyết, tận tình chăm sóc người bệnh và bản thân cũng bị COVD-19, nhưng vẫn tình nguyện phục vụ cho bệnh nhân COVID-19. Đối với Xoàn, rất giỏi trong giao tiếp phục vụ người bệnh và hướng dẫn các em, chăm sóc bệnh nhân, rất khéo léo và hiểu người bệnh. Dù gặp nhiều khó khăn, các em vẫn giữ được sự gắn bó và nhiệt huyết với nghề, đóng vai trò quan trọng đón nhận những “thiên thần nhỏ” chào đời và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các gia đình”...

“Nữ hộ sinh - người thầy thuốc thầm lặng, có tấm lòng thương yêu bà mẹ và em bé, làm việc chăm chỉ và nhẫn nại, không sợ gian khổ, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao cả nhất, làm sao cho mẹ tròn, con vuông để cả gia đình hạnh phúc trọn vẹn”- PGS.TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ

 

HẠNH CHÂU

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/hai-nu-ho-sinh-tieu-bieu-a418006.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm