Mục tiêu chính của cuộc không kích cầu Hàm Rồng lần này được Mỹ giao cho Tập đoàn Không quân chiến thuật số 2 - “Anh cả đỏ” trong lực lượng không quân chiến thuật Mỹ và được trang bị máy bay F105 - loại máy bay tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Loại máy bay này được mệnh danh là “thần sấm”, bởi dựa vào tiếng gầm rít của nó trên bầu trời để uy hiếp đối phương. Theo giới quân sự Mỹ, “khi một lực lượng máy bay thần sấm gầm rú trên đầu, đối phương không còn đủ bình tĩnh để ngắm bắn. Lúc ấy, những chiếc F105 cứ việc bổ nhào từng chiếc một mà ném bom”.
Nắm bắt được âm mưu, thủ đoạn của giặc Mỹ, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, quân và dân Thanh Hóa cùng với bộ đội đã bước vào cuộc chiến với tâm thế chủ động, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Lãnh đạo Quân khu 3 và Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận định: “Trọng điểm đánh phá vào quân khu lúc này là Thanh Hóa, trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng, bảo vệ được cầu Hàm Rồng là góp phần bảo đảm giao thông thông suốt”.
Từ nhận định đúng đắn đó, những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/1965, không khí chuẩn bị chiến đấu ở Hàm Rồng đã diễn ra vô cùng khẩn trương. Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân, chuẩn bị nhiều phương án tác chiến bảo vệ các trọng điểm địch có thể đánh phá và chuyển mọi hoạt động của địa phương từ thời bình sang thời chiến. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi như “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng”... được phát động rộng khắp trong thanh niên, phụ nữ, nông dân. Các ngành y tế, giao thông, thông tin liên lạc, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã vừa sản xuất, vừa chuẩn bị phương tiện chiến đấu, vừa khẩn trương đào hầm hào, công sự, sẵn sàng tránh và đánh trả quân địch để bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Để tăng cường lực lượng bảo vệ cầu Hàm Rồng, đầu năm 1965, Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã điều về Thanh Hóa Trung đoàn 13, pháo cao xạ 37 ly, thuộc Sư đoàn 213 đang huấn luyện ở Nam Định. Ngày 3/3/1965, Bộ Tư lệnh Phòng không không quân điều Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 330, đang bảo vệ Thủ đô Hà Nội vào Thanh Hóa. Trước khi bước vào trận chiến đấu, Sư đoàn 304 và Sư đoàn 305 điều về Thanh Hóa 1 đại đội cao xạ 37mm và 1 đại đội 14,5mm. Tháng 3/1965, Tỉnh đội Thanh Hóa điều 1 trung đội 14,5mm và tập trung toàn bộ hỏa lực của dân quân tự vệ các khu vực lân cận về bảo vệ cầu Hàm Rồng…
Các lực lượng tham gia chiến đấu tại khu vực Hàm Rồng được tổ chức thành 5 cụm hỏa lực. Mỗi cụm hỏa lực đều có khả năng chiến đấu độc lập trên từng hướng và có thể phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác. Sở chỉ huy đặt tại núi Cuội, 2 đài quan sát đặt ở núi Mật và cao điểm 134. Hàm Rồng bước vào thử thách mà chưa thể hình dung ra được sự ác liệt và tầm vóc chiến tranh tới mức nào, nhưng trong tim khắc sâu lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết triệu người như một. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/e-magazine-ham-rong-ban-hung-ca-thoi-dai-ho-chi-minh-244245.htm
Bình luận (0)