Khoảng 1.000 hécta cây trồng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước
Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, tuần qua, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi tại Tây Nguyên chỉ đạt 36%, giảm 4% so với tuần trước. Cụ thể, Kon Tum 39%, Gia Lai 30%, Đắk Lắk 33%, Đắk Nông 45%, Lâm Đồng 67%. Toàn vùng có 52 hồ cạn nước, trong đó Kon Tum 11 hồ, Đắk Lắk 21 hồ, Đắk Nông 20 hồ.
Tại Gia Lai, 268,82ha lúa (1,1% tổng diện tích lúa toàn tỉnh) bị hạn hán, nằm ngoài khu tưới của các hệ thống thủy lợi tại các huyện Đắk Đoa, Chư Sê, Kbang. Diện tích này đã được khuyến cáo không sản xuất trong vụ Đông Xuân 2024-2025 do nguồn nước không đảm bảo.
Tại xã Đắk Lao (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), hiện có khoảng 200ha cây cà phê đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước. Nếu thời tiết không cải thiện và không có mưa trong thời gian tới sẽ thêm diện tích cây trồng đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Tây Nguyên được dự báo có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất chỉ khoảng 45-50%. Nắng nóng tại khu vực có khả năng kéo dài trong một vài ngày tới.
Dựa trên dự báo thời tiết và tình hình thực tế, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi nhận định đỉnh điểm hạn hán, thiếu nước tại Tây Nguyên sẽ bắt đầu từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 và dự kiến kết thúc vào đầu tháng 5/2025.
Từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2024-2025, diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước tại Tây Nguyên ước tính từ 500 - 1.000ha, bao gồm Gia Lai 100 - 400ha, Đắk Lắk 200 - 300ha, Đắk Nông 200 - 300ha, chủ yếu nằm ngoài hệ thống công trình thủy lợi.
Xây dựng bộ dữ liệu cảnh báo hạn hán
Mặc dù là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước nhưng tại Tây Nguyên chỉ có khoảng 26% diện tích nông nghiệp được phục vụ bởi hệ thống thủy lợi và có tới 74% diện tích còn lại phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên. Trong đó, cây lúa, cây cà phê và hồ tiêu là những đối tượng cây trồng chịu ảnh hưởng chính bởi thiếu nước.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cho biết, ngay từ thời điểm đầu của cao điểm mùa khô, phía Cục đã nhanh chóng tổ chức Đoàn công tác để kiểm tra về tình hình hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Trong thời gian qua, Cục tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn trong và ngoài nước cung cấp; tổ chức dự báo nguồn nước, nhận định tác động của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả.
Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện để xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý, đảm bảo bổ sung nguồn nước cho hạ du phù hợp với khả năng lấy nước của công trình thủy lợi và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện. Ưu tiên cấp nước sinh hoạt và chuẩn bị phương án bảo đảm cung cấp nước tối thiểu cho người dân có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) triển khai dự án "Đánh giá tác động của hạn hán vùng Tây Nguyên" bằng công nghệ viễn thám. Dự án nổi bật với việc xây dựng bộ dữ liệu WaPOR cho khu vực thử nghiệm, nhằm đánh giá và giám sát tình trạng hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp thông qua công nghệ viễn thám.
Theo GS.TS Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi nhận định dự án hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp cán bộ quản lý Trung ương và địa phương xây dựng phương pháp giám sát, dự báo hạn hán, thiếu nước theo hướng chủ động, minh bạch, đồng thời tạo tiền đề nhân rộng mô hình ứng dụng trên toàn quốc.Việc có thông tin dự báo, cảnh báo tốt, đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng nước là yêu cầu quan trọng trong đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nguồn: https://baodaknong.vn/han-han-o-tay-nguyen-co-the-ket-thuc-vao-dau-thang-5-250391.html
Bình luận (0)