Thực tế, dù Chính phủ đã và đang có những chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia đã nhiều lần họp bàn, mổ xẻ, nhận diện nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý nhưng ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là vấn đề nhức nhối.
Cụ thể, theo số liệu quan trắc, từ tháng 10.2024 đến nay, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm không khí. Đỉnh điểm như trong ngày 25 - 26.3, theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới (IQAir), có những thời điểm, Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Còn theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, lúc 13 giờ ngày 25.3 cũng cho thấy, hầu hết khu vực phía Bắc đều gia tăng ô nhiễm. Trong đó, chỉ số AQI ở Hà Nội và Thái Nguyên được ghi nhận ở mức cảnh báo xấu. Mới đây nhất, vào thời điểm 13 giờ ngày 27.3, dù chỉ số AQI trên hệ thống IQAir cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã có cải thiện nhưng vẫn đứng thứ 11 trong số các thành phố lớn ô nhiễm nhất, với chỉ số AQI ở mức 151…
Nguyên nhân và thành phần chính gây ô nhiễm, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ yếu là do bụi đường, khí thải từ phương tiện giao thông, nhất là các phương tiện cũ, nát; do bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Phân tích rõ hơn về điều này, một chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do số lượng phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh trong khi hạ tầng giao thông, nhất là giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng diễn ra nhiều và nguồn khí thải từ các địa phương lân cận cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng không khí đô thị. Nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được giải quyết triệt để là do chính quyền địa phương chưa quyết liệt và chưa dành đủ nguồn lực tài chính để triển khai đồng bộ các giải pháp. Việc lập và triển khai quy hoạch phát triển cũng chưa đồng bộ, thiếu các giải pháp khả thi để bảo vệ môi trường.
Để khắc phục trình trạng này, trước mắt, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tổ chức giám sát các công trình xây dựng. Quy hoạch tuyến đường cho xe tải, kiểm soát xe cũ, tăng cường giao thông công cộng. Tăng cường rửa đường, quét bụi, lắp đặt hệ thống giàn phun nước tại các tuyến giao thông chính. Siết chặt quản lý đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch, khuyến khích tái chế; phân công và giám sát thực thi trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm. Tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ô nhiễm không khí và các biện pháp giảm thiểu.
Về lâu dài, cần tập trung hoàn thiện các chính sách về kiểm soát khí thải, chuyển đổi xanh. Hoàn thành kiểm kê nguồn thải, tổ chức giám sát chặt chẽ; vận hành hệ thống cảnh báo - chỉ huy trên nền tảng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giải pháp kỹ thuật, công nghệ giám sát tự động các nguồn thải lớn và kết nối trực tuyến. Phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, thân thiện môi trường, giao thông xanh. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, kết quả thực hiện các nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách, càng để lâu, tác động đến sức khỏe và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội càng lớn; chi phí để giảm thiểu, khắc phục càng tốn kém. Bởi vậy, đã đến lúc các địa phương cần phải hành động khẩn cấp và có mục tiêu triển khai cụ thể.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/hanh-dong-khan-cap-va-muc-tieu-cu-the-post409294.html
Bình luận (0)