Đội ngũ cán bộ công chức Trung tâm phục vụ Hành chính công xã Pà Cò đang nỗ lực vượt khó, góp phần từng bước đưa mô hình chính quyền hai cấp sớm đi vào hoạt động ổn định
Những thử thách không “bằng phẳng”
Xã Pà Cò mới có diện tích trên 100km2, tính từ điểm đầu đến cuối xã khoảng 50km. Còn từ trung tâm xã đến trung tâm tỉnh Phú Thọ là gần 200km. Đây là địa bàn sinh sống của gần 12.000 người. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 70%, sống tập trung tại 12/18 xóm; dân tộc Thái chiếm khoảng 20%, còn lại là các dân tộc khác.
Cả 3 đơn vị hành chính cũ và các xóm trước khi sáp nhập đều là vùng sâu, vùng xa, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Giao thông đi lại cách trở. Không ít bản làng bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, thường xuyên chịu ảnh hưởng, tác động từ thiên tai vào mùa mưa bão.
Không chỉ khó khăn về địa hình, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin trên địa bàn xã còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Theo rà soát, xã hiện có 6 xóm chưa được phủ sóng 3G hoặc có nhưng kết nối yếu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành và triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Chưa hết, khó khăn còn bộc lộ trong chính nội tại bộ máy chính quyền và cán bộ công chức (CBCC) xã. Theo đồng chí Sùng A Chênh, Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò thì thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, dù có sự hỗ trợ từ đội ngũ CBCC được điều động từ tỉnh, huyện về nhưng tổng thể về chất lượng vẫn chưa đồng đều. Theo đánh giá, hiện chỉ có khoảng 60% CBCC của xã đáp ứng được yêu cầu công tác. Hạn chế thể hiện rõ trong năng lực tham mưu, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Nhất là khả năng ứng dụng các nền tảng số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Bên cạnh đó, một trở ngại không nhỏ khác là rào cản ngôn ngữ. Do là địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn. Nhiều bản làng bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên nhiều người dân không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Nhất là người cao tuổi sống ở các xóm xa trung tâm xã.
Khi đến trụ sở UBND xã, họ gặp nhiều khó khăn trong việc trình bày yêu cầu hoặc có thể tự đọc, hiểu được quy trình thực hiện các TTHC. Do vậy, việc giao tiếp, hướng dẫn, giải thích các quy định trở thành gánh nặng cho CBCC được giao nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đặc biệt là với những người không thông thạo tiếng dân tộc.
Tại bộ phận “một cửa”, CBCC như anh Đinh Công Ứa trước đây công tác tại xã Cun Pheo, nay được điều động về tiếp tục đảm nhiệm vị trí công chức Tư pháp xã Pà Cò chia sẻ: Trong những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, phần lớn người dân đến làm thủ tục là đồng bào người dân tộc Mông. Nếu không có cán bộ biết tiếng Mông hỗ trợ, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đối với những CBCC không phải là người địa phương, biết tiếng nói của đồng bào dân tộc thì gần như không thể diễn ra suôn sẻ.
Chị Giàng Y Nhà được anh Đinh Công Ứa, cán bộ Tư pháp - hộ tịch xã Pà Cò tận tình hướng dẫn các bước thực hiện thủ tục khai sinh cho con
Vận hành bằng “tinh thần phục vụ”
Chính trong điều kiện như thế, những câu chuyện về sự tận tụy của CBCC xã Pà Cò lại càng trở nên nổi bật, như điểm nhấn làm sáng lên diện mạo của chính quyền mới. Chị Khà Y Sua ở xóm Pà Khôm, đến trụ sở xã để làm thủ tục chứng thực học bạ cho con gái là Khà Y Tùng chuẩn bị nhập học tại Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ (Hà Nội). Chị không biết chữ, giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế. Thay vì để người dân tự loay hoay với các quy định liên quan đến việc giải quyết TTHC thì Sùng A Cơ - công chức Tư pháp xã đã trực tiếp hướng dẫn chị từng bước. Từ phiên dịch ngôn ngữ đến hỗ trợ kê khai, hoàn thiện hồ sơ. Nhờ vậy, yêu cầu của chị đã được giải quyết xong chỉ sau 2 tiếng đồng hồ.
Một trường hợp điển hình khác là chị Giàng Y Nhà ở xóm Thung Mặn vượt hàng chục km đường dốc núi từ nhà đến Trung tâm phục vụ hành chính công của xã làm thủ tục khai sinh cho con gái Sùng Y Gầu. Khi phát hiện chị chưa có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 - điều kiện cần cho việc liên thông dữ liệu - anh Đinh Công Ứa là người trực tiếp tiếp nhận, giải quyết giao dịch hành chính đã không từ chối phục vụ hay yêu cầu chị Giàng Y Nhà phải hoàn thiện các bước TTHC theo quy định mà thay vào đó là giải thích cặn kẽ, hướng dẫn tỉ mỉ các bước cần làm. Đồng thời linh hoạt phối hợp với Công an xã xử lý để thủ tục khai sinh cho con gái chị Giàng Y Nhà được thực hiện đúng quy định.
Chị Khà Y Sua ở xóm Pà Khôm, đến trụ sở xã để làm thủ tục chứng thực học bạ cho con gái nhưng không biết chữ, giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế đã được Sùng A Cơ - công chức Tư pháp xã đã trực tiếp hướng dẫn từng bước.
Những ví dụ trên không phải là cá biệt. Theo thống kê, sau hơn 10 ngày khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức được vận hành, xã Pà Cò đã tiếp nhận và giải quyết trên 100 hồ sơ TTHC. Phần lớn là các thủ tục thiết yếu như khai sinh, chứng thực, đăng ký kết hôn... Tất cả đều được xử lý kịp thời, đúng quy trình trong điều kiện con người, công nghệ và hạ tầng đều thiếu thốn. Đáng nói, quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết TTHC, người dân đều có phản hồi tích cực về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ xã.
Chính quyền 2 cấp ở xã Pà Cò mới chỉ bắt đầu vận hành, đang trong giai đoạn khởi đầu nhiều gian khó. Tuy nhiên, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng tinh thần tận tụy vì dân của đội ngũ CBCC xã đang từng bước tháo gỡ những khó khăn. Từng hồ sơ được giải quyết, từng nụ cười nở trên môi của người dân là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả ban đầu của một mô hình đang đặt con người làm trung tâm.
Trong điều kiện đặc biệt như ở Pà Cò, mỗi bước tiến dù nhỏ cũng đáng được ghi nhận. Có thể tin rằng, với tinh thần vượt khó và sự đồng hành của người dân, mô hình chính quyền hai cấp nơi đây sẽ sớm đi vào ổn định, tạo nền tảng cho một bộ máy chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân một cách thiết thực nhất.
Mạnh Hùng
Nguồn: https://baophutho.vn/hanh-trinh-trien-khai-chinh-quyen-hai-cap-o-xa-pa-co-vuot-kho-phuc-vu-nhan-dan-van-hanh-bang-tinh-than-phuc-vu-236128.htm
Bình luận (0)