Tại kỳ họp thứ 25, (kỳ họp chuyên đề) diễn ra ngày 21/4, HĐND huyện Cô Tô khóa VI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã nhất trí thông qua chủ trương thành lập Đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên hiện trạng huyện Cô Tô thành Đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân).
Theo Tờ trình của UBND huyện Cô Tô trình tại kỳ họp, căn cứ Văn bản số 03/CV-BCĐ, ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp: "Xây dựng phương án chuyển nguyên trạng các huyện đảo, thành phố đảo thành Đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (nếu có) thuộc huyện đảo, thành phố đảo", thành lập Đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên trạng huyện Cô Tô thành Đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân).
Lý do lựa chọn tên gọi "Cô Tô" bởi Cô Tô là tên gọi có lịch sử lâu đời, xuất hiện chính thức từ sau năm 1889 và gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của huyện đảo. Đây là địa danh đã được định vị trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa và quốc phòng. Việc giữ nguyên tên "Cô Tô" khi thành lập đơn vị hành chính mới nhằm bảo tồn giá trị truyền thống, tăng tính nhận diện thương hiệu du lịch và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc khu Cô Tô sau khi được thành lập có diện tích 5.368 ha, quy mô dân số 7.151 người, giữ nguyên phạm vi địa giới hành chính hiện tại của huyện. Cơ cấu tổ chức sau sắp xếp Đơn vị hành chính thành lập Đặc khu Cô Tô gồm: Đảng bộ, Chính quyền Đặc khu, Uỷ ban MTTQ. Trụ sở làm việc chính của Đảng ủy, UBND Đặc khu là trụ sở Huyện ủy – HĐND – UBND hiện tại; Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Cô Tô tại Khu 3, thị trấn Cô Tô là trụ sở của Hội đồng nhân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và một số phòng chuyên môn thuộc UBND Đặc khu; Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tiến tại thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến là trụ sở của Trung tâm phục vụ Hành chính công và bố trí một phần cho công an, quân sự Đặc khu; Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thanh Lân tại thôn 2, xã Thanh Lân là văn phòng đại diện của Đảng ủy, UBND đặc khu, bố trí một phần cho công an, quân sự Đặc khu.
Về phương án tổ chức bộ máy Chính quyền Đặc khu gồm: HĐND, UBND. Cụ thể, HĐND gồm 2 ban chuyên môn giúp việc là ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế; trước mắt, sẽ giữ nguyên 7 phòng ban chuyên môn để đảm bảo sự ổn định trong bộ máy quản lý nhà nước. Đối với Thanh tra huyện thực hiện sắp xếp theo QĐ 755/QĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Kỳ họp cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của đại biểu về cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý, cơ chế chính sách đặc thù và các yếu tố liên quan đến quốc phòng – an ninh trong quá trình xây dựng và vận hành Đặc khu.
Trước đó, HĐND các xã, thị trấn cũng đã tổ chức lấy ý kiến khảo sát của cử tri về Đề án thành lập Đặc khu Cô Tô trên tinh thần chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định.
Theo đó, tổng số cử tri thị trấn Cô Tô có mặt tại địa phương tham gia lấy ý kiến là 1764/1900 cử tri, số cử tri đồng ý với Đề án thành lập Đặc khu Cô Tô và nhất trí với tên gọi đơn vị hành chính mới là “Đặc khu Cô Tô” là 1764/1764 người, đạt tỷ lệ 100%.
Tại Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết nhất trí chủ trương thành lập Đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên hiện trạng của huyện Cô Tô và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân).
Hoàng Phương (Trung tâm TT-VH huyện Cô Tô)
Nguồn
Bình luận (0)