Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những thay đổi ấn tượng của TP.HCM sau 50 năm thống nhất

Việt NamViệt Nam21/04/2025


Kể từ ngày 30/4/1975, TP.HCM đã trải qua 50 năm chuyển mình đầy ngoạn mục, từ một thành phố mang dấu vết chiến tranh trở thành biểu tượng phát triển của Việt Nam.

 

Nhân dân Sài Gòn đón chào Quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh tư liệu )

Từ dấu ấn hồi sinh sau chiến tranh…

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng ta đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Niềm vui giải phóng của người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu )

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cách đây 50 năm của Nhân dân ta do Đảng và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo đã để lại cho chúng ta hôm nay những thành quả vĩ đại cùng những giá trị lịch sử trường tồn: đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; là xây dựng và thực hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đó là tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, với nghệ thuật quân sự sáng tạo, phong phú cả về phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành. Đó là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, xây dựng mặt trận thống nhất cả trong nước và trên thế giới. Đó là xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ và để sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.

Tại Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não và là Thủ đô của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, phong trào yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ, nổi bật là phong trào của học sinh, sinh viên. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là chiến trường trọng điểm, nơi đầu sóng ngọn gió, đã “đi trước”, mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược với sự kiện Nam bộ Kháng chiến ngày 23 tháng 9 năm 1945 và đã “về sau” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong suốt 30 năm chống thực dân, đế quốc xâm lược 1945-1975, Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định luôn nhận thức sâu sắc và tâm huyết thực hiện bài học về xây dựng, mở rộng và nâng cao thế trận lòng dân, xây dựng vững chắc căn cứ lòng dân, luôn luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy sức mạnh vô địch của Nhân dân thì kháng chiến mới thắng lợi, cách mạng mới thành công; bài học về thường xuyên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mít tinh chào mừng thành phố chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Ảnh tư liệu)

… đến đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 02 tháng 7 năm 1976, Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố trải qua quá trình 50 năm năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố, xứng đáng với vinh dự là Thành phố mang tên Bác, Thành phố Anh hùng. 

Thành phố đã nhạy bén, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn để vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; và từ thực tiễn sinh động của Thành phố sau những năm giải phóng, chúng ta đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế, chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Sự phát triển với tốc độ khá nhanh cũng là tiền đề để TP trở thành một trong những thành phố hoa lệ của khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Năm 1982, năm 2002 và năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết xác định vị trí và tầm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt, năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đây là quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp tình hình phát triển của Thành phố, giúp Thành phố vừa phát huy tốt hơn các thế mạnh truyền thống của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong Nhân dân, trong các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển Thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, cùng cả nước.

Nhờ những quyết sách đúng đắn và kịp thời đó, TP.HCM đã phát triển nhanh chóng và đột phá. Một trong những thay đổi dễ thấy nhất tại TP.HCM là sự lột xác về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị. Năm 1975, hệ thống giao thông TP.HCM còn mang dáng dấp của một đô thị thời thuộc địa: đường hẹp, chưa có quy hoạch tổng thể, thiếu kết nối vùng. Hiện nay, thành phố đã và đang triển khai, đưa vào hoạt động nhiều công trình quy mô lớn như tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), các tuyến đường vành đai (vành đai 2, 3), hệ thống cầu vượt, hầm chui và mở rộng trục giao thông chính như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh...

Hạ tầng cảng – sân bay được đầu tư phát triển đồng bộ. Cảng Cát Lái và cụm cảng Sài Gòn đóng vai trò đầu mối logistics hàng đầu cả nước. Sân bay Tân Sơn Nhất đang được mở rộng công suất với nhà ga T3, đồng thời, sân bay Long Thành khi hoàn thành sẽ là động lực kết nối vùng và giảm tải áp lực giao thông hàng không cho cả khu vực.

Tác phẩm Khu đô thị - Nâng tầm cuộc sống của tác giả Thu Ba (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Bên cạnh đó, đô thị hóa và không gian sống của người dân được mở rộng và hiện đại hóa từng ngày. Các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Sala, Vạn Phúc, Vinhomes Grand Park... đã và đang định hình phong cách sống hiện đại, đồng bộ và thông minh. Thành phố cũng chú trọng đến phát triển hạ tầng xanh: công viên, hồ điều tiết, hệ thống chiếu sáng thông minh, và xử lý nước thải – góp phần nâng cao chất lượng sống đô thị.

Từ một thành phố chủ yếu dựa vào thương mại nhỏ và công nghiệp nhẹ, hiện nay TP.HCM có cơ cấu kinh tế dịch vụ – công nghiệp chiếm hơn 97%, với các ngành mũi nhọn gồm: tài chính – ngân hàng, logistics, công nghệ thông tin, sản xuất công nghệ cao, bất động sản và du lịch. TP.HCM hiện đang chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua.

GDP TP.HCM năm 2024 ước đạt trên 75 tỷ USD, gấp hàng chục lần so với sau năm 1975. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 7.000 USD/năm, gấp gần 35 lần so với thời kỳ đầu thống nhất. TP.HCM đóng góp khoảng 25-27% tổng thu ngân sách cả nước, duy trì vai trò là “đầu tàu kinh tế”, tạo nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển quốc gia. Thành phố thu hút hàng trăm tỷ USD vốn FDI trong 30 năm qua, là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung, Aeon, Keppel Land, Lotte, Visa...

1.500 quả pháo hoa tầm cao, 30 giàn pháo hoa tầm thấp, 10 giàn pháo hỏa thuật được bắn tại điểm hầm sông Sài Gòn. (Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa)

Bước vào giai đoạn phát triển mới, TP.HCM đặt ra tầm nhìn dài hạn đến 2045, với khát vọng trở thành một trong những đô thị hàng đầu châu Á. TP.HCM định hướng quy hoạch thành khu tài chính – ngân hàng hiện đại, thu hút dòng vốn quốc tế và nâng tầm thị trường tài chính Việt Nam. Với lợi thế hội tụ đại học quốc gia, khu công nghệ cao và khu tài chính mới, TP Thủ Đức đang được xây dựng thành đô thị sáng tạo đầu tiên của cả nước, là "nơi thử nghiệm mô hình tăng trưởng mới". Thành phố cũng xác định kinh tế số là động lực phát triển trong giai đoạn tới. Các lĩnh vực ưu tiên gồm: chính quyền số, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong y tế – giáo dục – giao thông. Đồng thời, TP.HCM đóng vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với chiến lược phát triển kết nối 8 tỉnh thành lân cận, hình thành siêu đô thị vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng xác định, TP không chỉ là nơi phát triển kinh tế, mà còn mang trong mình trách nhiệm xã hội và giá trị nhân văn lớn lao. Các chính sách an sinh, y tế, giáo dục, nhà ở xã hội và cải thiện môi trường sống luôn được thành phố chú trọng. Chương trình “thành phố sạch – xanh – sống tốt” là minh chứng cho định hướng phát triển bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng và chất lượng sống. Tinh thần nghĩa tình của TP.HCM thể hiện rõ trong các đợt thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong đại dịch COVID-19, khi thành phố trở thành điểm nóng nhưng cũng là nơi khởi phát hàng ngàn sáng kiến cộng đồng và TP.HCM cũng là nơi hội tụ tri thức, nơi khởi nghiệp đổi mới, nơi trao cơ hội cho giới trẻ và chuyên gia công nghệ thử nghiệm ý tưởng mới, từ đó góp phần kiến tạo tương lai phát triển bền vững cho đất nước.

Ngày hội kinh khí cầu TP.HCM là một trong những hoạt động mới mẻ, độc đáo với mô hình “Lễ hội trong lễ hội”, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Tp. HCM với du khách trong nước và quốc tế vào thời điểm cuối năm.(Ảnh: TTXVN)

Tương lai đang vẫy gọi

Từ dấu mốc lịch sử 30/4/1975, TP.HCM đã viết nên một câu chuyện phát triển đáng ngưỡng mộ. Những con số biết nói về hạ tầng, kinh tế, chất lượng sống và tầm nhìn chiến lược cho thấy một thành phố không ngừng đổi mới – không chỉ vì bản thân, mà còn vì sự thịnh vượng chung của đất nước.

50 năm là một cột mốc, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho những chặng đường lớn hơn. Với bản lĩnh, nội lực và khát vọng bền bỉ, TP.HCM đang tiến những bước dài trên hành trình trở thành một “thành phố toàn cầu”, một nơi đáng sống, đáng đầu tư và đáng mơ ước trong thế kỷ 21.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta càng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời luôn cháy bỏng mong muốn được vào Nam thăm đồng bào, đồng chí. Trong bản Di chúc 1969, Bác viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta còn phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và các chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe Xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn năm châu, đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.”

Trụ sở UBND TP.HCM, số 86, Lê Thánh Tôn, quận 1. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển, mang tính biểu tượng và gắn liền với nhiều thế hệ công dân Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ năm 1898 - 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin hứa với Bác sẽ tiếp tục noi gương Bác và các anh hùng liệt sĩ, đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, vượt qua các khó khăn thách thức trong giai đoạn hiện nay. Kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, cùng cả nước, vì cả nước, xây dựng TPHCM xứng đáng là thành phố anh hùng, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.



Nguồn: https://htv.com.vn/nhung-thay-doi-an-tuong-cua-tphcm-sau-50-nam-thong-nhat

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm