Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lâm Đồng: Hội tụ “thiên đường xanh” du lịch

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ được hình thành từ việc sáp nhập giữa hai tỉnh cao nguyên Lâm Đồng và Đắk Nông cùng tỉnh ven biển Bình Thuận, đang nổi lên như một "thiên đường du lịch" đầy tiềm năng. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu ôn hòa và đa dạng văn hóa, Lâm Đồng mới không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch08/05/2025

Lâm Đồng: Hội tụ “thiên đường xanh” du lịch - Ảnh 1.

Một góc TP Đà Lạt.

Tiềm năng lớn

Theo Đề án Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lâm Đồng mới có tổng diện tích lên tới 24.233,1 km² và quy mô dân số khoảng 3.324.400 người, trở thành tỉnh có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn nhất cả nước sau sáp nhập. Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với nước bạn Campuchia và nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, cùng với đường biên giới dài 140 km và bờ biển dài 192 km. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội cho ngành Du lịch.

Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn, các giải thể thao cấp quốc gia... Đặc biệt, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X thành công, tiếp tục khẳng định TP Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của châu Á.

Cảng hàng không Liên Khương được công nhận là Cảng hàng không quốc tế; hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện tạo điều kiện thông suốt trong giao thông; hệ thống giao thông công cộng tiếp tục phát triển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.

Lâm Đồng mới không chỉ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn sở hữu khí hậu đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Vùng đất Đắk Nông nổi tiếng với Vườn Quốc gia Tà Đùng, được ví như “Vịnh Hạ Long ở Tây Nguyên”, cùng với dãy núi lửa Nâm Kar huyền bí. Những thác nước hùng vĩ như thác Liêng Nung và thác Trinh Nữ cũng là những điểm đến không thể bỏ qua, mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời giữa thiên nhiên hoang sơ.

Trong khi đó, Đà Lạt được mệnh danh là "thành phố ngàn hoa", "thành phố tình yêu" có khí hậu ôn hòa, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm với những danh thắng nổi tiếng như: Thung lũng Tình yêu, hồ Xuân Hương, núi Lang Biang và nhiều điểm đến hấp dẫn khác. Đặc biệt, Đà Lạt còn nổi tiếng với các loại hoa đặc trưng, tạo nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Cuối tháng 3/2025, Đà Lạt đã vinh dự nhận hai giải thưởng danh giá: Giải thưởng Festival châu Á 2025 và Giải thưởng Đỉnh cao châu Á, khẳng định vị thế của thành phố trong lĩnh vực du lịch và sự kiện. Đà Lạt cũng được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo toàn cầu trong lĩnh vực Âm nhạc, góp phần nâng cao giá trị văn hóa và du lịch của tỉnh. Những sự kiện văn hóa, lễ hội hoa, và các hoạt động nghệ thuật diễn ra thường xuyên tại Đà Lạt không chỉ thu hút du khách mà còn tạo ra một không gian giao lưu văn hóa phong phú.

Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn với biển xanh, các thắng cảnh nổi tiếng như Khu du lịch Quốc gia Mũi Né, đảo Phú Quý, cùng các di tích lịch sử văn hóa như Khu di tích Trường Dục Thanh và tháp Po Sah Inư. Những bãi biển tuyệt đẹp và các hoạt động thể thao dưới nước như lướt sóng, lặn biển, và câu cá đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Lâm Đồng: Hội tụ “thiên đường xanh” du lịch - Ảnh 2.

Một góc TP Đà Lạt.

Tương lai "xanh"

Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2024, Lâm Đồng đứng thứ 9 trong số 10 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Bình Thuận cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách và doanh thu du lịch nhờ vào việc phát triển đặc biệt là tuyến cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam Trung Bộ. Đắk Nông chưa phát triển mạnh mẽ như Lâm Đồng và Bình Thuận, cũng có những điểm đến thú vị như Vườn Quốc gia Tà Đùng và các khu du lịch sinh thái, hứa hẹn sẽ góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh sau sáp nhập.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Lâm Đồng sẽ trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Trong đó, Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, Lâm Đồng tập trung đầu tư thêm các nhóm sản phẩm du lịch: nông nghiệp, nông thôn; văn hóa tâm linh; đô thị; sáng tạo. Đà Lạt và vùng phụ cận được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế. Các khu du lịch trọng điểm được mở rộng đầu tư đưa vào khai thác như: Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch núi Sa Pung... Thì nay với hội tụ của 2 địa phương mới sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới với tầm nhìn “thiên đường xanh” không còn xa vời.

Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội, tỉnh Lâm Đồng mới chắc chắn sẽ trở thành một "thiên đường du lịch" với núi cao, hồ rộng, biển xanh và đảo đẹp. Sự kết hợp giữa thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng và các hoạt động du lịch phong phú sẽ tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Tương lai của Lâm Đồng mới không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là một trung tâm văn hóa, kinh tế phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/lam-dong-hoi-tu-thien-duong-xanh-du-lich-20250508160313513.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm