Tôi có một niềm rất vui, có nhiều hơn một nỗi lo, và đôi điều hy vọng
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. |
Rất vui vì khi sau sáp nhập, văn hóa Thái Nguyên sẽ vô cùng giàu có vì được tích hợp những thành tựu văn hóa của một cộng đồng đa dân tộc luôn có ý thức chăm chút cho sự độc đáo và đa dạng về văn hóa của chính mình.
Điều tôi rất cảm phục là: Ở Bắc Kạn việc giữ gìn bản sắc luôn gắn liền với bảo tồn không gian sống của các dân tộc. Các di sản văn hóa vật thể, phong tục tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, kiến trúc của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn được bảo tồn đồng thời với việc bảo vệ môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, các công trình kiến trúc truyền thống của cộng đồng. Người Bắc Kạn bằng nhiều lý do đã giữ cho mình nguyên vẹn một vùng đất xanh tươi với những các giá trị đặc sắc lâu đời từ con người đến thiên nhiên.
Tôi lo rằng những chính sách đầu tư phát triển văn hóa sẽ khó mà được triển khai đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế. Vì các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và dài hạn - luôn là sức ép đối với cấp ủy, chính quyền các cấp – dễ làm giảm mức độ quan tâm đầu tư phát triển văn hóa. Việc chậm triển khai các chính sách đã có, chưa kịp ban hành các chính sách mới cộng thêm thói quen làm văn hóa coi trọng hình thức, chạy theo phong trào mà thiếu những phương pháp, cách thức phù hợp, đi vào thực chất… sẽ phá vỡ tính đa dạng, phong phú và bản sắc văn hóa dân tộc.
Tôi hy vọng cộng đồng các dân tộc trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc - sẽ ý thức rõ vai trò chủ thể văn hóa của mình, tiếp tục tự giác giữ gìn và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp ở Thái Nguyên phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa, không để mục tiêu kinh tế lấn át, không tàn phá môi trường, không vì lợi nhuận mà làm tổn hại đến các không gian sinh tồn, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa bao đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Và tôi hy vọng cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế sẽ dành sự ưu tiên hợp lý cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Các giải pháp phát triển về kinh tế gắn với nhu cầu bảo vệ đời sống tinh thần, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ tồn tại trên văn bản mà được thực thi một cách có trách nhiệm, có giám sát, thượng tôn pháp luật trong xử lý vi phạm.
Khi Bắc Kạn và Thái Nguyên hòa nhịp – một cơ hội văn hóa mới cho vùng Việt Bắc
Nhà thơ Dương Khâu Luông, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn. |
Về phương diện đời sống văn hóa, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên vốn có nhiều nét tương đồng do trước đây từng là một tỉnh, cùng thuộc Vùng văn hóa Việt Bắc – nơi có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Cả hai địa phương đều sở hữu kho tàng văn hóa bản địa phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phản ánh đời sống tinh thần giàu bản sắc của các cộng đồng cư dân.
Tuy nhiên, giữa hai tỉnh cũng có một số khác biệt nhất định. Thái Nguyên có địa hình trung du, giáp với miền xuôi nên có sự giao thoa văn hóa rõ nét hơn với vùng đồng bằng; đồng thời, do phát triển công nghiệp sớm, nên đời sống văn hóa có sự chuyển biến, tác động của hiện đại rõ rệt hơn. Ngược lại, Bắc Kạn chủ yếu là địa hình miền núi, nơi nhiều dân tộc cùng sinh sống, nên đời sống văn hóa ít bị tác động, bản sắc truyền thống được gìn giữ đồng đều và sâu sắc hơn. Cảnh quan thiên nhiên và con người Bắc Kạn cũng mang những nét đặc trưng riêng biệt.
Từ góc nhìn văn hóa, tôi nghĩ việc sáp nhập tỉnh sẽ là cơ hội tốt tạo ra thế mạnh văn hóa của tỉnh Thái Nguyên mới. Sự đa dạng về thành phần dân tộc, di sản văn hóa và cảnh quan sẽ tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Qua đó, không chỉ làm giàu thêm đời sống văn hóa của tỉnh Thái Nguyên, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng Việt Bắc – Đông Bắc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Háo hức cùng chặng đường mới
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nông Phúc Tước. |
Đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi tự thấy cuộc đời mình thật may mắn, chỉ tính từ năm 1965 đến nay (2025) trong vòng 60 đã được chứng kiến và trải qua ba lượt sắp xếp địa giới giữa hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Tôi là một người con của dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở một vùng quê xa xôi của tỉnh Bắc Kạn, trưởng thành và làm việc tại Thái Nguyên.
Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa - Văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Nùng, điểm lại một số thành quả có được, tôi rất biết ơn quê hương Bắc Kạn và dân tộc Tày của tôi. Ba lần liên tiếp được nhận giải thưởng 5 năm của tỉnh Thái Nguyên về Văn học nghệ thuật, cùng nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Việc sáp nhập hai tỉnh lần này cùng với sự sáp nhập Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn và Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên là một cơ hội vô cùng thuận lợi cho những người hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số.
Bắc Kạn là một trong chiếc nôi chứa đựng nhiều di sản văn hóa dân tộc độc đáo như làn điệu dân ca Lượn Cọi của người Tày; các chuyện cổ tích về đất và người ở hồ Ba Bể; các lễ hội dân gian của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… Chúng tôi vô cùng háo hức hành trình trên con đường mới sau khi sáp nhập hai tỉnh. Hy vọng sẽ có được những đóng góp nhỏ nhoi về công việc chuyên môn đang theo đuổi. Ngoài ra, có thể đây cũng là dịp để tôi thực hiện ước muốn ấp ủ bấy lâu nay: Truyền đạt vốn chữ Nôm Tày ít ỏi của mình, để thế hệ sau có thể tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu các di sản văn hóa văn nghệ của người Tày vẫn còn đang tiềm ẩn trong tộc người.
Chữ Nôm Tày là di sản văn hóa tộc người. Lớp người Tày dưới 60 tuổi hầu như rất ít người biết đọc, viết nếu không muốn nói là không có. Đây là một thực trạng tôi rất trăn trở, song “lực bất tòng tâm”. Học chữ Nôm Tày không khó, nhưng phải có hai điều kiện tối thiểu, đó là biết nói thông thạo tiếng Tày và biết đọc viết chữ Nho (chữ Hán); ngoài việc yêu thích và say mê. Các cụ trí thức người Tày xưa đều giỏi chữ Nho nên đã dựa vào chữ Hán - Nho để sáng tạo ra chữ Nôm Tày.
Chặng đường mới đã mở, riêng tôi đang háo hức bước vào hành trình mới đầy xán lạn.
Thái Nguyên - Bắc Kạn trong niềm vui hội nhập: Khúc ca hòa hợp văn hóa và phát triển bền vững
Nhà văn Hồ Thủy Giang. |
Từ năm 1965 đến khoảng giữa năm 1997 hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đã có sự sáp nhập lần thứ nhất với tên tỉnh là Bắc Thái. Từ đó đã có sự hòa nhập về kinh tế, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên đó là thời kỳ cả nước nói chung và Bắc Thái nói riêng chưa phát triển, còn bị ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh chống Mỹ...
Ngày ấy, vùng đất Bắc Kạn (gồm các huyện Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn…) khá xa xôi với trung tâm nhưng có thể nói đồng bào các dân tộc ít người ở tận các vùng sâu vùng xa đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của toàn tỉnh, đặc biệt là về văn hóa, văn nghệ, giáo dục…
Cả hai tỉnh (cũ) với những bản sắc văn hóa khác nhau đã làm giàu thêm, đa dạng hơn cho nền văn hóa chung của toàn tỉnh (mới). Tới năm 2025 cùng sự sáp nhập của cả nước, Thái Nguyên - Bắc Kạn lại về chung một nhà. Nhưng lần này, hai tỉnh, hai vùng đất được sáp nhập trong một tư thế mới, một vận mệnh mới. Nếu cuộc sáp nhập lần đầu chỉ giống như một khúc nhạc dạo thì vào những năm tháng này nó đã là một khúc ca khải hoàn.
Ngoài sự kết hợp năng động về kinh tế, sự giao thoa về văn hóa cũng đứng trước những cơ hội mới. Đời sống tinh thần giữa người Thái Nguyên - Bắc Kạn càng trở nên thân thiện, trở thành "người một nhà". Những thuần phong mỹ tục, những điệu dân ca, dân vũ đặc sắc như sli, lượn, then, hát quan làng, hát ru, múa bát, múa chầu, múa quạt… từng gắn liền với đời sống văn hóa, của đồng bào Tày Bắc Kạn, nay càng trở thành… vốn quý tinh thần của nhân dân cả tỉnh Thái Nguyên.
Các thế mạnh về giáo dục đại học, văn hóa, du lịch, trà… của Thái Nguyên chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng to lớn đến thế hệ trẻ của người Bắc Kạn. Có thể nói, hội nhập Thái Nguyên - Bắc Kạn là sự kết tinh của thiên thời địa lợi nhân hòa. Chắc chắn, với sự lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền sẽ đưa mảnh đất "Thủ đô gió ngàn" lên một tầm cao mới.
Văn hóa hội tụ trên vùng đất “Thủ đô gió ngàn”
Tác giả Ma Phương Tân, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn. |
Bắc Kạn và Thái Nguyên đều là những vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, gắn liền với căn cứ địa Việt Bắc – “Thủ đô gió ngàn” trong kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, cả hai tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng tương đồng. Đây cũng là nơi cư trú của nhiều dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa..., tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, phong phú. Trong đó, người Tày và Nùng chiếm tỷ lệ lớn, văn hóa của họ ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần chung của hai tỉnh. Đặc biệt, hát Then và đàn Tính – di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của người Tày, Nùng – là biểu tượng văn hóa không chỉ của Bắc Kạn, Thái Nguyên mà còn của cả vùng Việt Bắc. Nhiều phong tục, lễ hội truyền thống của hai địa phương cũng có nét tương đồng, nổi bật là Lễ hội Lồng tồng – một lễ hội nông nghiệp tiêu biểu.
Về khác biệt, Thái Nguyên có mức độ đô thị hóa và phát triển kinh tế cao hơn, là trung tâm giáo dục – đào tạo lớn thứ ba cả nước, với nhiều trường đại học, cao đẳng uy tín. Vì vậy, văn hóa Thái Nguyên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đô thị hiện đại. Ngược lại, Bắc Kạn là tỉnh miền núi với địa hình hiểm trở, ít chịu tác động từ quá trình đô thị hóa, văn hóa vẫn giữ được nét nguyên sơ. Thái Nguyên còn có vị trí địa lý thuận lợi, đóng vai trò trung tâm vùng, nên có tính chất hội tụ, giao lưu văn hóa rõ nét hơn. Trong khi đó, Bắc Kạn còn gặp hạn chế về giao thông và kinh tế nên mức độ giao thoa văn hóa còn hạn chế.
Tuy nhiên, đời sống văn hóa giữa hai tỉnh vẫn có nhiều điểm chung, đặc biệt là về thành phần dân tộc, di sản Tày – Nùng và truyền thống cách mạng. Việc sáp nhập Bắc Kạn vào Thái Nguyên để hình thành “Thái Nguyên mới” được kỳ vọng sẽ tạo ra sự giao thoa văn hóa sâu sắc, làm phong phú thêm bản sắc vùng.
Trước hết, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ hơn. Mỗi dân tộc mang theo trang phục, lễ hội, dân ca, dân vũ đặc trưng. Sự kết nối sẽ thúc đẩy giao lưu, học hỏi giữa các cộng đồng, hình thành một không gian văn hóa phong phú, đa sắc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, từ du lịch sinh thái, trải nghiệm bản địa đến văn hóa tâm linh, ẩm thực…
Thứ hai, hệ thống di tích lịch sử cách mạng, nhất là An toàn khu (ATK), sẽ được liên kết, tôn vinh và phát huy hiệu quả hơn, góp phần giáo dục truyền thống và thu hút du khách.
Cuối cùng, việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện tăng cường giao lưu giữa các nghệ nhân, cộng đồng dân tộc; từ đó gìn giữ, trình diễn và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là cơ hội vàng để các giá trị văn hóa của hai vùng hội tụ, giao thoa, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của “Thái Nguyên mới” – một vùng đất năng động, giàu truyền thống và nhiều tiềm năng phát triển.
Văn hóa là sợi dây bền chặt kết nối Bắc Kạn – Thái Nguyên
NSND Nông Xuân Ái. |
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ đặt ra những yêu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đặt ra bài toán gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Trong dòng chảy đổi mới đó, điều quan trọng là cần khơi dậy những giá trị văn hóa tương đồng, những nét gắn kết đã ăn sâu vào tâm hồn, đời sống của người dân Bắc Kạn và Thái Nguyên từ bao đời nay. Bắc Kạn và Thái Nguyên đều nằm trong không gian văn hóa Việt Bắc – mảnh đất thiêng liêng của cách mạng, nơi hội tụ nhiều giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Người dân hai địa phương phần lớn có chung nguồn gốc dân tộc, ngôn ngữ, phong tục tập quán và văn hóa ứng xử. Họ cùng uống dòng nước của sông Cầu, sông Năng; cùng lưu giữ và ngân vang những làn điệu dân ca như Then, hát Cọi, hát Lượn – những âm thanh mộc mạc, sâu lắng đã trở thành linh hồn của vùng đất này.
Tuy nhiên, mỗi địa phương cũng mang một sắc thái riêng. Thái Nguyên là trung tâm phát triển năng động, nơi các yếu tố đô thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược hòa quyện tạo nên một bức tranh đa dạng. Trong khi đó, Bắc Kạn lại giữ được đậm đặc sắc màu văn hóa bản địa như một kho báu nguyên sơ chưa bị pha tạp. Chính sự khác biệt hài hòa này là tiền đề quan trọng để kiến tạo nên sự hội tụ bền vững, không phải bằng sự đồng hóa, mà bằng sự thấu hiểu và tôn trọng.
Nghệ thuật chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để thúc đẩy sự giao thoa. Việc tổ chức các liên hoan văn nghệ dân gian, phục dựng lễ hội truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp quảng bá giá trị văn hóa mà còn là cách để cộng đồng hai địa phương cùng tham gia, cùng sáng tạo và gìn giữ. Đó là cách để Bắc Kạn và Thái Nguyên không chỉ sáp nhập về mặt hành chính, mà còn thật sự hòa quyện trong một bản sắc văn hóa Việt Bắc đậm đà, sâu sắc – tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/hoa-nhip-van-hoa-hoi-tu-tinh-hoa-vuon-tam-phat-trien-2211289/
Bình luận (0)