Đời sống văn hóa tinh thần ý nghĩa
Từ nhiều ngày nay, chị Triệu Kim Thành, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ thôn Nà Bắp (xã Ba Chẽ) cùng các thành viên trong thôn gấp rút tập luyện những tiết mục văn nghệ để biểu diễn cho sự kiện của thôn - Chương trình chào mừng Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Âm nhạc vang lên từ dàn loa phát trong Nhà văn hóa, chị Thành và các chị em trong CLB nhanh chóng ra sân khấu, nhún nhảy những điệu múa đã thành thục. Sắc hồng, đen, xanh, tím, đỏ cùng những sợi dây tơ trang trí trên trang phục truyền thống hòa nhịp theo mỗi bước chân của các chị làm cho tiết mục thêm sinh động, hấp dẫn.
“Có 5 tiết mục văn nghệ tất cả, đều là những ca khúc ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ơn Đảng... Chúng tôi xem những bài hát múa trên mạng, rồi tập luyện theo. Không chỉ những dịp thôn, xã có sự kiện mới hát múa, biểu diễn, mà ngày thường, sau khi việc nhà, việc nương xong xuôi, chúng tôi đều có mặt tại Nhà văn hóa để cùng hát, cùng nhảy. Văn nghệ giúp chị em vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn”, chị Thành chia sẻ.
Các thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ không chỉ giúp bà con “có chỗ vui chơi, có nơi học hỏi”, mà còn là chất keo gắn kết cộng đồng, là sân khấu để phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc bản địa. Cách thôn Nà Bắp không xa là thôn Làng Cang, hoạt động văn nghệ cũng được các chị em trong CLB Dân vũ thôn tổ chức thường xuyên. Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, rộng rãi với các thiết bị cơ bản, giúp cho việc sinh hoạt tinh thần được thuận lợi. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chị Triệu Thị Nga, một phụ nữ trẻ người Dao, đến sớm hơn thường lệ, chị bật loa đài, kê lại bàn ghế để có thêm không gian cho bà con đến thưởng thức.
Vừa làm, chị Nga vừa nói: "Từ ngày có nhà văn hóa mới, to đẹp hơn, chị em chúng tôi tích cực tập luyện hơn. Mỗi khi có dịp biểu diễn, nhà văn hóa đông kín người. Bà con đến xem, cổ vũ và gặp gỡ, chuyện trò với nhau. Những dịp lễ, Tết, ở đây còn diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao khác, như chơi bóng chuyền, trò chơi dân gian… Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, đời sống tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên".
Sự quan tâm đầu tư của tỉnh không chỉ mở rộng không gian cho đồng bào DTTS giao lưu, vui chơi, sinh hoạt, mà còn trở thành địa điểm để lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào.
Dẫn chúng tôi tham quan Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y, ông Triệu Văn Loan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Sú 2 (phường Yên Tử) tự hào giới thiệu: Không gian trưng bày này là niềm mong ước rất nhiều năm của đồng bào Dao Thanh Y chúng tôi. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, tháng 8 năm ngoái, công trình này được hoàn thành. Tổng mức đầu tư của công trình là 800 triệu đồng. Đây là khu trưng bày trang phục nam - nữ dân tộc; còn đây là không gian giới thiệu chung về Lễ cấp sắc. Với đồng bào Dao Thanh Y, Lễ cấp sắc là một nghi thức thiêng liêng nhất. Phía kia là mô hình nhà trình tường và không gian trưng bày góc bếp người Dao Thanh Y. Quanh nhà trưng bày còn treo nhiều hình ảnh, hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y. Từ khi công trình được đưa vào khai thác, không chỉ riêng bà con Dao Thanh Y thôn Khe Sú 2, mà đồng bào Dao Thanh Y ở các địa phương lân cận, cả ở những tỉnh khác cũng đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nơi đây cũng trở thành địa điểm để đồng bào gặp gỡ nhau mỗi dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng.
Chăm lo cho người dân
Quảng Ninh hiện có 42 thành phần DTTS với gần 163.000 người, cư trú rải rác ở hơn 85% diện tích của tỉnh. Nhiều năm qua, bằng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và xã hội hóa, tỉnh đã ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở, như nhà văn hóa thôn, bản, điểm sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, thư viện... Đến nay 100% thôn, bản vùng DTTS có nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa thôn, bản được lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao hoặc thiết bị vui chơi cho thiếu nhi, giúp mở rộng điều kiện vui chơi, rèn luyện sức khỏe của trẻ em, người dân.
Quảng Ninh còn chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông, phát triển truyền thanh cơ sở, nhằm đưa thông tin về tận thôn, bản, giúp người dân dễ dàng tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nội dung văn hóa, giáo dục bổ ích. 100% hộ DTTS được bảo đảm hạ tầng để xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh; mạng lưới viễn thông của tỉnh tiếp tục được đầu tư, mở rộng với tốc độ cao, băng thông rộng, đảm bảo phủ sóng 100% thôn, bản.
Tỉnh triển khai hiệu quả các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể, như Then nghi lễ tộc người Tày, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Lục Nà (Tiên Yên)… Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, thực hành, truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; thành lập các CLB truyền thống; tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống, thi đấu TDTT và trò chơi dân gian... Từ đây, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS thoát khỏi nguy cơ mai một. Nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân dân gian, trở thành “kho báu sống” truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”, anh Trạc A Thìn, người sáng lập CLB hát Soóng cọ thôn Lục Ngù (xã Bình Liêu), khẳng định. Lớn lên với câu hát Soóng cọ, anh Thìn yêu thứ âm nhạc nhịp nhàng, mộc mạc của đồng bào Sán Chỉ quê hương. Từ niềm đam mê ấy, anh thành lập CLB hát Soóng cọ, tổ chức những buổi tập luyện, biểu diễn, nhằm mục đích tạo sân chơi cho những người yêu Soóng cọ, khích lệ các em, các cháu nhỏ tuổi tham gia, để tiếng hát Soóng cọ được vang xa, lưu truyền. Anh cùng các thành viên CLB đang phối hợp với các trường học trên địa bàn dạy hát Soóng cọ cho học sinh; tham gia sưu tầm tư liệu, cung cấp các thông tin để phục vụ lưu trữ, bảo tồn, lập hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ là di sản phi vật thể quốc gia.
Hằng năm các địa phương tổ chức hàng chục lễ hội truyền thống gắn với bản sắc dân tộc. Lễ hội đình Lục Nà, Hội Mùa vàng Bình Liêu, Lễ hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán ở xã Hoành Mô, Hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Quảng La... trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn không chỉ với người dân địa phương, mà cả du khách trong và ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động này, truyền thống văn hoá được tiếp nối, cộng đồng thêm gắn bó, đời sống tinh thần người dân thêm phong phú.
Tỉnh còn đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống thành lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Tại các xã vùng cao, đồng bào DTTS, người dân được hỗ trợ làm homestay, xây dựng sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc dân tộc, như rượu men lá, trà hoa vàng, miến dong, xôi ngũ sắc, khâu nhục, bánh coóc mò, bánh chưng cơm lông…, đạt chuẩn từ 3-5 sao. Qua đó đời sống văn hóa không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành nguồn lực phát triển kinh tế bền vững.
Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, tạo việc làm được lồng ghép với các hoạt động nâng cao trình độ dân trí, mở rộng giao lưu văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, bảo đảm sát dân, hiểu dân, giúp dân phát huy nội lực. Đó là nền tảng quan trọng để các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, truyền thừa và lan tỏa.
Đời sống tinh thần của đồng bào DTTS Quảng Ninh hôm nay được nâng lên, hiện hữu trong ánh mắt rạng ngời của người già, tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ, là niềm tự hào sâu thẳm về cội nguồn, về bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là thành quả của một quá trình bền bỉ mà ở đó mỗi chính sách đầu tư cho văn hóa, từ hạ tầng cơ sở, thiết chế văn hóa đến lễ hội, trang phục truyền thống, lời ca, tiếng hát… đều đang được chú trọng, quan tâm. Khi văn hóa được đánh thức và lan tỏa, bản sắc được tôn vinh và gìn giữ bằng cả trái tim, thì đời sống tinh thần của đồng bào nơi rẻo cao không chỉ được nâng lên, mà thực sự đang nở hoa, đơm trái, góp phần làm nên một Quảng Ninh phát triển bền vững, nhân văn và đậm đà bản sắc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/lan-toa-van-hoa-truyen-thong-3367436.html
Bình luận (0)