Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàn thiện khung pháp lý mới cho khoa học, công nghệ

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã được thảo luận sôi nổi tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mang kỳ vọng tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Các đại biểu đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên nhân lực, đồng bộ cơ chế thử nghiệm, rà soát sửa đổi luật liên quan và bổ sung quy định chống gian lận, nhằm xây dựng một khung pháp lý khả thi, thống nhất và mang tính chiến lược…

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng17/04/2025

Nguồn nhân lực là giá trị then chốt trong phát triển khoa học, công nghệ
Nguồn nhân lực là giá trị then chốt trong phát triển khoa học, công nghệ

Chìa khóa cho đổi mới sáng tạo

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, được trình bày tại phiên họp Quốc hội, nhận được sự đánh giá cao về tính cấp thiết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh tinh thần chủ động của cơ quan soạn thảo trong việc thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hồ sơ dự thảo đáp ứng đầy đủ quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng do Nghị quyết 193 (Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, có hiệu lực từ 19/2/2025) chỉ mới áp dụng gần 2 tháng, bà Thanh đề xuất cần khẩn trương đánh giá hiệu quả để luật hóa các quy định phù hợp, tạo khung pháp lý thúc đẩy đột phá cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguồn nhân lực được các đại biểu xem là yếu tố then chốt của quá trình này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị nâng thứ tự ưu tiên của chính sách phát triển nhân lực trong danh sách chính sách tại Điều 11, thay vì xếp cuối như hiện tại, và bổ sung cơ chế cụ thể thu hút Việt kiều và chuyên gia nước ngoài, bao gồm nhập quốc tịch, sở hữu nhà đất, thu nhập cạnh tranh và môi trường làm việc thuận lợi. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nhấn mạnh, cần ưu đãi đặc thù cho các nhà khoa học phục vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt trong nghiên cứu công nghệ cao như không gian mạng, để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng đề xuất phân định chi thường xuyên và chi cho nhiệm vụ lớn, đồng thời thiết lập cơ chế tài trợ cho các ý tưởng nghiên cứu đột phá từ tổ chức hoặc cá nhân thiếu nguồn lực, nhằm khơi dậy sáng kiến tự phát có tiềm năng quốc gia.

Đặc biệt, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là tâm điểm thảo luận. Dự thảo quy định thời hạn thử nghiệm tối đa 3 năm, có thể gia hạn thêm 3 năm, khác với Luật Công nghiệp Công nghệ số (2 năm, gia hạn 2 năm). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lo ngại sự khác biệt này có thể gây lúng túng khi triển khai, đề nghị rà soát để đồng bộ hóa, ưu tiên điều chỉnh một trong 2 luật. Việc ủy quyền cho Chính phủ ban hành quy định chi tiết, thậm chí khác với luật hiện hành, được đánh giá là đặc biệt, nhưng cần phù hợp với Điều 14 Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Ông Tùng đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành quy định mới, giới hạn thời gian áp dụng trong 1 đến 2 năm và sửa đổi các luật liên quan trong năm 2025 theo Nghị quyết 57 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về khái niệm, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh chỉ ra sự chưa rõ ràng giữa “khởi nghiệp sáng tạo” và “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” tại Điều 3. Bà đề xuất sửa đổi khái niệm khởi nghiệp sáng tạo thành hoạt động của doanh nghiệp mới, dựa trên công nghệ hoặc mô hình kinh doanh đột phá, nhằm thống nhất với khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp và đảm bảo văn bản dễ hiểu.

Ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao việc mở rộng định nghĩa tổ chức khoa học, công nghệ, bao gồm cả khu vực ngoài công lập, nhưng đề nghị rà soát chính sách để đảm bảo bình đẳng giữa khu vực công và tư, tránh thiên về khu vực công như hiện tại.

Đảm bảo chất lượng và đồng bộ

Về tài chính và ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề xuất tái cấu trúc Chương về tài chính, đặc biệt là Điều 65, khi mức chi 2% tổng chi ngân sách nhà nước được đánh giá là khó khả thi. Ông đề nghị điều chỉnh mục tiêu linh hoạt, ưu tiên lập dự toán cho các nhiệm vụ khoa học quốc gia trước quỹ phát triển và bổ sung quy định kiểm toán chặt chẽ các dự án lớn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các quỹ khoa học, công nghệ và đầu tư mạo hiểm cần làm rõ chức năng, phạm vi và trách nhiệm xã hội hóa để tránh lãng phí. Ông Nguyễn Đắc Vinh thì lưu ý, nhiều địa phương chưa hiểu rõ khái niệm hoạt động khoa học, công nghệ theo Nghị quyết 57, dẫn đến khó khăn trong sử dụng ngân sách và đề nghị làm rõ phạm vi bao gồm nghiên cứu, ứng dụng và kinh doanh.

Dự thảo cũng sửa đổi 14 luật liên quan, như Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở và Luật Quy hoạch... Nhưng theo ông Hoàng Thanh Tùng, nhiều nội dung không cần sửa luật. Chẳng hạn, miễn tiền thuê đất cho nghiên cứu khoa học đã được giao Chính phủ quy định tại Luật Đất đai, hay đơn giản hóa cấp phép lao động cho người nước ngoài đã có trong Bộ luật Lao động. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Thanh thì đề nghị chuyển các sửa đổi về thuế (Điều 82, 83) và đầu tư (Điều 84) sang luật chuyên ngành để tránh chồng chéo với chương trình lập pháp 2025. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ, đây là luật sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ 2013, nhấn mạnh yếu tố đổi mới sáng tạo và sắp xếp lại bố cục để loại bỏ trùng lặp giữa Chương 2 và Chương 8.

Về trách nhiệm phổ biến tri thức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề xuất phân định rõ: tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước phải công bố kết quả nghiên cứu, trong khi tổ chức tư nhân hoặc tổ chức có tài trợ ràng buộc cần quy định linh hoạt để đảm bảo khả thi. Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, cần bổ sung quy định cấm gian lận trong nghiên cứu khoa học để bảo vệ uy tín và chất lượng nghiên cứu, đồng thời làm rõ cơ chế hợp tác công - tư và tài trợ sáng kiến tự phát. Ông cũng đề xuất tổ chức hội thảo, tọa đàm để thu thập ý kiến từ chuyên gia và cộng đồng, đảm bảo dự thảo Luật không chỉ là khung pháp lý mà còn khả thi, đồng bộ và tạo động lực đột phá cho khoa học, công nghệ Việt Nam.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-moi-cho-khoa-hoc-cong-nghe-162955.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm