Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, trong những năm qua, việc chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh và đã thu được những thành tựu quan trọng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ, Chính phủ đã xác định 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu đã được hoàn thiện và khai thác là: dân cư; bảo hiểm; đăng ký doanh nghiệp; cán bộ công chức, viên chức và thủ tục hành chính.
Việt Nam đang xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Về an toàn thông tin, năm 2024, Việt Nam được xếp vị trí số 17/194 quốc gia và xếp thứ 4/38 nước khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
![]() |
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định phát biểu tại hội thảo. |
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng trong quá trình phát triển nền kinh tế số, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức cần giải quyết.
Trong đó, có vấn đề về điểm nghẽn pháp lý, an toàn an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ dữ liệu chung quốc gia…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong thời đại chuyển mình mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số dần trở thành một xu thế tất yếu, định hình lại các phương thức hoạt động.
Tuy nhiên, để bảo đảm quá trình chuyển đổi số phát triển bền vững, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, kịp thời, hiệu quả là điều không thể thiếu.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và xã hội, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong kỷ nguyên chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu và là động lực phát triển đột phá của các quốc gia.
![]() |
Chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo. |
Với Việt Nam, phát triển kinh tế số không chỉ là một định hướng chiến lược mà còn là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn phát triển và từ khát vọng vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong thời đại mới.
Đề cập đến định hướng hoàn thiện thể chế về kinh tế số, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý toàn diện, đồng bộ, hiện đại, có tính mở, linh hoạt và thích ứng cao, phù hợp với đặc trưng của nền kinh tế số, trong đó dữ liệu, hạ tầng số và công nghệ số là yếu tố sản xuất then chốt.
Bảo đảm tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng số, dịch vụ số thiết yếu.
Đồng thời, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp số, kinh tế số phát triển, khuyến khích mô hình kinh doanh mới, dịch vụ số mới trên cơ sở nguyên tắc “sandbox pháp lý” và quản lý rủi ro theo hướng “hậu kiểm”.
Tăng cường liên kết giữa các chiến lược phát triển thể chế với chiến lược phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực số, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.
![]() |
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, xuất phát từ yêu cầu khách quan của nền kinh tế số, pháp luật kinh tế số cần có cơ chế điều chỉnh thích ứng để tạo không gian pháp lý cần thiết cho việc thử nghiệm và kiểm soát các hoạt động thử nghiệm nhằm tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, dự báo, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ số...
Do đó, hoàn thiện thể chế kinh tế số chính là chìa khóa để tạo dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm chủ quyền số.
Nguồn: https://nhandan.vn/hoan-thien-phap-luat-la-chia-khoa-phat-trien-ben-vung-kinh-te-so-post872566.html
Bình luận (0)