Phần lớn hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp hiện nay, các trường tổ chức cho học sinh tham quan điểm du lịch, di tích, bảo tàng, trang trại... (ảnh nguồn Intenet). |
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm thời lượng lớn trong toàn bộ chương trình. Các hoạt động này do các nhà trường định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện. Đây là cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống phù hợp với lứa tuổi. Qua hoạt động trải nghiệm giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh những nỗ lực của các bên liên quan và nhiều kết quả tích cực đạt được, thì cũng có nơi, có trường xem hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mang tính hình thức, xã hội hóa… không đúng với ý nghĩa giáo dục. Chẳng hạn, có nơi, trong một năm học nhà trường đưa học sinh các khối đi thăm quan một số buổi ở một vài nơi như điểm du lịch, bảo tàng, trang trại... Chủ yếu là cho các em tham quan, tìm hiểu, chụp hình… Các hoạt động như vậy thực chất tính dã ngoại chiếm phần nhiều.
Sau khi đi tham quan về, các trường đều yêu cầu học sinh nộp bài thu hoạch. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức như hoạt động dã ngoại nên nhiều học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức, vì thế để viết thu hoạch nhiều phụ huynh học sinh phải tra mạng về địa điểm con mình đi để các cháu tìm thông tin giới thiệu để hoàn chỉnh bài thu hoạch.
Như đã nêu ở trên, dù các hoạt động ấy có phần nào giúp học sinh có những giờ vui chơi, đỡ căng thẳng, tìm hiểu được những hoạt động bên ngoài nhà trường thì việc đồng nhất đi tham quan với hoạt động giáo dục bắt buộc (trải nghiệm và hướng nghiệp) còn chưa phù hợp. Rõ ràng, giáo dục trải nghiệm không chỉ giúp cho học sinh phát triển trí nhớ thông qua thực tế được tìm hiểu mà quan trọng hơn là phát triển các kĩ năng như: quan sát, nhận thức và tư duy, cảm nhận, biểu đạt tình cảm… như vậy mới đạt mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hướng đến phát triển toàn diện.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202503/hoc-tap-trai-nghiem-tranh-hinh-thuc-9db0583/
Bình luận (0)