Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải"

NDO - Hội Biển đảo Việt Nam đã xúc động viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau hành trình dài 33 ngày trong chương trình "Non sông liền một dải" - di chuyển 9.000km đi qua 20 cột mốc quốc gia, điểm cực trên bộ, trên biển của Tổ quốc bằng xe mô-tô.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân12/04/2025

Ngày 12/4, Hội Biển đảo Việt Nam đã long trọng, xúc động viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi dấu thành công của hành trình dài 33 ngày trong chương trình "Non sông liền một dải" hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Chương trình "Non sông liền một dải" do Hội Biển đảo Việt Nam tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; gắn kết tình cảm dân tộc từ biên cương, hải đảo đến các vùng sâu, vùng xa.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 1

Hội Biển đảo Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực thể hiện lòng tri ân sâu sắc.

Theo đó, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam Trần Vũ Thành và một số thành viên sẽ thực hiện hành trình dài 9.000km đi qua 20 cột mốc quốc gia, điểm cực trên bộ, trên biển của Tổ quốc bằng xe mô-tô. Bốn chặng, gồm: Chặng 1 - Cung đường mùa xuân: Men theo tuyến biên giới từ Đông Bắc sang Tây Bắc, đi qua các mùa hoa đang nở rộ đúng độ xuân về; Chặng 2 - Xẻ dọc Trường Sơn: Theo dấu chân của "những người lính Cụ Hồ" năm xưa, vượt qua Đông, Tây Trường Sơn; Chặng 3 - Biển Đông vạn dặm: Đi hết chiều dài Việt Nam, các thành viên sẽ xuống tàu ra biển; Chặng 4 - Qua miền cát trắng: Theo đường ven biển với những miền cát trắng trải dài, về lại Thủ đô Hà Nội.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 2

Hành trình "Non sông liền một dải" được chinh phục bằng phương tiện xe mô-tô.

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Vũ Thành đã nhiều chục năm gắn bó với biên giới; hơn 10 lần đến với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, có nhiều hoạt động ý nghĩa, đóng góp cho biển đảo và chia sẻ với hậu phương người lính. Trong đó có thể kể tới công trình máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác do chính ông sáng tạo, lắp đặt và chuyển giao công nghệ tại quần đảo Trường Sa. Tính từ ngày 9/3 khởi động hành trình, đến nay, sau 33 ngày, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam và các thành viên đã hoàn thành 4 chặng trên bộ như kế hoạch. Tiếp theo, ông tiếp tục hành trình 1.000 hải lý trên biển, thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.

Tôi có may mắn được đến với nhiều vùng miền của Tổ quốc. Giữa mênh mông, điệp trùng non ngàn và biển cả, càng thấm thía hơn chủ quyền Tổ quốc đang hiện hữu rất gần gũi. Chúng ta hãy nhìn sâu trong ánh mắt người lính, làn da cháy nắng nơi biên cương, hải đảo, trong từng viên đá san hô... Ở bất cứ nơi nào, đều có những con người thiết tha, thầm lặng hy sinh để kê Tổ quốc thêm cao.

Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam Trần Vũ Thành

Chia sẻ về hành trình đáng nhớ, kỹ sư Trần Vũ Thành xúc động bày tỏ: "Chúng tôi vừa đi qua một hành trình bằng trái tim. Mỗi bước đi là một lần cúi đầu trước những hy sinh vĩ đại, là một lần lặng im trước bao ký ức không thể nào quên. Đứng ở những điểm cực của Tổ quốc, Lũng Cú, A Pa Chải, Mũi Cà Mau, Mũi Điện hay Bờ Y… ta sẽ không chỉ thấy biên giới, mà còn gặp lòng dân, gặp hồn thiêng sông núi".

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 3

Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên phải) bên chiến sĩ Hải quân.

"Chúng ta đang sống trong hòa bình, phát triển. Nhưng hòa bình không tự đến, và phát triển không thể bền vững nếu con người quên đi gốc rễ. Tôi tin rằng, ai cũng có cho mình những hành trình, và sẽ càng ý nghĩa hơn nếu chúng ta dành để tri ân lịch sử, để thức tỉnh niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ hôm nay với đất nước. Tôi mong rằng, bằng những điều rất cụ thể như từng lời thăm hỏi, những món quà nhỏ bé, những bức ảnh chụp nơi địa đầu Tổ quốc, một lớp học thông minh giữa Trường Sa, hay một cái nắm tay thật chặt giữa người với người… sẽ tiếp tục nối dài dải đất hình chữ S bằng tình yêu, sự thấu hiểu và lòng biết ơn", kỹ sư Trần Vũ Thành xúc động nói.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 4

Bộ đội Hải quân thử trải nghiệm với xe mô-tô.

Ở tất cả các chặng trong chương trình "Non sông liền một dải", đoàn đều thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng niệm tại các nghĩa trang, tượng đài, khắc ghi công ơn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng.

Tôi tin rằng, ai cũng có cho mình những hành trình, và sẽ càng ý nghĩa hơn nếu chúng ta dành để tri ân lịch sử, để thức tỉnh niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ hôm nay với đất nước.

Kỹ sư Trần Vũ Thành

Theo dấu hành trình, Hội Biển đảo Việt Nam cũng phối hợp một số địa phương tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm ảnh với chủ đề "Tự hào một dải non sông" để người dân khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các thế hệ trẻ thêm tự hào khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước, con người với giá trị tinh thần, văn hóa đầy bản sắc.

Các tác phẩm nhiếp ảnh tập trung vào các vùng biên cương, hải đảo, những cột mốc quốc gia, điểm cực của Tổ quốc và thành tựu kinh tế, xã hội mà đất nước đã đạt được trong suốt 50 năm qua.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 5

Trung úy Hà Tấn Dũng từng là bộ đội Hải quân, nay đã thành bộ đội biên phòng.

"Non sông liền một dải" là hành trình ăm ắp kỷ niệm khó quên. Đến bây giờ, nhắc lại, kỹ sư Trần Vũ Thành vẫn nhớ tới câu chuyện của Trung úy Hà Tấn Dũng (sinh năm 1997), Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Pác Bó thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng).

Tại triển lãm ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó do Hội Biển đảo Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ hành trình, anh bỗng ôm vào ngực mình lá cờ Tổ quốc có dấu đảo Trường Sa. Thì ra, đó là nơi anh từng đóng quân. Bố anh là Đại úy Hà Quang Thép từng công tác tại Tỉnh đội Tuyên Quang đã qua đời từ khi anh mới học lớp 2. Hoàn thành nghĩa vụ, Hà Tấn Dũng học hệ dự bị đại học tại Học viện Hải quân một năm rồi thi đỗ Học viện Biên phòng.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 6

Thượng úy Quán Anh Tuấn dạy con nuôi của Đồn Biên phòng Lũng Cú.

Ở Đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - điểm cực Bắc của Tổ quốc, kỹ sư Trần Vũ Thành đã chụp một bộ ảnh cho Thượng úy Quán Anh Tuấn. Dù chưa lập gia đình, nhưng anh là người cha mẫu mực của các con là con nuôi bộ đội ở đồn biên phòng. Quán Anh Tuấn sinh năm 1996, quê ở tỉnh Phú Thọ.

Năm 2021, anh tốt nghiệp Thủ khoa khóa đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học tại Học viện Biên phòng, vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vì đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Tính từ khi tốt nghiệp, lên nhận công tác tại Đồn đến nay, anh đã dạy dỗ 5 "con" là con em đồng bào dân tộc H’Mông, trong đó 2 "con" đã trưởng thành là Thò Mí Và, học sinh lớp 12 trường Hữu nghị 80 và Thò Thị Dính, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 7

Một kỷ niệm không thể nào quên với mẹ Lê Thị Lan.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam không nén nổi xúc động khi nhắc tới các mẹ của các Liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Anh chụp ảnh lần đầu tiên cho mẹ Lê Thị Lan, thân sinh Liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc cách đây 8 năm, lúc tóc mới ngả mầu muối tiêu, và nay mẹ đã 83 tuổi, hai chân gần hoại tử do nhiều chứng bệnh. Tuổi cao sức yếu, nhưng suốt 37 năm qua, mẹ vẫn khôn nguôi nỗi nhớ mong con trai.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 8

Mẹ vẫn khôn nguôi thương nhớ con...

Trong khi đó, mẹ Huỳnh Thị Kế, 92 tuổi, thân sinh Liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn lại như gặp phép mầu. Sáu năm trước chân mẹ đau, các bác sĩ ở bệnh viện rất lo lắng, đã tính tới phương án phải cắt bỏ chân nhưng mẹ kiên quyết không, bởi "đã sống bằng ngần này tuổi rồi". Mẹ chuyển về ở cùng con gái trên căn chung cư nhỏ, cũ kỹ, nhưng tinh thần tốt nhờ con gái, con rể chăm sóc tận tình, bằng một cách nào đó chân mẹ tự lành, hiện tại mẹ đi lại tốt.

Hội Biển đảo Việt Nam hoàn thành hành trình "Non sông liền một dải" ảnh 9

Chu đáo thăm hỏi mẹ Liệt sĩ Gạc Ma.

Mẹ Đặng Thị Nhung, 83 tuổi, thân sinh Liệt sĩ Lê Văn Sanh vốn có điều kiện sống tốt, con cháu đầy đủ, thành đạt, quây quần, nhưng giờ đây mẹ xót xa bởi cháu nội còn bé bỏng phải ghép thận, con trai phải bán căn nhà cũ, chuyển ra xa hơn để có tiền chữa chạy. Ánh mắt mẹ đượm buồn, xa hàng xóm cũ, hằng ngày ít người chuyện trò, mẹ vẫn chưa quen với nơi ở mới. Còn Mẹ Trần Thị Huế, 83 tuổi, thân sinh Liệt sĩ Lê Thế thật may mắn bởi sức khỏe còn tốt, hằng mẹ tụng kinh niệm Phật, cầu nguyện cho con...

Hành trình "Non sông liền một dải" đã khép lại, nhưng dư âm vẫn lặng lẽ gieo vào lòng người nhiều nhớ thương, khắc khoải. Không dừng lại ở trải nghiệm của một chuyến đi dài, xuyên suốt bắc - trung - nam, mà đó thực sự là một cuộc trở về với cội nguồn, một lời tri ân sâu thẳm gửi đến những con người đã hy sinh cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Mỗi cột mốc địa đầu, mỗi tấc đất nơi biên cương hay từng con sóng chốn khơi xa… đều như nhắc nhở rằng: Nhịp đập thiêng liêng của Tổ quốc luôn căng tràn trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Nguồn: https://nhandan.vn/hoi-bien-dao-viet-nam-hoan-thanh-hanh-trinh-non-song-lien-mot-dai-post871972.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm