
Năm 1975, anh bộ đội - nhà thơ Bùi Văn Dung đang cùng đơn vị đóng quân ở thành phố Hồ Chí Minh trong tiết trời oi nóng, bỗng nghe đài báo tin ngoài Bắc gió mùa, mưa rét đậm, nhiệt độ xuống 5oC. Chạnh lòng nhớ thương vợ và bà con nông dân miền Bắc cày cấy vất vả trong thời tiết khắc nghiệt, Bùi Văn Dung nảy ý tưởng viết bài thơ “Gửi nắng cho em” và anh gọi điện giãi bày với anh bạn Cung Văn ở Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Anh bảo để chép lại bài thơ, rồi sáng mai đem tới tòa soạn gửi. Nhà báo Cung Văn giục Bùi Văn Dung đọc chậm từng câu thơ qua điện thoại để anh chép, rồi nói: "Khỏi tới tòa soạn, sáng mai báo sẽ đăng bài thơ này". Và sáng hôm sau (ngày 18-12-1975), trên Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất hiện bài thơ “Gửi nắng cho em” của Bùi Văn Dung: “Muốn gởi cho em một chút nắng vàng/ Thương cái rét của thợ cày thợ cấy/ Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy/ Có tình thương tha thiết của trong này”.
Sau đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên từ Hà Nội vào, đọc bài thơ của Bùi Văn Dung, ông đồng cảm và chỉ trong một đêm đã viết xong bài hát này dù chưa một lần gặp nhà thơ. Mãi năm 1981, Phạm Tuyên mới gặp Bùi Văn Dung nhân chuyến anh ra công tác Hà Nội. Bùi Văn Dung đã có 6 bài thơ được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc, nổi bật là các ca khúc “Con kênh ta đào”, “Giá em đừng yêu anh”, “Biên giới này là Tổ quốc”, “Đảng gọi rồi chúng tôi xin có mặt”...
Năm 1986, Trung tá Bùi Văn Dung rời quân ngũ. Sau khi đảm nhiệm hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1996 ông mới chính thức nghỉ hưu.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê Hải Dương, từng là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1983. Ông hiện sống tại Hà Nội. Nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cùng nhiều phần thưởng danh giá khác.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/gui-nang-cho-em-698801.html
Bình luận (0)