
Ngày hội gồm nhiều hoạt động đặc sắc như: tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng; trình diễn cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống; trình diễn trang phục các dân tộc, thi nhảy bao bố tiếp sức; giã gạo chày đôi…
Trong đó, phần thi đi cà kheo nghệ thuật diễn ra sáng 13-4 đã mang đến không khí vô cùng sôi nổi, phô diễn tổng hòa vẻ đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc với trống, chiêng, xoang, trang phục... cùng kỹ năng đi cà kheo đẹp mắt.



Trước kia, cà kheo là một sáng tạo của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm “đối phó” với bùn đất trên đường làng vào mùa mưa hoặc các loại côn trùng, rắn rết. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, đôi cà kheo trở thành công cụ không thể thiếu trong các lễ hội cộng đồng, nhất là tại các cuộc thi thể thao dân tộc thiểu số hàng năm.
Tham gia phần thi cà kheo nghệ thuật tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ IV-năm 2025 có 10 đội đến từ các địa phương trong tỉnh. Nếu cà kheo thể thao đòi hỏi sức khỏe, sự khéo léo, nhanh nhạy thì với cà kheo nghệ thuật, nghệ nhân phải có thêm sự phối hợp biểu diễn ăn ý với cả dàn cồng chiêng, xoang, rối, múa hề…


Trên những “đôi chân” cao lênh khênh, có khi cách mặt đất đến 1m, các nghệ nhân diễu hành, nhún nhảy nhịp nhàng theo nhịp chiêng, thậm chí biểu diễn thành thục những kỹ thuật khó như nhảy xoay tròn, nhảy bật lên cùng “đôi chân nối dài” khiến khán giả không khỏi thán phục.
Kết thúc phần thi lý thú này, Ban tổ chức đã trao giải đồng hạng cho 3 đội xuất sắc nhất gồm: Pleiku, Đăk Pơ và Chư Păh.

Dưới đây là phần trình diễn sôi nổi, đẹp mắt, hấp dẫn của các đội thi cà kheo nghệ thuật tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ IV-năm 2025.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/man-nhan-voi-ca-kheo-nghe-thuat-tai-ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-tinh-gia-lai-post318749.html
Bình luận (0)