Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đồng chủ trì Hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.
Tại Điểm cầu thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ chủ trì tham dự, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại Hội nghị, Bộ Xây dựng cho biết đã tiến hành rà soát tổng số 594 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đề xuất xử lý việc phân cấp, phân quyền đối với 66 văn bản, bao gồm: 09 Luật, 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 28 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 27 Thông tư.
Kết quả rà soát và đề xuất cho thấy có 80 nhiệm vụ được kiến nghị phân cấp, phân quyền và 130 nhiệm vụ cần phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp hành chính. Đáng chú ý, có 123 nhiệm vụ được đề xuất chuyển giao từ cấp huyện xuống cấp xã, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở.
Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình rà soát và đề xuất phân quyền, phân cấp. Trong đó, nổi bật là vấn đề phân định thẩm quyền liên quan đến địa giới hành chính sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp địa phương; một số nội dung hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Xây dựng nhưng lại do các bộ, ngành khác chủ trì xây dựng văn bản pháp luật, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến góp ý từ các địa phương trong thời gian ngắn (chỉ 03 ngày) để kịp gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 25/5 cũng được xác định là một thách thức lớn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tính khả thi của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, làm rõ một số nhiệm vụ thuộc cấp huyện nhưng cần giữ lại cho cấp tỉnh thực hiện, đặc biệt là các dự án liên huyện, liên xã; các hoạt động quản lý giao thông vận tải; xây dựng các dự án trọng điểm; các nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh và y tế, nhằm tránh gây ách tắc trong quá trình triển khai sau khi phân cấp, phân quyền.
Bộ Xây dựng cũng được yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khung cấu trúc của Dự thảo Nghị định; rà soát, điều chỉnh phạm vi các nhiệm vụ của Chính phủ và của Bộ cần phân cấp cho địa phương, trên cơ sở đánh giá năng lực thực tiễn của các địa phương; đồng thời điều chỉnh các nhiệm vụ từ Trung ương xuống các bộ, ngành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và sẵn sàng đưa Nghị định vào triển khai từ ngày 1/7/2025.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục rà soát, tránh chồng chéo các quy định trong quá trình hoàn thiện dự thảo, bảo đảm Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện Dự thảo, trình Chính phủ ban hành đúng tiến độ theo Kế hoạch số 447/KH-CP./.
Nguồn: https://haiphong.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-gop-y-du-thao-nghi-dinh-ve-phan-quyen-phan-cap-trong-linh-vuc-xay--749314
Bình luận (0)