Sáng nay (1.7), theo đề nghị của Trưởng lão hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thích Thiện Nhơn, hơn 18.000 ngôi chùa, cơ sở tự viện trên cả nước đã đồng loạt cử 3 hồi chuông trống bát nhã vào lúc 6 giờ.
Theo Trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Nhơn, ngày 1.7 là ngày hoạt động đầu tiên của các địa phương tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trong cả nước. Đây là sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM làm lễ cử chuông trống bát nhã
ẢNH: ĐỘC LẬP
Với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; các chùa, tự viện cả nước cử 3 hồi chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam.
Tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM), hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM mới (sau khi hợp nhất cùng 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương) làm lễ cử chuông trống bát nhã. Tham dự có các vị chư tăng trong giáo hội và đông đảo phật tử.
Đúng 6 giờ, 3 hồi chuông trống bát nhã ngân vang trong không khí trang nghiêm, linh thiêng. Sau đó, hòa thượng Thích Lệ Trang chủ sự tụng kinh và nghi lễ cầu an.
Trong chùa, chuông lớn nhất được gọi là đại hồng chung, thường đặt bên trái (hướng từ trong nhìn ra)
ẢNH: ĐỘC LẬP
Trống lớn nhất gọi là trống bát nhã, đặt bên phải của chùa. Theo quan niệm đạo Phật, tiếng chuông ngân lên có thể vang xa tất cả pháp giới, người tu hành gửi lời nguyện vào tiếng chuông, đem sự bình an và hạnh phúc đến muôn loài
ẢNH: ĐỘC LẬP
Chuông trống bát nhã là pháp âm lời dạy Đức Phật
Hòa thượng Thích Lệ Trang cho biết, đạo Phật với tinh thần hộ quốc an dân, đạo Phật Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc qua những thăng trầm, chuyển biến của đất nước. Chuông trống bát nhã trong đạo Phật là một pháp âm để nói lên lời dạy của Đức Phật, luôn oai hùng, đánh thức trái tim để chúng ta được sống trong tỉnh thức. Từ đây, chúng ta có thể nhận diện được khổ đau và chuyển hóa khổ đâu.
Theo hòa thượng, sáng nay (1.7), bộ máy hành chính của quốc gia đi vào hoạt động theo chủ trương mới tinh gọn. Đạo Phật trên tinh thần đồng hành cùng chủ trương, đúng 6 giờ, đồng loạt các chùa, tự viện trong cả nước cử chuông trống bát nhã. Hồi chuông trống bát nhã này có ý nghĩa thỉnh Phật giáng lâm, chứng minh sự kiện trọng đại của dân tộc, bước ngoặt đổi mới để đi vào kỷ nguyên của hòa bình, tiến bộ.
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước đồng loạt cử chuông trống bát nhã sáng 1.7
Nhiều phật tử có mặt trong buổi lễ cũng không giấu được xúc động khi nghe chuông trống bát nhã. Ông Dương Ngọc Thành (ở P.Phú Lâm) rơi nước mắt chia sẻ: "Hôm nay là sự kiện lịch sử của đất nước, nghe chuông trống bát nhã tôi xúc động lắm. Tôi cầu mong cho thế giới hòa bình, đất nước bình an, muôn loài an vui hạnh phúc, mọi người nắm chặt tay nhau bước chân lên đường mới".
Bà Nguyễn Thị Kiều Thu (cùng ở P.Phú Lâm) cũng nghẹn ngào: "Là người con Phật, mỗi lần nghe trống bát nhã là tôi không nói được nên lời. Đêm qua tôi chờ đợi nguyên đêm không ngủ để sáng đến chùa sớm nghe chuông trống bát nhã. Hơn 60 tuổi tôi thấy giàu nhất là tâm bình an".
Trong nhà Phật, mỗi khi nghe tiếng chuông, người tu hành ý thức được rằng đó là lời của Đức Thế tôn nhắc nhở mình sống chánh niệm và tỉnh giác
ẢNH: ĐỘC LẬP
Trống bát nhã là biểu trưng cho trí tuệ. Trí tuệ ở đây không phải là kiến thức, hiểu biết do học hỏi, trau dồi mà là trí tuệ do vâng giữ giới, thực tập thiền mà phát sinh trí tuệ
ẢNH: ĐỘC LẬP
Tương tự, bà Hồ Mỹ Huệ (ở P.Vườn Lài) dậy từ sớm chuẩn bị để có mặt đúng giờ bắt đầu lễ. Với bà Huệ, đây là thời khắc lịch sử, bà đến chùa để nghe chuông trống bát nhã, cầu nguyện bình an cho đất nước, gia đình và bản thân.
Chị Trần Nhật Trang (ở P.Cầu Ông Lãnh) thì rất tự hào, bồi hồi khi hồi chuông trống ngân vang. "Quý thầy đã nói Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, trong thời khắc vận mệnh của đất nước. Và hôm nay cũng vậy, nghe chuông trống bát nhã tôi cảm thấy linh thiêng, tự hào mình là người con dân Việt Nam, có niềm tin vào sự phát triển của đất nước", chị Trang nói.
Chuông trống bát nhã đi đôi với nhau, mang tuệ giác Phật giáo. Thỉnh lên 1 tiếng trống giống như như uy lực của Đức Thế tôn, lời tuyên thuyết hùng hồn ý nghĩa của Đức Phật khi đến với cuộc đời
ẢNH: ĐỘC LẬP
Khi cử chuông trống bát nhã, người con Phật sẽ cảm nhận được như đang thỉnh Đức Phật về ngự trị với chính mình, mong cho mọi loài trên thế gian này đi về con đường giải thoát, giác ngộ
ẢNH: ĐỘC LẬP
Cử chuông trống bát nhã tại chùa Quán Sứ (Hà Nội)
ẢNH: G.H
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tụng kinh tại chùa Quán Sứ
ẢNH: G.H
Cử chuông tại chùa Bái Đính
ẢNH: G.H
Trong Phật giáo, các chùa chỉ thỉnh chuông trống bát nhã trong các sự kiện lớn, những trai đàn, giới đàn, lễ hội quan trọng như: ngày rằm, mùng 1, lễ Phật đản, lễ Vu lan, Thượng nguyên, giỗ tổ, kiết giới an cư...
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Bình luận (0)