Thời tiết bất thường, rét kéo dài
Vụ xuân năm nay tại nhiều địa phương ở Nghệ An, hàng nghìn ha lúa đã rơi vào tình trạng mất mùa nghiêm trọng. Ghi nhận tại các huyện trọng điểm sản xuất lúa như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu…, không ít cánh đồng mặc dù lúa vẫn trổ bông nhưng không cúi đầu, hạt lép, thậm chí hoàn toàn lép trắng; nhiều ruộng đã được người dân gặt lúa non đem về làm thức ăn cho gia súc, làm lúa chét. Có khoảng 2.736 ha lúa có tỷ lệ lép cao.

Năm nay, thời tiết bất lợi kéo dài đúng vào giai đoạn trổ bông và phân hóa đòng – là thời điểm mang tính quyết định đến năng suất lúa. Không chỉ nhiệt độ trung bình thấp hơn, mà tần suất xảy ra các đợt không khí lạnh cũng cao hơn nhiều năm, số ngày nắng ít, tổng tích ôn nhiệt độ thấp.
Các trà lúa trổ trước ngày 15/4, nhất là diện tích trổ trước 10/4, khi lúa làm đòng, trổ bông đều rơi vào những thời điểm có nhiệt độ trung bình thấp hơn 7 – 10 độ C so với yêu cầu nhiệt độ tối ưu, số giờ nắng trung bình trong ngày thấp hơn từ 4,6 - 5,6 giờ so với yêu cầu của cây lúa, đặc biệt có thời điểm 5 ngày liên tiếp từ 4 - 8/4 không hề có nắng.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An

Có những địa phương như Đô Lương, mặc dù tuân thủ lịch thời vụ, cơ bản diện tích gieo, cấy đều đúng khung nông lịch; thế nhưng theo ông Thành Đặng Long - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường, năng suất lúa vụ xuân năm nay vẫn bị giảm mạnh, ước chỉ đạt bình quân 58 tạ/ha, giảm khoảng 8,4 tạ/ha so với vụ xuân năm ngoái.
“Trên 90% diện tích của chúng tôi trổ từ ngày 20-30/4, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao, hạt lép ít. Tuy nhiên, giai đoạn lúa đứng cái làm đòng đến trổ lại chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, biên độ nhiệt ngày đêm lớn làm cây lúa khó thích nghi, dẫn đến đẻ nhánh hữu hiệu kéo dài, không tập trung, do đó số lượng bông lúa thấp và không đồng đều.
Riêng đối với những diện tích giống AYT 77 được gieo mạ để cấy sớm hơn, lúc phân hóa đòng gặp nhiệt độ thấp kéo dài làm quá trình hình thành và phát triển đòng kém, lúc trổ phơi mao gặp các đợt không khí lạnh bổ sung làm cho quá trình thụ phấn, kết hạt kém dẫn tới tỷ lệ lép cao, thoái hóa đầu bông, giảm năng suất”, ông Thành Đăng Long chia sẻ.

“Đi trước thời vụ” bất chấp khuyến cáo
Diễn Châu là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 1.930 ha lúa trổ không thoát, thoái hóa đầu bông, tỷ lệ lép cao và không kết hạt, trong đó 610 ha bị nặng trên 70%.
“Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận nguyên nhân từ phía chủ quan. Một số diện tích đã gieo cấy trước lịch thời vụ huyện chỉ đạo từ 7 – 10 ngày, một phần diện tích chăm sóc chưa đảm bảo, phù hợp với điều kiện lạnh ẩm, đặc biệt là giai đoạn phân hóa đòng – trổ, dễ làm tăng hiện tượng lép”, ông Lê Thế Hiếu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho hay.

Dựa trên tính toán mọi yếu tố liên quan, ngành nông nghiệp đã đưa ra khung thời vụ sản xuất cụ thể tới từng trà, từng vùng đất. Theo đó, bắt đầu gieo mạ từ ngày 2 - 15/1, riêng giống có thời gian sinh trưởng dưới 125 ngày gieo mạ từ 10/1. Lúa gieo thẳng từ ngày 7- 9/1, muộn hơn 5 - 7 ngày so với lịch gieo mạ.
Nông lịch này nhằm giúp cây lúa tránh được những tác động bất lợi của thời tiết trong các giai đoạn sinh trưởng, phát triển, tạo năng suất. Tuy nhiên, trong hơn 91 nghìn ha lúa vụ xuân, có tới trên 40 nghìn ha được gieo, cấy trước khung thời vụ, bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn. Trong đó, nhiều diện tích sớm hơn từ 10 - 15 ngày, thậm chí một số vùng gieo cấy trước lịch 25-30 ngày.

Cụ thể: Tổng diện tích mạ gieo trước lịch thời vụ lên tới 1.083 ha, tương đương diện tích cấy khoảng 39.410 ha (lúa lai 27.680 ha; lúa thuần 11.730 ha), chủ yếu ở các huyện Yên Thành, Tân Kỳ, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Con Cuông...
Toàn tỉnh có hơn 866 ha gieo thẳng trước lịch thời vụ ở Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, trong đó 175 ha gieo trước ngày 20/12/2024, thậm chí tại một số vùng như xã Hương Sơn, Đồng Văn (Tân Kỳ); Bình Sơn, Thọ Sơn (Anh Sơn); Châu Nhân (Hưng Nguyên) nông dân gieo cấy trước lịch 22 - 30 ngày.
Tổng diện tích lúa trổ trước 15/4 lên tới 13.937 ha, tập trung tại Diễn Châu (3.000 ha), Yên Thành (6.500 ha), Tân Kỳ (2.000 ha)… đặc biệt trong đó có trên 1.000 ha trổ trước ngày 10/4, có thời gian trổ kéo dài, chậm thoát cổ bông, một số bị nghẹn đòng.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức: Nhìn chung, những diện tích trổ trước ngày 20/4 có mức độ thoái hóa đầu bông cao hơn. Hiện tượng tỷ lệ lép xanh, không kết hạt cao cũng xuất hiện nhiều trên lúa trỗ trước ngày 15/4, đặc biệt trên những diện tích trỗ sớm trước ngày 10/4, với hơn 2.736 ha lúa có tỷ lệ lép cao; trong khi lúa trỗ sau ngày 20/4 cơ bản trổ thoát nhanh, tỷ lệ hạt lép thấp, ít bị ảnh hưởng năng suất.

Theo Đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ xuân 2025, Nghệ An cơ cấu 74 giống lúa khuyến cáo đưa vào sản xuất, trong đó 27 giống lúa lai và 47 giống lúa thuần. Thế nhưng thực tế, trên đồng ruộng có tới 102 giống lúa được người dân sản xuất.
Kết quả tổng hợp từ các địa phương, có 34 giống lúa (18 giống lúa lai, 16 giống lúa thuần) bị ảnh hưởng dẫn đến thoái hóa đầu bông nhiều, tỷ lệ hạt lép cao hoặc không kết hạt; trong đó có 10 giống lúa ngoài cơ cấu của ngành Nông nghiệp gồm LC 25, Syn 12, Syn 18, C. ưu đa hệ số 1, Khang dân 18, Nếp A Sào, Q5, Ngọc Nương 9, KOJI, DT 82.
Nguồn: https://baonghean.vn/hon-2-700-ha-lua-tai-nghe-an-co-ty-le-lep-xanh-khong-ket-hat-cao-10297931.html
Bình luận (0)