Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

UNESCO hỗ trợ Việt Nam về khung đạo đức cho trí tuệ nhân tạo

Chiều ngày 21/5/2025, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã dự và phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn Dự thảo báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng trong việc thực hiện Khuyến nghị của UNESCO về đạo đức AI do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại trụ sở Bộ KH&CN, 18 Nguyễn Du, Hà Nội.

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ22/05/2025

Dự hội thảo có bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Johnathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ KH&CN; đại diện một số Bộ ngành, Viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.

Việt Nam tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về AI

UNESCO hỗ trợ Việt Nam về khung đạo đức cho trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong đời sống xã hội và trong việc xử lý công việc hàng ngày của cán bộ, công chức, đồng thời đặt ra các vấn đề về đạo đức trong khi sử dụng và ứng dụng AI.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cảnh báo rằng AI không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Nếu không có kiến thức nền tảng vững chắc, không nắm vững về những vấn đề cần hỏi và cơ sở pháp lý rõ ràng, thì việc sử dụng AI hỗ trợ xử lý công việc có thể dẫn đến những quyết định sai lệch, không chính xác.

UNESCO hỗ trợ Việt Nam về khung đạo đức cho trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội thảo

Việt Nam đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến AI, trong đó dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp công nghệ số đều có quy định về phát triển và ứng dụng AI. Bộ cũng đang tham vấn ý kiến của WIPO về sở hữu trí tuệ liên quan đến AI.

Thứ trưởng bày tỏ sự cảm ơn đối với sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, UNESCO, bày tỏ mong muốn các tổ chức này tiếp tục giúp đỡ Việt Nam hình thành đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực AI, chuyển đổi số, tham gia vào mạng lưới chuyên gia của thế giới, góp phần đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực này trên toàn cầu.

AI phải được phát triển và quản lý theo cách có đạo đức, lấy con người làm trung tâm, phù hợp với lợi ích chung của xã hội

UNESCO hỗ trợ Việt Nam về khung đạo đức cho trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam

Chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Bùi Thế Duy, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, đổi mới công nghệ với tốc độ nhanh chưa từng có đang tái định hình kinh tế – xã hội toàn cầu. Vì vậy, việc lồng ghép các giá trị nhân văn vào quá trình chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Những giá trị này phải là kim chỉ nam cho các quy chuẩn, chính sách và hành động của chúng ta.

AI giờ đây không đơn thuần là một công cụ mà đã trở thành lực lượng đang định nghĩa lại cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau, cách chúng ta học hỏi và hiểu biết thế giới. Tuy nhiên, một câu hỏi dặt ra là: AI có giúp chúng ta xây dựng xã hội công bằng và kiên cường hơn, hay sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng. Hiện nay, Liên hợp quốc đang làm việc với các chính phủ và cộng đồng nhằm duy trì các giá trị chung và các tiêu chuẩn toàn cầu thông qua việc xây dựng Hiệp ước Toàn cầu về Kỹ thuật số của Liên hợp quốc. Hiệp ước kêu gọi cần phải hành động đảm bảo rằng, các công nghệ số và công nghệ mới nổi, trong đó có AI, được phát triển và quản lý theo cách có đạo đức, lấy con người làm trung tâm và phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Việt Nam đang ở vị thế để dẫn đầu trong quản trị AI có đạo đức và chuyển đổi số. Tầm nhìn chiến lược được nêu trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị rất rõ ràng, táo bạo và hướng tới tương lai.

Bà Pauline Tamesis bày tỏ, đội ngũ Liên hợp quốc tại Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này, cam kết hỗ trợ Việt Nam dẫn dắt chuyển đổi số toàn diện trong xã hội.

UNESCO hỗ trợ Việt Nam về khung đạo đức cho trí tuệ nhân tạo - Ảnh 4.

Ông Johnathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam

Ông Johnathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, Hội thảo đã công bố những đánh giá sơ bộ của Phương pháp luận Đánh giá Mức độ Sẵn sàng về Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (RAM) do UNESCO thực hiện tại Việt Nam. Công cụ RAM giúp các nước đánh giá khả năng sẵn sàng triển khai AI theo Khuyến nghị Đạo đức AI mà UNESCO thông qua năm 2021. Đây là một hoạt động phối hợp giữa UNESCO và Việt Nam. Dự kiến báo cáo hoàn chỉnh với khuyến nghị chính sách cụ thể sẽ được trình Chính phủ Việt Nam và các đối tác vào cuối năm 2025, tạo tiền đề xây dựng hệ sinh thái AI an toàn, trách nhiệm và vì con người.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thay mặt cho nhóm chuyên gia liên ngành trình bày Dự thảo báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng trong việc thực hiện Khuyến nghị của UNESCO về đạo đức AI (RAM Việt Nam). Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị về ứng dụng, phát triển AI, các tiêu chuẩn đạo đức AI dựa trên 181 bộ chỉ số RAM của UNESCO, kết hợp thu thập dữ liệu, tham vấn chuyên gia và hội thảo đa bên liên quan./.

Trung tâm Truyền thông KH&CN

Nguồn: https://mst.gov.vn/unesco-ho-tro-viet-nam-ve-khung-dao-duc-cho-tri-tue-nhan-tao-197250522155855176.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm