Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hùng ca thống nhất và khát vọng vươn mình

Có những thời khắc thiêng liêng không chỉ khắc sâu trong tâm khảm một thế hệ mà trở thành mốc son chói lọi trong sử vàng dân tộc. Từ dấu mốc lịch sử ấy, Việt Nam kiêu...

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông30/04/2025

Mỗi độ tháng Tư về, đất nước lại rực lên sắc cờ đỏ thắm, vang vọng âm thanh hân hoan của ngày hội non sông. Không chỉ là ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối, mà còn là biểu tượng bất diệt của khát vọng độc lập, tự do, thống nhất. Một dân tộc nhỏ bé đã làm nên điều tưởng chừng không thể – đánh thắng hai đế quốc lớn trong thế kỷ XX, giành lại toàn vẹn lãnh thổ bằng chính ý chí, máu xương và lòng yêu nước cháy bỏng.

30/4 – Ngày chiến thắng của công lý - Ảnh 1.
Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn khi đó - đánh dấu sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng 30/4/1975 đánh dấu một hành trình dài đầy gian khổ và hào hùng. Từ Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đến Mậu Thân 1968 làm rung chuyển bàn cờ chính trị thế giới, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, tất cả tạo nên một bản anh hùng ca bất tử. Trong khói lửa chiến tranh, người Việt Nam vẫn bước đi với niềm tin sắt đá: Dù phải hi sinh, gian khổ đến đâu, đất nước nhất định sẽ thống nhất, non sông sẽ liền một dải.

Những thước phim không thể nào quên là hình ảnh những đoàn quân tiến về Sài Gòn trong tiếng hò reo của đồng bào, tiếng loa truyền thanh vang lên lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của chính quyền Sài Gòn. Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập – một hình ảnh kết tinh của cả thế kỷ đau thương, của hàng triệu sinh linh đã nằm xuống để dân tộc được đứng dậy.

Sau chiến tranh, đất nước Việt Nam bước vào thời kỳ hòa bình với muôn vàn khó khăn. Bom đạn lùi xa, nhưng tàn tích chiến tranh vẫn còn in hằn trên từng mái nhà, con đường, từng số phận con người. Thế nhưng, cũng chính trong gian khó ấy, tinh thần quật cường và khát vọng tái thiết đất nước lại một lần nữa được đánh thức.

Năm 1986 là bước ngoặt lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới. Từ một nền kinh tế bao cấp trì trệ, Việt Nam dũng cảm lựa chọn con đường hội nhập, mở cửa, phát huy nội lực để vươn lên. Từng bước vượt qua lạm phát phi mã, thiếu lương thực, khủng hoảng kinh tế, Việt Nam dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế bằng chính sự nỗ lực của toàn dân. Những năm tháng khó khăn ấy, ta thấy được bản lĩnh của một dân tộc đã quen chiến đấu, quen đứng dậy từ đổ nát.

Empty
Việt Nam là quốc gia ổn định chính trị và là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu (Trong ành: Một góc TP. Hồ Chí Minh)

Ngày nay, Việt Nam là quốc gia ổn định chính trị và là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu. Kinh tế tăng trưởng đều đặn, đời sống Nhân dân không ngừng cải thiện, hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn phát triển mạnh mẽ. Những cao tốc xuyên núi, những khu công nghiệp tầm cỡ khu vực... là minh chứng rõ ràng nhất cho một Việt Nam không ngừng vươn lên.

Trong hành trình đó, hào khí 30/4 vẫn luôn là ngọn lửa không tắt. Đó là ký ức thiêng liêng nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về giá trị của độc lập, tự do. Không có sự vươn lên nào bền vững nếu ta quên đi những gian khổ đã trải qua. Không có ngày hôm nay nếu không có lớp người đi trước hi sinh tuổi xuân, máu xương, để giữ trọn lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Hào khí đó, không chỉ dừng lại trong ngày chiến thắng, mà trở thành động lực tinh thần, nguồn sức mạnh nội lực để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển. Trong kỷ nguyên vươn mình, khi thế giới chuyển động không ngừng, Việt Nam cũng đang bước vào một hành trình cải cách mạnh mẽ từ bên trong.

Cuộc cách mạng về thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động thực chất, sâu rộng và quyết liệt. Từ việc tinh giản biên chế, sáp nhập cơ quan, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, liêm chính – tất cả đang hướng đến một nền hành chính phục vụ Nhân dân, kiến tạo phát triển.

Cắt bỏ rào cản, tầng nấc trung gian, đưa người có tài vào đúng vị trí, và tạo điều kiện cho cái mới bứt phá, đó là con đường tất yếu để quốc gia trỗi dậy trong thời đại số. Bộ máy Nhà nước không thể cồng kềnh khi đất nước cần tốc độ. Cán bộ không thể đủng đỉnh khi Nhân dân đang khao khát đổi thay. Cách mạng thể chế, nếu làm đúng, sẽ giải phóng nguồn lực khổng lồ đang bị kìm hãm trong những lớp giấy tờ, trong thói quen trì trệ, và trong tâm lý sợ trách nhiệm.

Bởi chỉ khi bộ máy tinh gọn, minh bạch, liêm chính, thì khát vọng vươn lên mới có cơ hội thành hiện thực. Đó là điều kiện tiên quyết để đất nước chuyển mình từ một nền kinh tế đang phát triển thành một quốc gia phát triển, từ một đất nước nặng về quản lý sang một đất nước sáng tạo. Việt Nam không thể vươn tầm thế giới với những bước đi cũ kỹ. Muốn đi xa, ta phải thay đổi cách đi.

hoi nghi trung uong 11 quyet sach chien luoc voi tam nhin tram nam hinh anh 1
Hội nghị Trung ương 11 với nhiều quyết sách chiến lược mở ra mô hình quản trị mới, thể chế mới, không gian phát triển mới, tạo dư địa cho mô hình phát triển mới...

Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình – không chỉ là vươn về kinh tế mà còn là khẳng định bản sắc, vị thế, tâm thế của người Việt Nam trong thời đại số, thời đại của trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo. Từ làng quê đến thành phố, từ người nông dân tới trí thức, doanh nhân, đâu đâu cũng thấy những khát vọng lớn, những hoài bão vươn xa. Những bạn trẻ khởi nghiệp, những kỹ sư Việt chế tạo thiết bị công nghệ, những chiến sĩ biên phòng bám trụ nơi biên cương – tất cả đang viết tiếp bản hùng ca thời bình.

Trong trái tim của mỗi người dân đất Việt, 30/4 là ngày kỷ niệm và là lời nhắc nhở thiêng liêng: Tự do có được là nhờ máu xương, và giữ gìn được tự do là nhờ ý chí không ngừng tiến bước. Mỗi công dân hôm nay là một chiến sĩ trên mặt trận mới – mặt trận của trí tuệ, của đổi mới, của văn minh.

Khi ánh nắng tháng Tư đổ vàng trên khắp nẻo đường, khi tiếng loa phát lại bản nhạc “Giải phóng miền Nam” da diết, cũng là lúc ta tự hỏi: ta đã làm gì để xứng đáng với những người ngã xuống? Ta đã làm gì để Việt Nam có thể vươn xa hơn nữa trên bản đồ thế giới? Câu hỏi ấy, chính là trách nhiệm, là niềm tự hào, và cũng là động lực để mỗi người không ngừng phấn đấu.

Hào khí 30 tháng 4 sống mãi trong từng bước chuyển mình của đất nước. Và trong mỗi chặng đường mới, từ miền biên cương đến hải đảo, từ đồng bằng đến cao nguyên, vẫn có hàng triệu trái tim đang hòa chung nhịp đập yêu nước – như lời khẳng định: Việt Nam sẽ không ngừng vươn lên, Việt Nam sẽ mãi tự hào sánh vai với bạn bè năm châu.

Nguồn: https://baodaknong.vn/hung-ca-thong-nhat-va-khat-vong-vuon-minh-251138.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm