Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường. |
Đảm bảo thông suốt trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai
- Thưa ông, sau khi sắp xếp, vận hành bộ máy địa phương 2 cấp từ ngày 1-7, việc bảo quản, bàn giao, chỉnh lý hồ sơ địa chính được Sở NN-MT triển khai, thực hiện như thế nào để đảm bảo việc vận hành đơn vị hành chính mới được thông suốt?
- Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN-MT tại Công văn số 991, ngày 11-4-2025 về việc Hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-MT đã chỉ đạo các cơ quan có chức năng quản lý đất đai của tỉnh, chính quyền các địa phương rà soát, thống kê danh mục hồ sơ địa chính và các loại sổ sách, tài liệu dạng giấy hình thành trong quá trình quản lý, sử dụng đất qua các giai đoạn đang lưu trữ tại các cấp ở địa phương để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bàn giao cho đơn vị hành chính mới, phục vụ công tác quản lý đất đai, tránh thất lạc tài liệu, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho công tác quản lý.
Đối với sổ cấp GCN do cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện (trước ngày 1-7) đã lập khi thực hiện cấp GCN lần đầu, ngay sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính thì thực hiện việc bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để lưu trữ và cung cấp thông tin khi cần thiết. Đối với hồ sơ địa chính điện tử đang được lưu trữ, vận hành trong cơ sở dữ liệu đất đai thì chỉ đạo các cơ quan tiếp tục khai thác, quản lý, phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Về nguyên tắc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai: Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính bao gồm bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ địa chính và GCN phải được thực hiện đồng thời với việc cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương. Hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai đang được quản lý, lưu trữ, vận hành thì tiếp tục được khai thác, quản lý, phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai do sắp xếp lại đơn vị hành chính phải được thực hiện đồng thời với việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất, đảm bảo thông suốt, không gây ách tắc, cản trở cho người dân và doanh nghiệp.
Người dân không bắt buộc phải chỉnh lý đồng loạt giấy chứng nhận sau sáp nhập
- Sau khi sáp nhập, nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh đã thay đổi về diện tích, tên đơn vị hành chính mới, vậy người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có bắt buộc phải chỉnh lý GCN khi sáp nhập không và nếu có nhu cầu điều chỉnh thì thực hiện các bước như thế nào, thưa ông?
- Theo hướng dẫn của Bộ NN-MT tại Công văn số 991, về GCN đã cấp qua các thời kỳ: Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì không bắt buộc phải thực hiện chỉnh lý đồng loạt GCN đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Việc chỉnh lý thay đổi thông tin của thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ) trên GCN đã cấp được thực hiện theo quy định tại Thông tư 10 ngày 31-7-2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ NN-MT) quy định về hồ sơ địa chính, GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp trên GCN đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi thì cấp mới GCN để thể hiện thông tin của thửa đất theo quy định tại Nghị định số 151 ngày 12-6-2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai.
Khi có nhu cầu điều chỉnh thông tin trên GCN do sáp nhập đơn vị hành chính, người dân cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 18 ban hành kèm theo Nghị định số 151 của Chính phủ; bản gốc GCN đã cấp; giấy ủy quyền có công chứng hoặc chứng thực (nếu nộp hồ sơ thông qua người đại diện). Hồ sơ được nộp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã. Cơ quan tiếp nhận sẽ cấp giấy hẹn và chuyển hồ sơ đến đơn vị có thẩm quyền xử lý.
Thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin trên GCN là không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc.
- Xin cảm ơn ông!
THÁI THỊNH (Thực hiện)
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/huong-dan-chinh-ly-ho-so-dia-chinh-co-so-du-lieu-dat-dai-odon-vi-hanh-chinh-moi-5c539b5/
Bình luận (0)