Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi số (CĐS) giúp nông dân tiếp cận nhanh thông tin thị trường, áp dụng quy trình canh tác hiện đại, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiện đại.
Nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. |
Nhiều điểm sáng chuyển đổi số trong nông nghiệp
Việc thực hiện CĐS nông nghiệp là cơ hội để sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả để thay vào đó là một nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu và thông tin sản phẩm giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà vươn xa và có trách nhiệm hơn đối với người tiêu dùng.
CĐS trong nông nghiệp còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh hiểu rõ nhu cầu thị trường, thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Thời gian qua, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã ngày càng được nâng cao; trong đó cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa có nhiều đột phá.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn và sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng số hóa trong sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ nét. Nông dân đã từng bước vượt qua rào cản sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống, mà thay vào đó, nhiều nông dân, HTX đã trang bị nhiều hệ thống máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, như máy bay không người lái, máy sạ hàng theo cụm, hệ thống giám sát phát thải khí methane, hệ thống giám sát côn trùng thông minh…
Thông qua chiếc điện thoại di động thông minh, nông dân ngồi ở nhà cũng có thể giám sát mật độ sâu rầy trên đồng ruộng, quan trắc độ mặn của nước…
Các HTX còn tăng cường truyền thông kỹ thuật, quản lý dịch hại qua nền tảng xã hội như Zalo, Facebook; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa và sử dụng phân vi sinh giúp lúa ít sâu, bệnh, mang lại sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn và góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, công lao động, giúp thành viên tăng lợi nhuận đáng kể so với tập quán cũ.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã An Bình) cho biết, 3 năm qua, HTX đẩy mạnh CĐS từ việc nhập dữ liệu xài phân thuốc để người tiêu dùng cập nhật thông tin về vùng trồng. Việc giao thương mua bán còn được thực hiện qua sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Khi áp dụng các công nghệ 4.0 vào các quy trình sản xuất nông nghiệp đem lại rất nhiều lợi ích như: giảm thiểu chi phí, nhân công lao động, tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường; tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất. Nhờ đó, thành viên của HTX biết chú trọng đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin, uy tín với khách hàng để xây dựng thương hiệu.
Ông Trương Hòa Thuận- Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hảo (xã Hưng Mỹ) cho biết: “Canh tác lúa bây giờ phun xịt thì bằng drone, sạ thì có máy sạ cụm, rồi gặt, cuốn rơm đều bằng máy hết. Riêng giám sát côn trùng, dịch bệnh… đều thông qua app điện thoại. Cách canh tác này hiệu quả rất nhiều, nông dân ở nhà cũng có thể biết được lúa hôm nay có bao nhiêu côn trùng, nếu ít thì không phun thuốc. Việc cơ giới hóa, đầu tư trang thiết bị hiện đại HTX tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho thành viên”.
Để tăng hiệu quả chuyển đổi số nông nghiệp
Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. |
Theo đánh giá của ngành chức năng, những thành công của nông nghiệp gần đây cũng có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học, công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0 và CĐS trong nông nghiệp là một giải pháp tổng thể góp phần nâng cao hiệu quả toàn ngành, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả.
Theo đó, ngành chức năng đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc nông sản; ứng phó biến đổi khí hậu, giải pháp đảm bảo sinh kế; khảo nghiệm, thử nghiệm giống trước khi đề xuất, nhân rộng... Các hoạt động này tiếp tục đưa tiến bộ khoa học được kiểm chứng ứng dụng nhân rộng vào thực tiễn sản xuất, đồng thời định hình hướng đi mới nhằm gia tăng tỷ lệ tự động hóa, đa dạng sản phẩm và sinh kế để thích nghi, giảm bớt rủi ro trước biến động giá cả thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng và biến đổi khí hậu.
Dù vậy, việc CĐS trong nông nghiệp vẫn còn không ít khó khăn vướng mắc. Cụ thể như, cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng. Ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phần lớn cũng chưa đáp ứng yêu cầu của CĐS do thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu minh bạch xuất xứ sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản…
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình điểm về nông nghiệp tuần hoàn; tuyên truyền hiệu quả của các ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như: sử dụng thiết bị máy bay không người lái, công nghệ tưới nước tiên tiến, biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, ứng dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ…
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa của việc CĐS trong nông nghiệp, nhất là việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ nông sản, những cơ hội lẫn thách thức trong quá trình CĐS lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức, cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều dự án CĐS trong ngành nông nghiệp như: hệ thống phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói; hệ thống quản lý vùng nuôi và trang trại chăn nuôi; phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc, cảnh báo môi trường nước nuôi thủy sản; phối hợp trong việc hợp tác, xây dựng, triển khai thí điểm ứng dụng CĐS về truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp… |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202507/huong-den-nen-nong-nghiep-thong-minh-hien-dai-56c1618/
Bình luận (0)