(QBĐT) - Tọa lạc trên diện tích rộng hơn 2.000m2 tại vùng đất Sơn Khoa, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy), Khu di tích Sư đoàn 341 (Đoàn sông Lam), Quân khu 4 đang được thi công các hạng mục cuối để khánh thành, nhân dịp cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở nơi đóng quân của Sư đoàn 341 năm xưa, chúng tôi theo dòng hồi ức của các cựu chiến binh (CCB) một thời hướng về Nam, đi giữa mùa Xuân đại thắng.
Đại tá Hà Thanh Bình, CCB Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, nguyên Sư đoàn phó Sư đoàn 968, Quân khu 4, nhà ở gần khu di tích nên “vinh dự” được Ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 giao trọng trách làm “giám sát cộng đồng”. Ngày nào ông Bình cũng đến khu di tích thật sớm, trước là động viên anh em thợ thầy, sau nữa, đón tiếp đồng đội cũ khắp mọi miền Tổ quốc thăm lại nơi đóng quân xưa. Ông bảo với tôi: “Vùng đất đôi bờ Kiến Giang gồm các xã Mỹ Thủy, Dương Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy, Kim Thủy... đã bao bọc, chở che cho những người lính Sư đoàn 341 từ những ngày đầu thành lập đến khi lên đường vào Nam chiến đấu”.
Những năm tháng không quên
Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy Nguyễn Xuân Tùng hoài niệm: “Trong 8 năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Mỹ Thủy cũng như bao làng quê khác gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh. Nhân dân xã Mỹ Thủy biến đau thương thành hành động, trở thành hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Câu khẩu hiệu “Ra đi giữ vững lời thề. Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương” trở thành phương châm hành động của toàn dân, động viên con em lên đường nhập ngũ. Người ra tiền tuyến, người ở lại trở thành hậu phương bao bọc, chở che cho bộ đội. Giai đoạn khoảng cuối năm 1972 đến tháng 2/1975, cùng với một số địa phương dọc đôi bờ sông Kiến Giang, xã Mỹ Thủy là nơi đóng quân của Sư đoàn 341, Quân khu 4. Tại vùng đất Sơn Khoa bây giờ, sau 50 năm, vẫn còn nhiều dấu tích liên quan đến Sư đoàn 341, như: Sở Chỉ huy; thao trường luyện quân; khu hậu cần; sân vận động-nơi Sư đoàn 341 làm lễ xuất quân vào Nam chiến đấu...”.
|
Theo chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy, chúng tôi tìm về vùng đất Sơn Khoa. Đúng ngay tại địa điểm Sở Chỉ huy Sư đoàn năm nào, một quần thể di tích đang gấp rút hoàn thiện. Ấn tượng sâu đậm nhất, khái quát khá toàn vẹn về lịch sử Sư đoàn 341 là hai dòng chữ khắc trên hai phiến đá lớn đặt hai bên tả, hữu nhà bia. Phiến đá thứ nhất ghi: “Kiến Giang muôn đời khắc nhớ”. Và phiến đá thứ hai có nội dung: “Sông Lam sử sách lưu danh”.
Đại tá Lê Thế Soái, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 cho biết: Cuối năm 1972, tình hình cách mạng miền Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ. Để đề phòng mọi sự xâm nhập và sẵn sàng đánh trả quân địch trên địa bàn Quân khu 4, đồng thời chuẩn bị lực lượng tổng dự bị chiến lược, ngày 7/9/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương ra chỉ thị và đến ngày 23/11/1972, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh cơ động 341, giao Quân khu 4 tổ chức thực hiện với nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng và phát triển lực lượng, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu phía Nam Quảng Bình và Vĩnh Linh, sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến lược là “quả đấm thép” của Bộ Quốc phòng chi viện cho chiến trường miền Nam. Sư đoàn 341 thành lập tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) nên còn có tên gọi khác là Đoàn Sông Lam.
Sau khi thành lập, tháng 12/1974, Sư đoàn 341 hành quân vào đứng chân trên địa bàn Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị) tiếp tục huấn luyện, xây dựng và phát triển lực lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tại Quảng Bình, Sư đoàn 341 được bổ sung thêm 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh với hơn 500 quân số là những con em ưu tú Quảng Bình.
Tình quân dân đôi bờ Kiến Giang
Đóng quân tại “đất lửa” Quảng Bình, Vĩnh Linh, ngoài Trung đoàn 273 di chuyển vào xã Vĩnh Long (Đặc khu Vĩnh Linh); Trung đoàn 270 ở xã Tây Trạch (Bố Trạch) thì các đơn vị còn lại của Sư đoàn 341 đều trú quân tại huyện Lệ Thủy, gồm các xã: Mỹ Thủy, Dương Thủy, Trường Thủy, Kim Thủy, Thái Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy...
Nhớ lại những năm tháng “bộ đội về làng” đó, đại tá Nguyễn Văn Linh, Chính ủy Sư đoàn 341 chia sẻ: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhân dân Quảng Bình, bà con quê hương Lệ Thủy sẵn lòng nhường nhà cửa cho bộ đội ở; huy động hàng vạn ngày công, ủng hộ hàng chục vạn cây tre, gỗ... giúp các đơn vị làm công sự trận địa chiến đấu. Các Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp bộ đội ấm lòng, vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều địa phương, cơ quan, xí nghiệp tổ chức kết nghĩa với các đơn vị của Sư đoàn, tạo nên những mô hình, điểm sáng về phong trào thi đua xung kích của Quân khu trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất.
|
Thiếu tá, CCB Hoàng Văn Xỉu hiện ở phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới), nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 nhớ lại: “Tôi và hơn 500 đồng đội quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” rất vinh dự và tự hào khi được sống, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 341. Thời gian đơn vị đóng quân tại Lệ Thủy đã để lại những kỷ niệm khó phai mờ trong mỗi người lính chúng tôi. Tình quân dân đôi bờ Kiến Giang là mạch nguồn, là sức mạnh thôi thúc chúng tôi hành tiến trên những chặng đường ra trận, kịp thời tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
Ngày 3/2/1975, Sư đoàn 341 long trọng tổ chức lễ xuất quân vào Nam chiến đấu. Đại tá Lê Thế Soái, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 nhớ lại: Buổi lễ xuất quân có sự chứng kiến đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng nhân dân huyện Lệ Thủy đến thăm, động viên. Giây phút chia tay xúc động, bồi hồi, những người lính Sư đoàn 341 hành quân thẳng vào chiến trường với khí thế mùa xuân ra trận và niềm tin tất thắng.
50 năm sau trở lại nơi đóng quân và cũng là nơi xuất quân của Sư đoàn 341 vào Nam chiến đấu, đại tá Nguyễn Văn Linh, Chính ủy Sư đoàn 341 bồi hồi: Tình cảm “Quân với dân như cá với nước” mà người dân Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung dành cho Sư đoàn 341 là mạch nguồn sức mạnh to lớn, giúp đơn vị lập nên những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, trưởng thành... Năm tháng sẽ qua đi nhưng nghĩa tình sâu nặng và sự hy sinh, giúp đỡ to lớn đó luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 mãi mãi biết ơn, trân quý, giữ gìn. Tình nghĩa thủy chung giữa Quảng Bình và Sư đoàn 341 đẹp mãi như dòng Kiến Giang trong xanh thơ mộng. |
Ngô Thanh Long
>>> Bài 2: Đi giữa mùa Xuân đại thắng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202504/huong-ve-nam-bai-1-kien-giang-muon-doi-khac-nho-2225470/
Bình luận (0)