Cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi), bất kể kết quả của việc Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam cuối cùng ra sao thì chắc chắn Việt Nam cũng sẽ thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá sâu vào một thị trường như Mỹ sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các thay đổi trong chính sách thương mại của quốc gia này.
Vì thế, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ chuyển đổi chiến lược, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) hay RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) sẽ tạo ra những cơ hội mới và giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Theo đó, Việt Nam không chỉ “mở rộng” mà còn “làm mới lại” các thị trường truyền thống, thông qua nâng cấp tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu. Hàng xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh chiến lược “Nam tiến - Tây tiến” với các thị trường Trung Đông, Nam Á, châu Phi, Mỹ Latin - những thị trường giàu tiềm năng nhưng còn chưa được khai phá tương xứng.
"Mỗi doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đặc biệt là các cơ quan hoạch định chính sách cần quản trị tốt danh mục thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, phân tán rủi ro hợp lý, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm rủi ro địa chính trị, thương mại.
Đồng thời, xây dựng các kịch bản ứng phó đa tầng, đa cấp độ, từ cấp vi mô doanh nghiệp đến cấp vĩ mô quốc gia. Khi có sự cố xảy ra, có thể ngay lập tức kích hoạt các cơ chế phản ứng linh hoạt để bảo vệ được lợi ích cốt lõi của doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Huy nhấn mạnh.
Cơ hội để Việt Nam đa dạng thị trường xuất khẩu. (Ảnh: Bộ Công Thương).
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội để thay đổi mạnh mẽ hơn nhiều vấn đề của kinh tế Việt Nam.
Trong đó, trong ngắn hạn, Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường tiềm năng như châu Âu (EVFTA), châu Á, châu Phi và Mỹ Latin thông qua xúc tiến thương mại.
Về dài hạn, cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng cách đầu tư vào hạ tầng, nhân lực, R&D và đổi mới sáng tạo. Đồng thời giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số ngành hàng nhất định
"Trong lĩnh vực thương mại, chúng ta cần có những chiến lược dự phòng và tăng cường khả năng chống chịu. Ví dụ, nếu thị trường Mỹ gặp vấn đề, chúng ta sẽ có sẵn các thị trường thay thế tiềm năng và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp để chủ động chuyển hướng kinh doanh. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau cho từng tình huống cụ thể”, ông Hiếu cho biết.
Cũng theo ông, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia rõ ràng, tập trung vào các ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại nhấn mạnh đến vai trò của thị trường nội địa. PGS.TS. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) nói: “Để hạn chế tác động bởi thị trường thế giới, chúng ta cần quan tâm đến thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân, bởi đây là thị trường hấp dẫn, tích cực, giúp nền kinh tế có sự ổn định, bền vững”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam - dẫn chứng, ở những nước phát triển bền vững, tỷ trọng GDP tăng ở thị trường trong nước cũng rất bền vững và sẽ hạn chế phụ thuộc thị trường nước ngoài.
Theo ông Huân, muốn làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp cũng phải hướng đến thị trường trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việt Nam có hơn 100 triệu dân chắc chắn là một thị trường tiềm năng lớn mà nhiều nước đang mơ ước. Vì thế doanh nghiệp cần phải tập trung nghiên cứu, khai thác.
Chuyển từ gia công sang xây dựng thương hiệu toàn cầu
Ông Nguyễn Quang Huy phân tích, việc Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam cũng sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam chuyển mình bứt phá từ nền kinh tế gia công sang quốc gia đổi mới - số hóa - xanh hóa.
Theo đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy nhanh quá trình từ sơ chế sang chế biến sâu, tinh chế. Đồng thời, biến thế mạnh nông sản, dệt may, thủy - hải sản thành các thương hiệu chế biến cao cấp có hàm lượng công nghệ và sáng tạo, thoát khỏi bẫy “gia công - thô sơ - dễ tổn thương”, chuyển sang “tinh chế - giá trị gia tăng - thương hiệu toàn cầu”.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ cao và xanh hóa trong toàn chuỗi sản xuất và logistics. Từ đó, có thể xuất khẩu công nghệ cao, nông sản chế biến sâu, thời trang xanh, thủy hải sản tiêu chuẩn ESG, đặc biệt là sẽ xây dựng các thương hiệu quốc gia có giá trị toàn cầu.
"Chúng ta đang ở giao điểm giữa khủng hoảng và cơ hội. Một quốc gia mạnh không phải là quốc gia không gặp sóng gió, mà là quốc gia biết chèo lái tốt con thuyền giữa sóng gió, để tiến ra biển lớn", ông Huy nhấn mạnh.
Ở lĩnh vực FDI, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho rằng, đây là cơ hội cho Việt Nam nhìn nhận lại, nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tập trung vào vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao.
Chuyển từ gia công sang xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kích hoạt dòng vốn dịch chuyển sang Việt Nam, tuy nhiên chủ yếu là dòng vốn Trung Quốc. Quốc gia này dẫn đầu về số lượng FDI vào Việt Nam nhưng chất lượng trên tổng thể không cao.
Do đó, đã đến lúc Việt Nam quyết tâm tập trung chỉ thu hút FDI chất lượng hàm lượng công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội “vàng” để Chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, để Việt Nam làm những gì mình muốn chứ không phải thu hút FDI bất chấp.
“Ưu đãi thuế quan cũng nên rà soát phân hóa rõ hơn thay vì cào bằng cứ FDI thì được ưu đãi như nhau. Tóm lại, chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải hiểu họ được lợi rất nhiều khi đầu tư tại Việt Nam. Giá điện cho sản xuất rẻ, ưu đãi thuế lớn. từ đó phải cùng chia sẻ rủi ro chứ không phải chỉ ôm lợi ích về mình”, ông Thuân nói.
PGS.TS chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng phân tích, Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch từ mô hình gia công sang mô hình dựa trên thiết kế, thương hiệu và sáng tạo. Hiện tỷ lệ hàng hóa có thương hiệu Việt chỉ chiếm dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong khi các ngành như dệt may, da giày vẫn chủ yếu làm thuê với giá trị gia tăng thấp (15–20%).
Mục tiêu đến năm 2030 là tỷ lệ hàng xuất khẩu tự thiết kế, phát triển thương hiệu đạt ít nhất 20%. Ưu tiên các ngành có tiềm năng như nông sản chế biến, thực phẩm, dệt may cao cấp, điện tử tiêu dùng.
“Rất có thế quá trình này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn sau chính sách áp thuế của Mỹ”, ông Long lạc quan nhận định.
Chuyển từ phản ứng sang chủ động thích ứng
Chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất định, việc tái cấu trúc hoạt động xuất khẩu không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm tăng khả năng thích ứng và nâng cao sức chống chịu cho nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, thời gian qua, việc đa dạng hóa thị trường đã được đẩy mạnh rõ nét và sẽ còn mạnh mẽ hơn sau “cú sốc” lần này.
Chúng ta đang ở giao điểm giữa khủng hoảng và cơ hội. Một quốc gia mạnh không phải là quốc gia không gặp sóng gió, mà là quốc gia biết chèo lái tốt con thuyền giữa sóng gió, để tiến ra biển lớn.
Ông Nguyễn Quang Huy
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 12,5%, sang châu Phi tăng 9,3%, Mỹ Latin tăng 8,1% so với năm trước. Các thị trường ASEAN và Trung Đông cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Đây là minh chứng cho nỗ lực mở rộng thị trường, giảm lệ thuộc và tăng khả năng thích ứng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Không chỉ mở rộng thị trường, Việt Nam cũng đang nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về môi trường, lao động và công nghệ. Xuất khẩu xanh, sạch và có trách nhiệm xã hội không còn là khẩu hiệu mà đã được nhiều doanh nghiệp cụ thể hóa bằng hành động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở gia công, mà đã bước đầu tham gia vào khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ trong sản phẩm.
Năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao đạt hơn 125 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch, cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong chuỗi giá trị. Nhiều mặt hàng như điện tử, linh kiện, thiết bị y tế, hàng thời trang mang thương hiệu Việt đã xuất hiện tại các thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ, ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu 15 - 20%.
“Đến năm 2024, gần 40% doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đã chuyển sang sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc có chứng chỉ môi trường; ngành thủy sản cũng tăng cường truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn như ASC, BAP để giữ vững thị phần ở EU và Nhật Bản”, ông Long dẫn chứng.
Theo ông Long, với việc những đổi mới trên được thúc đẩy thì kinh tế Việt Nam sẽ từ chỗ bị động ứng phó với biến động thị trường sẽ chuyển sang chủ động thích ứng - từ thị trường, sản phẩm đến phương thức tiếp cận. Đây là nền tảng vững chắc để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững, lâu dài.
“Rào cản thuế quan từ Mỹ không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để Việt Nam chuyển mình. Đây là thời điểm vàng để tái cấu trúc xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và làm chủ chuỗi cung ứng. Thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo”, ông Long nhấn mạnh.
Nguyễn Yến – Thành Lâm – Phạm Duy
Vtcnews.vn
Nguồn:https://vtcnews.vn/my-ap-thue-46-cu-huych-de-viet-nam-thuc-day-nen-kinh-te-chu-dong-ar936240.html
Bình luận (0)