Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị sơ kết công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025

Bộ VHTTDL có văn bản số 3585/TB-BVHTTDL ngày 21/7/2025 thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị sơ kết công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch22/07/2025

Theo đó, ngày 17/7/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của gần 1.100 đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì.

Cùng dự tại điểm cầu chính (trụ sở Bộ VHTTDL) có các đồng chí: Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình; Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Hồ An Phong, Thứ trưởng Phan Tâm và lãnh đạo các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ.

Tại 34 điểm cầu trụ sở UBND 34 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của 22 đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, các đồng chí Giám đốc Sở quản lý nhà nước về Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương và các đơn vị chuyên môn.

Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị sơ kết công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị sơ kết công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Sau khi nghe Báo cáo kết quả công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm, ý kiến tham luận Lãnh đạo UBND một số địa phương và các Sở, phát biểu của các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng kết luận như sau:

Đánh giá tình hình

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm để tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong bối cảnh đó, kế thừa những kết quả đạt được từ năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực cao độ, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động và sáng tạo để triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghị, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, toàn Ngành đã đánh giá thực chất, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, dự báo những khó khăn, thách thức trên chặng đường sắp tới, để từ đó, thêm “bền gan, vững chí”, chủ động tháo gỡ và kiên trì thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Lãnh đạo Bộ đánh giá cao Báo cáo trung tâm tại Hội nghị đã thể hiện toàn diện, có chiều sâu, không chỉ nêu bật được kết quả của Bộ, mà còn phản ánh rõ nét hoạt động của cả Ngành trong 6 tháng đầu năm 2025. Các bài phát biểu bổ sung của các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các bài tham luận của các địa phương cũng đã làm rõ thêm từng nhóm vấn đề cụ thể: về lĩnh vực du lịch, các sự kiện lớn, về thể thao thành tích cao... góp phần phác họa nên một bức tranh toàn cảnh sinh động về sự phát triển của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2025. Tất cả những kết quả trên đều rất đáng ghi nhận, là niềm vui chung, là động lực để toàn Ngành tiếp tục phấn đấu, hoàn thành toàn diện, thắng lợi những chỉ tiêu, mục tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Đảng, Nhà nước giao phó. Thể hiện rõ nét tại 4 điểm sáng như sau:

Thông qua thực tiễn hoạt động của Ngành, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển đất nước ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn. Tinh thần “Văn hóa là nền tảng - Thông tin là mạch dẫn - Thể thao là sức mạnh - Du lịch là nhịp cầu kết nối” đã trở thành phương châm hành động xuyên suốt của toàn ngành. Sự đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, lấy chính sách công làm công cụ kiến tạo, đã tạo nên “sự chuyển mình” đồng bộ của hệ sinh thái văn hóa, thể thao và du lịch, theo đúng theo tinh thần xây dựng, phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Nhiệm vụ này được thực hiện có hiệu quả, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, tạo chuyển biến rõ nét trong thực tiễn. Trong buổi tiếp Tổng Giám đốc UNESCO ngày 27/6/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay là dựa trên trụ cột văn hóa, và kiên định lấy văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển này”, đây là một khẳng định mang tính chiến lược và cũng là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với toàn ngành, đã thể hiện được trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Thực tế cũng cho thấy nhiều đồng chí Giám đốc Sở VHTTDL đã mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo địa phương, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành trong phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xác định rõ vai trò quản lý nhà nước, các đơn vị thuộc Bộ và các Sở đã phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, kịp thời nhận diện các khoảng trống pháp lý và tháo gỡ điểm nghẽn, phục vụ yêu cầu phát triển của ngành. Bộ đã chủ động tham mưu, trình cấp có thẩm quyền các Dự án Luật, Nghị định, ban hành nhiều Thông tư thuộc thẩm quyền1 và đặc biệt chú trọng tổ chức thực thi hiệu quả, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống. Trong quá trình phối hợp tham gia góp ý sửa đổi các luật liên ngành như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công..., Bộ đã đề xuất mạnh mẽ việc tích hợp nội dung liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch, phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền “Địa phương quyết - Địa phương làm - Địa phương chịu trách nhiệm”. Qua đó, khẳng định rõ chức năng, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và yêu cầu phải vận hành thông suốt, hiệu quả.

Ngành VHTTDL đã chủ động, sáng tạo trong việc lựa chọn những sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn để khẳng định vị thế, vai trò của mình, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng giao tổ chức nhiều hoạt động quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế. Qua đó, không chỉ quảng bá hình ảnh đất nước mà còn truyền tải hiệu quả các thông điệp, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, thể thao, âm nhạc. Ba sự kiện nổi bật trong 06 tháng đầu năm (1) Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, (2) Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và (3) Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt với thế hệ trẻ... đã được ghi nhận trong các diễn đàn Quốc hội, trong báo cáo của Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Đạt được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự đồng hành của chính quyền các cấp, và hơn hết là sự nỗ lực, miệt mài, kiên trì, thầm lặng nhưng đầy cống hiến của đội ngũ những người làm văn hóa.

  • Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Bộ hướng dẫn, Sở đồng hành, vì một sứ mệnh chung"

    Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Bộ hướng dẫn, Sở đồng hành, vì một sứ mệnh chung"

  • Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Bộ VHTTDL

    Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Bộ VHTTDL

Điểm sáng thứ tư chính là sự khởi sắc và vai trò ngày càng rõ nét của ngành du lịch - một động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động. Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ quan điểm “xuất khẩu tại chỗ”, thông qua hoạt động du lịch như một kênh kết nối hàng hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Du khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ trải nghiệm cảnh sắc và văn hóa, mà còn tiếp cận sản phẩm OCOP, nông sản Việt ngay tại điểm đến. 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trên 20%, lượng khách nội địa giữ vững đà phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tại Hội nghị thường kỳ Chính Phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò dẫn dắt, phát huy những mô hình mới tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng như những “cực tăng trưởng” mới, quán triệt quan điểm: “Du lịch là nhịp cầu kết nối, sản phẩm du lịch phải bắt nguồn từ văn hóa và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam”. Bộ trưởng cũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 34 Sở quản lý nhà nước về du lịch nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Ngành du lịch, giao nhiệm vụ “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam” với một không gian phát triển mới đã mở ra sau sắp xếp với chỉ đạo “Hợp lực, Chọn điểm, Bứt tốc” để Du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.

Từ 63 tỉnh/thành với 74 Sở chuyên ngành, đến nay còn 39 Sở chuyên ngành của 34 tỉnh/thành, các thế hệ cán bộ ngành văn hóa, thể thao và du lịch bằng tài năng, sức sáng tạo đã tận tâm, bền bỉ cống hiến, xây dựng, vun đắp tạo dựng nền tảng cho những thành tựu được khẳng định. Hội nghị hôm nay không có sự hiện diện của nhiều Giám đốc Sở gắn bó lâu năm, nhưng chúng ta trân trọng và ghi nhớ những đóng góp của họ, đồng thời đặt niềm tin vào đội ngũ kế nhiệm, sẽ giữ nhịp và tạo những nhịp mới. Đó là văn hóa biết ơn, một giá trị tốt đẹp và sâu sắc của Ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, trăn trở, như sau: (1) Trong không gian phát triển mới, toàn ngành cần xác định rõ “văn hóa là sức mạnh nội sinh” của mỗi cộng đồng từ đó nhìn nhận cụ thể để chọn đúng các giá trị tiêu biểu, điểm đến chiến lược, lễ hội có sức lan tỏa... (2) Dù tổ chức bộ máy đã ổn định, nhưng công tác chuyển đổi số vẫn còn lúng túng, thiếu cơ sở dữ liệu ngành, thiếu kết nối với nền tảng số quốc gia sẽ cản trở năng lực điều hành. Các Sở cần mạnh dạn đổi mới tư duy, bởi nếu vẫn đi theo lối mòn thì không thể bắt kịp xu thế, trong khi chuyển đổi số là trụ cột then chốt trong chiến lược phát triển ngành. (3) Tại một số đơn vị Cục, Vụ vẫn còn làm sự vụ, làm thay vai trò của các đơn vị sự nghiệp, cần phân định rõ: Bộ làm chính sách, các đơn vị sự nghiệp Nhà hát, Học viện, Trường học... là nơi tổ chức, triển khai hoạt động sự kiện.

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, để hoàn thành Kế hoạch công tác năm 2025 với quyết tâm “Tăng tốc, bứt phá, về đích” Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các đồng chí Giám đốc Sở tiếp tục nỗ lực, cố gắng với quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện phương châm hành động:

"Bộ hướng dẫn - Sở đồng hành - Vì một sứ mệnh chung”

Từ đó, tập trung triển khai thực hiện 04 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cho nhân dân

Đây là nhiệm vụ then chốt để chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Truyền thông phải đi trước một bước, góp phần quan trọng để chuyển hóa nhận thức thành hành động, đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Sau dấu mốc Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí - truyền thông cần phát huy vai trò là “mạch dẫn tri thức”, kết nối niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ngành VHTTDL phải đi đầu trong truyền thông chính sách, các địa phương cần triển khai một cách căn cơ, bài bản, dài hạn, tránh truyền thông hình thức. Truyền thông phải có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng, dành nhiều thời lượng cho phổ biến chính sách, đồng thời kịp thời phản bác các luận điểm sai trái, định hướng dư luận hiệu quả.

Triển khai các hoạt động, sự kiện trọng đại của đất nước

Bộ VHTTDL được giao chủ trì tổ chức chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đây không chỉ là dịp quan trọng để tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao mà còn là cơ hội để kích cầu du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước, lan tỏa các giá trị truyền thống gắn với tinh hoa văn hóa nhân loại và nghệ thuật đương đại, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của nhân dân. Toàn ngành, từ Trung ương đến địa phương, cần chủ động “chọn điểm, chọn lĩnh vực, chọn sự kiện”, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để triển khai hiệu quả.

Trong đó:

Tham gia Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025) với chủ đề “80 năm - Hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, một sự kiện có ý nghĩa lớn, chưa có tiền lệ, cần phát huy tối đa sự sáng tạo, bắt đầu từ thực tiễn của mỗi địa phương. Các tỉnh, thành phố cần sớm phê duyệt thiết kế tổng thể, lựa chọn điểm nhấn tiêu biểu, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động các doanh nghiệp, nghệ sĩ, lực lượng xã hội cùng tham gia.

Khuyến khích tổ chức các “Đêm văn hóa, Đêm nghệ thuật” đặc sắc tại Triển lãm, tạo không gian trải nghiệm thực sự hấp dẫn, thu hút nhân dân và du khách, lan tỏa giá trị văn hóa địa phương.

Cùng đồng hành, chủ động phối hợp với Bộ VHTTDL để tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia, triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ giao, xuyên suốt từ nay đến tháng 9/2025.

Tập trung phát triển kinh tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8%

Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thúc đẩy du lịch trở thành động lực tăng trưởng bền vững. Các Sở VHTTDL, Sở Du lịch cần chủ động phối hợp, xác định lại những sản phẩm đặc trưng, xây dựng hệ thống tour - tuyến liên kết vùng rõ nét. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giữ vai trò điều phối tổng thể, chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch xúc tiến du lịch.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức xúc tiến du lịch, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong việc phát triển sản phẩm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường và chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hình thức quảng bá sáng tạo như xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh. Việc các đoàn làm phim quốc tế khảo sát tại Hải Phòng, Ninh Bình... chính là cơ hội tốt để lan tỏa quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu. Toàn Ngành cần vào cuộc với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 25 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các đồng chí Giám đốc Sở cần chủ động bám sát 10 thị trường quốc tế trọng điểm, tích cực tham mưu các giải pháp kết nối thị trường, thúc đẩy tăng trưởng thực chất và bền vững.

Song song với phát triển du lịch, cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, trọng tâm là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, xây dựng các chương trình nghệ thuật quy mô, hiện đại, mang dấu ấn sáng tạo, kế thừa thành công của các sự kiện như “Anh trai Say Hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, khẩn trương tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ về Đề án đổi mới sáng tạo trong nghệ thuật biểu diễn, để đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ, chú trọng huy động hiệu quả nguồn lực từ cả đầu tư công và tư, để triển khai ngay trong năm 2025. Đây không chỉ là đổi mới về hình thức biểu diễn, mà là thay đổi tư duy sản xuất, quản trị, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm văn hóa. Các Nhà hát, các Trường, Nhạc việc, Học viện, các đoàn nghệ thuật cần chủ động nghiên cứu, đăng ký các nhiệm vụ cụ thể, từng bước góp phần tham gia trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa của đất nước.

Phân vai rõ, phối hợp chặt, chú trọng xây dựng đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực

Tại Bộ, các Trường, Viện, các đơn vị nghiên cứu phải là “máy cái” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Rất đáng hoan nghênh khi một số ngành, như Chèo đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký theo học, là minh chứng cho niềm tin được khơi dậy và trách nhiệm kế thừa di sản văn hóa đang dần lan tỏa. Đồng thời, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn tại các Vụ, Viện, Trường của Bộ.

Đối với các Sở, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể về mô hình tổ chức bộ máy theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở bám sát triển khai, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo để cùng phối hợp, tháo gỡ kịp thời. Tinh thần là không có “quyền anh, quyền tôi”, mà là vì trách nhiệm chung, theo đúng phương châm hành động “Bộ hướng dẫn - Sở đồng hành - Vì một sứ mệnh chung”.

Đặc biệt, với vai trò của các Giám đốc Sở, những “tư lệnh ngành” tại địa phương phải thật sự là những “nhạc trưởng”, vừa giữ nhịp ổn định, vừa tạo nhịp bứt phá. Mỗi người cần phát huy sức mạnh tổng hợp, “làm những việc nhỏ bằng một tình yêu lớn” với văn hóa, thể thao, du lịch, bằng tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, biết kết nối công nghệ, chuyển đổi số và khơi dậy sáng tạo để cùng Ngành tăng tốc, về đích.

Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ cụ thể, như sau:

Tập trung phát triển văn hóa Việt Nam - chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ “làm văn hóa" sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, hoàn thiện thể chế đồng bộ, khả thi, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền hai cấp.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm, xử lý dứt điểm các dự án còn tồn đọng, tạo động lực tăng trưởng ngành.

Phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, hình thành thị trường sáng tạo hiện đại, để thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến tới vai trò là trung tâm trong tổng thể nền kinh tế quốc gia tương lai.

Đổi mới công tác báo chí, truyền thông, nâng cao hiệu quả thông tin chính sách và quảng bá hình ảnh quốc gia.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng bền vững, phấn đấu đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Phát triển thể thao vì sức khỏe toàn dân, nâng cao thành tích quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng ngành và quảng bá hình ảnh quốc gia.

Tăng cường hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, hình thành nền tảng dữ liệu ngành phục vụ quản lý, phát triển và đổi mới sáng tạo.

Sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành vững vàng, chuyên nghiệp, tận tâm.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của địa phương tại Hội nghị, yêu cầu các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, hướng dẫn, trả lời để các địa phương triển khai thực hiện.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/ket-luan-cua-bo-truong-nguyen-van-hung-tai-hoi-nghi-so-ket-cong-tac-vhttdl-6-thang-dau-nam-trien-khai-nhiem-vu-trong-tam-6-thang-cuoi-nam-2025-20250722104332422.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm