Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kết nối FDI và doanh nghiệp tư nhân: 'Đòn bẩy' phát triển công nghiệp hỗ trợ

Các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có nhu cầu rất lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đây là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Báo Công thươngBáo Công thương27/05/2025

Nhu cầu tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam rất lớn

Hiện Việt Nam đã thu hút hơn 500 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có sự xuất hiện của những tập đoàn hàng đầu trên thế giới, một trong số các tập đoàn này đang mong muốn gia tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam.

Để làm rõ hơn về triển vọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Tài chính về vấn đề trên.

- Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay?

Ông Đỗ Tiến Thịnh: Để hiểu rõ hơn về sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, trước tiên chúng ta cần làm rõ thế nào là ngành công nghiệp hỗ trợ, và trong chuỗi giá trị sản xuất ấy, thì doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia được những khâu nào? Ví dụ trong chuỗi công nghiệp bán dẫn sẽ có 3 chuỗi, bao gồm: Thiết kế, sản xuất và đóng gói, vậy thì đâu là khâu mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia.

Cơ hội để tư nhân tham gia vào công nghiệp hỗ trợ
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc NIC. Ảnh: TT

Theo tôi, nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hiện nay đang rất lớn, tuy nhiên sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng có thể nói những chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thực sự phát huy được vào thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong khi đó, các tập đoàn toàn cầu khi đầu tư vào Việt Nam, họ thường mang theo những hệ sinh thái phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó tham gia vào lĩnh vực này.

Điều này cũng phải chia sẻ, vì đơn cử như Tập đoàn Apple, sự phát triển của họ dựa vào chiếc điện thoại. Nên khi lựa chọn nhà cung cấp cho các thiết bị điện tử, họ cũng cần cẩn thận trong khâu lựa chọn, vì các thiết bị điện tử đòi hỏi độ chính xác rất cao, chỉ cần một sai sót nhỏ, thiếu cẩn thận cũng có thể ảnh hưởng đến quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

- Để gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, chúng ta cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Thịnh: Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu, trước tiên chúng ta cần chú trọng các chương trình ươm tạo dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với những tập đoàn toàn cầu, hiểu rõ nhu cầu của các tập đoàn, cũng như nhìn nhận đúng về khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về vốn, công nghệ, vì theo tôi được biết, các tập đoàn nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ họ cũng liên tục thay đổi sản phẩm, trung bình mỗi năm ra đời 1-2 sản phẩm mới.

Vì thế, muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của họ, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thường xuyên thay đổi công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất để đáp ứng yêu cầu. Điều này là không hề dễ dàng, bởi doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn được đánh giá yếu về vốn và công nghệ.

Ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động, tự chứng minh năng lực của mình với các tập đoàn nước ngoài, tạo cho họ niềm tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu về phát triển công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp FDI đưa ra.

Cơ hội để tư nhân tham gia vào công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh hoạ

- Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã triển khai các chương trình phối hợp với một số tập đoàn như Samsung, Toyota để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn này. Ông đánh giá như thế nào về mô hình trên và chúng ta cần làm gì để nhân rộng trong thời gian tới?

Ông Đỗ Tiến Thịnh: Cá nhân tôi cũng đã tìm hiểu và đánh giá rất cao mô hình này của Bộ Công Thương và các tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình trên theo tôi không thể theo hướng vận động sự tham gia của các tập đoàn, mà cần nhân rộng thông qua các chính sách phù hợp thay vì từng doanh nghiệp đơn lẻ.

Theo đó, trong quá trình thu hút, lựa chọn dự án FDI, Việt Nam cũng cần đưa ra những điều kiện, trong đó có thể coi việc liên kết với doanh nghiệp trong nước trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa là một trong những điều kiện nhà đầu tư cần đáp ứng khi cầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các cơ sở dữ liệu về danh sách các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn toàn cầu, các cơ sở dữ liệu này có thể cụ thể cho từng ngành như: Công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, ngành ô tô, ngành dệt may, da giày… để các doanh nghiệp nước ngoài khi có nhu cầu họ sẽ có tự tìm đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, nên xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đang cần tăng tỷ lệ nội địa hoá ở những loại linh kiện nào. Dữ liệu này cũng rất quan trọng để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tìm hiểu và kết nối hợp tác.

- Xin cảm ơn ông!

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần xây dựng các cơ sở dữ liệu về danh sách các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn toàn cầu, các cơ sở dữ liệu này có thể cụ thể cho từng ngành như: Công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, ngành ô tô, ngành dệt may, da giày...
Nguyễn Hoà (thực hiện)

Nguồn: https://congthuong.vn/ket-noi-fdi-va-doanh-nghiep-tu-nhan-don-bay-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-389560.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm