Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai mạc hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên 2025”: Hội tụ sức mạnh mới

Ngày 29.3, tại Quảng Ninh, đã khai mạc Hội thảo “Thắp Lửa Cùng Tiến Lên 2025” với sự tham dự của hơn 240 đại biểu là nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục trên khắp cả nước với một điểm chung là: “làm sao để giáo dục Việt Nam tiến lên – mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và nhân văn hơn”.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân29/03/2025

Hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên" do Mạng lưới các nhà quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp phối hợp với Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục đã trở thành sự kiện mong đợi của cộng đồng giáo dục. Năm 2025, hội thảo trở lại với chủ đề "GATHER NEW STRENGTHS - HỘI TỤ SỨC MẠNH MỚI", tiếp tục sứ mệnh kết nối, đổi mới và lan tỏa những giá trị giáo dục tiên tiến.

Hội thảo mang đến cơ hội tiếp cận các mô hình giáo dục thực tiễn, những ý tưởng đổi mới sáng tạo và các case study tiêu biểu từ các trường học tiên phong trong đổi mới giáo dục.

z6454697979743-cabb8e29fc41f516375e4e0e49e5cff1.jpg
Khai mạc hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên 2025”: Hội tụ sức mạnh mới

Biến điều “không thể thành có thể”

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phan Thị Hồng Dung, nhà đồng sáng lập Mạng lưới các nhà quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp nhấn mạnh: “Giáo dục đang đứng trước những thay đổi chưa từng có. Học sinh của chúng ta hôm nay lớn lên trong một thế giới đầy biến động và cơ hội, nơi những kỹ năng của thế kỷ 21 không còn là điều xa vời, mà là yêu cầu sống còn. Vì thế, nhà trường không chỉ là nơi “dạy chữ” mà phải trở thành nơi gieo hạt – hạt của năng lực, nhân cách, bản sắc, sự sáng tạo và lòng trắc ẩn. Với tinh thần đó, hội thảo năm nay mang theo một sứ mệnh: Thắp lửa niềm tin – Cung cấp công cụ – Kết nối con người – Khơi nguồn hành động”.

z6454696985734-c535ec0f36270243e3002b5497a73785.jpg
Bà Phan Thị Hồng Dung, nhà đồng sáng lập Mạng lưới các nhà quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp

Trong lễ khai mạc hội thảo, chương trình “Ngọn lửa giáo dục”, các thầy cô đã được lắng nghe những câu chuyện xúc động, khơi dậy khát vọng được dấn thân, được làm khác đi, được làm tốt hơn mỗi ngày và biến những điều “không thể thành có thể” qua sự chia sẻ đầy sâu sắc về hành trình xây dựng mô hình giáo dục tư thục của Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) từ “không nhà, không tiền, không người” đến một hệ thống giáo dục khác biệt, nhân văn và lan tỏa.

Tại hội thảo, thầy Khang chia sẻ: "Lúc đó thầy rất nghèo. Thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn để lên lớp. Học trò thời đó cũng nghèo nhưng tình cảm học trò dành cho thầy là điều đáng quý nhất. Sau nhiều năm lăn lộn với giáo dục, với Trường Marie Curie, từ người nghèo nhất trong xã hội, thầy Khang giờ đã tự tin khẳng định mình không còn nghèo nữa. Đó không chỉ đơn giản là tiền bạc hay những giải thưởng cao quý mà là tình cảm, sự yêu thương và lòng biết ơn từ những học trò mà thầy đã chăm sóc, dẫn dắt suốt cuộc đời".

z6454896868337-c20b359b3a427634fa864c4b7aaa0fad.jpg
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội)

Năm 2024, thầy Nguyễn Xuân Khang là người đã lập "Dự án Làng Nủ". Dự án nhằm chu cấp cho mỗi học sinh ba triệu đồng một tháng, đến hết năm 18 tuổi và hỗ trợ thêm các nhu cầu thiết yếu khác trong quá trình học tập.

Năm 2022, trường Marie Curie đã dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.600 học sinh lớp 3 ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, duy trì tới khi các em học xong tiểu học. Trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở Mèo Vạc, thầy Khang chi 6-12 tỷ đồng hỗ trợ 30 sinh viên địa phương học đại học chuyên ngành này. Mỗi tháng, một sinh viên được hỗ trợ 5 triệu đồng, kéo dài trong 4 năm. Trước đó, thầy Khang cũng quyết định chi 100 tỷ đồng để xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú ở huyện Mèo Vạc.

Thầy Nguyễn Xuân Khang là một trong những học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 1968, thầy theo học ngành vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, thầy được mời ở lại Trường giảng dạy cho khối phổ thông chuyên Lý.

z6454896289139-a22f4ebf458bcd72da7e46a25e96b56b.jpg
Thầy Nguyễn Xuân Khang trong chương trình “Ngọn lửa giáo dục”

Câu chuyện về thầy Khang - người thầy giáo từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống và giàu lòng nhân ái đã trở thành hình ảnh đẹp về sự tận tụy cùng tình yêu thương vô bờ dành cho thế hệ trẻ. Thầy đã âm thầm lan tỏa những điều tốt đẹp nhất của nghề giáo. Đó không chỉ là một câu chuyện về giáo dục, mà là một minh chứng sống động cho tinh thần: “Không thể thành có thể”. Người thầy ấy đã chứng minh: không cần phải chờ điều kiện đủ đầy, chỉ cần đủ dấn thân – mọi rào cản đều có thể được hóa giải.

Đổi mới giáo dục cùng chuyên gia

Tiếp câu chuyện của thầy Khang, những hành trình tưởng chừng như “không thể thành có thể” của hai nhà giáo thầy Nguyễn Khắc Lý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Nội) là đưa Âm nhạc vào nhà trường và cô Trương Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Đắk Lắk) xây dựng Trường học hạnh phúc giữa núi rừng Tây Nguyên & ứng dụng AI trong giáo dục cũng đã truyền cảm hứng sâu sắc tới các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục dự hội thảo.

Theo đó, Chương trình GDPT 2018 yêu cầu đưa Âm nhạc vào trường THPT, nhiều nhà giáo nghĩ rằng điều đó là “bất khả thi” vì sẽ mang tính hình thức. Tuy nhiên, thầy Lý đã đối diện với những thách thức ban đầu đó và đã xây dựng mô hình âm nhạc tác động trực tiếp đến học sinh. Đến nay 1/3 học sinh của nhà trường đã đăng ký theo học môn này.

z6455166091028-5b1c11d979a15378a217d7cc32c8bafc.jpg
Câu chuyện của thầy Nguyễn Xuân Khang, thầy Nguyễn Khắc Lý và cô Trương Thị Hải Yến đã lan tỏa, truyền cảm hứng sâu sắc tới các đại biểu dự hội thảo

Ở một vùng có hơn 40% học sinh là người Ê Đê, việc duy trì sĩ số và xây dựng môi trường học tập tích cực không hề dễ dàng nhưng cô Trương Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Đắk Lắk) đã quyết tâm tạo nên một “Trường học hạnh phúc” giữa núi rừng Tây Nguyên. Điều này, không chỉ mang đến niềm vui học tập cho học sinh, cô còn thúc đẩy ứng dụng công nghệ và AI trong giáo dục (giữa núi rừng Tây Nguyên).

Chuỗi hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên" với chủ đề "Gather new strengths - Hội tụ sức mạnh mới" tổ chức trong 2 ngày 29 - 30.3.

Tại hội thảo, các đại biểu được tham quan và trải nghiệm trực tiếp 21 mô hình giáo dục xuất sắc, tập trung vào bốn lĩnh vực trọng tâm: Trải nghiệm & hướng nghiệp gắn với thực tiễn; Giáo dục vì sự phát triển bền vững; Ứng dụng AI trong giáo dục; Khai thác nguồn lực địa phương độc đáo cho giáo dục.

Các phiên thảo luận chuyên sâu, giải quyết thách thức trong đổi mới giáo dục cùng chuyên gia. Các phiên thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nhằm giải quyết những thách thức trong giáo dục hiện nay với 3 chủ đề chính của Hội thảo, cụ thể: Hướng nghiệp thực tiễn - Kết nối học sinh với tương lai với chia sẻ đến từ ông Yoichi Igarashi - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH DENSO Việt Nam

Ứng dụng AI trong giáo dục với 2 phiên hội thảo: Tương lai giáo dục trong kỷ nguyên AI - Giải pháp đột phá từ Microsoft cùng phần chia sẻ của ông Kiều Mạnh Toàn – Giám đốc Khối Chính phủ & Doanh nghiệp lớn, Microsoft Việt Nam, cô Nguyễn Hồng Minh – Giám đốc phát triển mạng lưới, Đối tác đào tạo toàn cầu Microsoft – InterEDU; Hành trình ứng dụng AI trong giáo dục - Góc nhìn chuyên gia và kinh nghiệm của một trường quốc tế với chia sẻ từ ông Don McNamee - Giám đốc công nghệ giáo dục Trường Quốc tế Nam Sài Gòn.

Giáo dục gắn liền với bản sắc địa phương: Từ giá trị truyền thống đến đột phá sáng tạo với phần chia sẻ của cô Tống Liên Anh - Phó viện trưởng Viện Học tập suốt đời; Đại diện Tổ chức giáo dục sáng tạo Học thông qua nghệ thuật Laulau Learning Phần Lan tại Việt Nam cùng Câu chuyện thực tiễn từ Trường TH&THCS Bằng Cả (tỉnh Quảng Ninh) với sáng kiến "Biện pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao" chia sẻ bởi cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Dự.

Hội thảo “Thắp Lửa Cùng Tiến Lên 2025” năm nay với chủ đề Hội tụ sức mạnh mới, không mở đầu bằng một phiên học thuật, mà khởi động bằng những trải nghiệm thực tiễn: giải chạy khỏe để cống hiến và hạnh phúc, cùng bước nhảy dân vũ kết nối những trái tim nhiệt huyết với lý do người làm giáo dục – trước khi truyền lửa – cần được tiếp lửa. Và hành trình truyền cảm hứng không chỉ bắt đầu từ trái tim, mà còn cần sức khỏe, sự kết nối và một tinh thần tích cực.

13.jpg
14.jpg
z6455183088750-c2991c7d63b555de3fcb394f05f01533.jpg
Gần 240 thầy cô tham gia hành trình "Khỏe để cống hiến và hạnh phúc" nằm trong chuỗi sự kiện "Thắp lửa cùng tiến lên" năm 2025 của Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/khai-mac-hoi-thao-thap-lua-cung-tien-len-2025-hoi-tu-suc-manh-moi-post408773.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm