
Hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo cấp cao trong năm 2025
Chuyến thăm là hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo cấp cao trong năm 2025. Khẳng định ý nghĩa này, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, kiêm nhiệm Armenia và Uzbekistan Đặng Minh Khôi nêu rõ, đây không chỉ là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội nước ta mà còn là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Armenia và Uzbekistan. Vì thế, “chuyến thăm có ý nghĩa và tầm quan trọng trên cả bình diện đa phương và song phương”, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định.
Việt Nam và Armenia, Uzbekistan đều có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Cùng thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, song quan hệ Việt Nam - Armenia và Việt Nam - Uzbekistan đã có lịch sử sâu xa hơn, từ 75 năm trước, khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô vào ngày 30.1.1950, mà Armenia, Uzbekistan là những nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết.
Về chính trị - ngoại giao, Armenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Hai nước duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc ở các cấp, nổi bật gần đây là cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ (năm 2024) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan (tháng 11.2024).
Tại cuộc hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan đã thống nhất nhiều biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ giữa hai nước và hai Quốc hội. Một trong những nội dung quan trọng đó là, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan nhất trí xem xét hướng tới ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm tạo khung pháp lý để thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện, góp phần xây dựng tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng có một số cuộc gặp, tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương. Việt Nam và Armenia có cơ chế Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, đã họp khóa đầu tiên vào tháng 3.2017 tại Hà Nội. Hai bên cũng phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, khuôn khổ đa phương, trong đó có Liên Hợp Quốc và Cộng đồng Pháp ngữ. Hợp tác giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được duy trì tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia năm ngoái. Quốc hội Armenia đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Armenia - Việt Nam từ năm 2021.
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Armenia những năm gần đây được thúc đẩy tích cực sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực vào năm 2016. Kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 342 triệu USD, năm 2024 đạt gần 500 triệu USD. Armenia có một số dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Chu Lai, Quảng Nam với tổng vốn đăng ký đạt 12,9 triệu USD. Hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, họp khóa đầu tiên vào tháng 3.2017 tại Hà Nội.
Với Uzbekistan, hai nước tích cực triển khai các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương, đáng chú ý là cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mirziyoyev nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Nga (tháng 10.2024). Trước đó, năm 2012, Tổng thống Uzbekistan đã thăm Việt Nam... Hai bên cũng duy trì phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có Liên Hợp Quốc, IPU, Diễn đàn về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin (CICA)... Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Armenia duy trì các hoạt động tiếp xúc trong khuôn khổ các diễn đàn, hội nghị đa phương. Quốc hội Uzbekistan đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam từ năm 2023.
Về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan từ năm 2021 đến nay tăng trưởng đáng kể, khoảng 25%. Kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023. Hai bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, và đến nay đã tổ chức được 7 khóa họp.
Luôn coi trọng, mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống
Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam với Armenia và Uzbekistan đều có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp. Chính phủ và Nhân dân Armenia cũng như Uzbekistan luôn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả trong những năm tháng hào hùng, gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều cán bộ khoa học, chuyên gia Việt Nam đã được các bạn bè Armenia tận tình giúp đỡ đào tạo. Thời Xô Viết, Việt Nam có 3.000 sinh viên học tập ở Uzbekistan và 2.000 sinh viên học tập tại Armenia. Đến nay, những sinh viên ngày đó vẫn đang giữ nhiều vai trò, vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam. Uzbekistan giúp Việt Nam phát triển ngành dầu khí.
Và một trong những điều cần nhấn mạnh, theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, đó là lãnh đạo và nhân dân Armenia, Uzbekistan đều dành tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao của Armenia và Uzbekistan đã nhiều lần thăm Việt Nam. Trong đó, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev rất yêu quý Việt Nam, bắt nguồn từ những năm tháng ông là lãnh đạo Trường đại học Thủy lợi Uzbekistan những năm 70-80 của thế kỷ trước, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học. "Tổng thống Mirziyoyev khi đó rất ấn tượng vì sự cần cù, tinh thần chịu khó của sinh viên Việt Nam; và hiện nay trên cương vị lãnh đạo đất nước, thực hiện nhiều cải cách quan trọng, ông luôn theo dõi và chỉ đạo việc học hỏi kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Việt Nam trong hội nhập và phát triển đất nước", Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Armenia và Uzbekistan lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có cuộc hội đàm chính thức với Chủ tịch Quốc hội Armenia, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Uzbekistan, chào Tổng thống và Thủ tướng của hai nước cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.
Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng cho biết, bên cạnh việc trao đổi, tăng cường hợp tác liên nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng thể chế pháp luật, tăng cường hợp tác giữa nhóm nghị sĩ hữu nghị, Chủ tịch Quốc hội ta sẽ tập trung trao đổi với lãnh đạo hai nước về những phương châm lớn cũng như biện pháp cụ thể để mở rộng hơn nữa hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt Nam và hai nước cũng sẽ tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, quy tụ nhiều doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân để trao đổi, thảo luận về những lĩnh vực hợp tác cụ thể. Với Armenia, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Đối với Uzbekistan, hai bên sẽ trao đổi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí, khoáng sản, lĩnh vực nông nghiệp và dệt may...
“Tôi kỳ vọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân đến Armenia và Uzbekistan sẽ góp phần khai thông hợp tác, mở ra cơ hội phát triển mới cho quan hệ song phương, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của mỗi nước, đáp ứng kỳ vọng của người dân của mỗi nước”, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.
Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay, chuyến tham dự Đại hội IPU-150, thăm chính thức Armenia và Uzbekistan lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt.
Không chỉ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về triển khai đường lối đối ngoại song phương và đa phương cũng như hội nhập quốc tế trong tình hình mới; mà còn khẳng định vai trò là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại IPU cũng như tại các diễn đàn đa phương.
Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Armenia và Uzbekistan, khẳng định quyết tâm cùng hai nước thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt, trong bối cảnh khu vực Trung Á và khu vực Kavkaz có vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc tế.
Chuyến công tác cũng nhằm củng cố, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại chính trị ở cấp cao nhất trên kênh Quốc hội, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội hai nước; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương cùng có lợi với mỗi nước.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/khai-thong-hop-tac-mo-ra-co-hoi-phat-trien-moi-cho-quan-he-song-phuong-post408902.html
Bình luận (0)