Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai thác tiềm năng ngành “công nghiệp không khói” ở ĐBSCL

Vùng ĐBSCL với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tổng chiều dài hơn 28.000km. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông; đặc biệt là kết nối với TP Hồ Chí Minh và các nước trong lưu vực sông Mekong. Dù vậy, thời gian qua việc khai thác du lịch còn hạn chế, giá trị thu về chưa tương xứng với tiềm năng…

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ07/07/2025

Lợi thế sông nước, miệt vườn

Lần đầu tiên đến Cần Thơ nên chị Linda (quốc tịch Pháp) rất háo hức khi được trải nghiệm chợ nổi Cái Răng - điểm du lịch sông nước nổi tiếng ở miền Tây. Khoảng 5 giờ sáng, chị Linda cùng gia đình được hướng dẫn viên đưa tới bến tàu du lịch Ninh Kiều để xuống thuyền đi tham quan chợ nổi.

Du khách quốc tế trải nghiệm làng nghề truyền thống hủ tiếu ở cơ sở Sáu Hoài (TP Cần Thơ).

Chiếc thuyền di chuyển chậm trên sông Cần Thơ để du khách được ngắm nhìn trung tâm thành phố và check-in những bức ảnh vào thời điểm bình minh vừa lên, ánh nắng vàng ló dạng tạo nên khung cảnh thơ mộng. Khoảng 30 phút, thuyền đến chợ nổi Cái Răng, nơi có gần 200 chiếc ghe neo đậu trên một khúc sông rộng để buôn bán các loại nông sản từ rau củ đến trái cây như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, dâu Hạ Châu… Bên cạnh đó, còn phục vụ du khách ăn sáng trên sông với hủ tiếu, bún, bánh mì… Tận mặt chứng kiến các hoạt động chợ nổi trên sông với những tiểu thương là phụ nữ hiền hòa chất phác, chị Linda vô cùng thích thú. Chị và các vị khách đến từ Pháp rất mê trái cây đặc sản vùng này; ngoài việc thưởng thức tại chỗ thì còn chủ động chụp nhiều bức ảnh kỷ niệm với bà con chợ nổi; mua đặc sản kẹo dừa, mật ong, một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ để làm quà. “Trải nghiệm ẩm thực trên sông vào buổi sáng và được hòa mình vào không khí sôi động của chợ nổi là rất tuyệt vời”, chị Linda chia sẻ.

Rời chợ nổi Cái Răng, hướng dẫn viên đưa đoàn đến khu du lịch vườn sinh thái Sáu Hoài (phường An Bình), nơi nổi tiếng với đặc sản pizza hủ tiếu phục vụ khách quốc tế. Ông Huỳnh Hữu Lợi - chủ khu vườn sinh thái, giới thiệu với khách về làng nghề làm hủ tiếu truyền thống ở địa phương hàng chục năm qua và quá trình tìm tòi chế biến pizza hủ tiếu nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực của khách phương Tây. Ông còn tận tay hướng dẫn du khách trải nghiệm phương pháp làm bánh hủ tiếu, cách phơi và cắt hủ tiếu ra thành cọng nhỏ, đóng gói hút chân không để bảo quản được lâu. “Mỗi ngày vườn sinh thái đón khoảng 200 khách quốc tế với chi phí vào thăm làng nghề là 5.000 đồng/người và thưởng thức pizza hủ tiếu là 50.000 đồng/phần, đây là mức giá mà nhiều du khách nhận định không cao”, ông Huỳnh Hữu Lợi bộc bạch. Ông Lợi cho biết thêm, ngoài đi chợ nổi và làng nghề hủ tiếu thì du khách có thể ghé vườn trái cây Vàm Xáng gần đó để thưởng thức hàng chục loại cam, quýt, sa pô, bưởi, măng cụt, dâu… theo mùa nào trái đó; tham gia hoạt động kéo vó, giở chà, câu cá, tát mương và tự tay chế biến các món ăn dân dã; trải nghiệm cuộc sống miệt vườn với nông dân.

Ở Đồng Tháp du lịch đường sông cũng được quan tâm khai thác nhằm đưa du khách tham quan các cù lao hoặc đi tàu xung quanh vườn quốc gia Tràm Chim, khu di tích Xẻo Quýt… Hôm chúng tôi đến chợ quê ở phường Cao Lãnh vào chiều thứ bảy, chứng kiến 70 quầy sạp của nhiều chị em bày bán gần 200 mặt hàng là những sản vật địa phương như rau củ, trái cây, cùng nhiều món ăn dân dã như bánh canh tôm, bánh xèo, bánh tét, bánh ít, bánh phu thê, cháo hến, nước mát… với giá chỉ 5.000-10.000 đồng/phần, thu hút hàng ngàn du khách các nơi xa gần, trong đó có du khách quốc tế tìm đến. Chị Anna Baehni - du khách Thụy Sĩ cho biết, chị rất thích không khí mát mẻ và thơ mộng của cù lao được bao bọc bởi sông Tiền rộng lớn. Nhiều món bình dân nhưng ngon, ăn hoài không ngán. Thật thú vị khi được trải nghiệm vùng sông nước, có nhiều cây xanh như thế này.

Ở Vĩnh Long những năm qua cũng tập trung đưa du khách sang các cù lao tham khu vực nuôi ong, uống trà mật ong, trải nghiệm quy trình sản xuất kẹo dừa, đi xuồng ba lá theo kênh rạch, thưởng thức trái cây và nghe đờn ca tài tử… lưu trú cùng nông dân miền sông nước.

Cần chiến lược căn cơ, bài bản

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2024 toàn vùng đón hơn 52 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế khoảng 2,81 triệu lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch hơn 62.000 tỉ đồng. Kết quả này có sự đóng góp của mô hình du lịch sông nước mang lại; dù vậy việc thu hút khách du lịch và giá trị thu được còn khiêm tốn, chưa tương xứng với lợi thế của vùng.

Ngành du lịch An Giang tổ chức lễ hội đua xuồng mùa nước nổi để thu hút khách du lịch.

Nguyên nhân được các chuyên gia du lịch lý giải là do thiếu đầu tư chiều sâu nên các sản phẩm du lịch đường sông còn đơn điệu, kém hấp dẫn; nhiều nơi chưa có chiến lược phát triển bài bản, chủ yếu khai thác tự phát, manh mún nên dịch vụ còn nghèo nàn, hạ tầng du lịch hạn chế. ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhất cả nước, nhưng nhiều đoạn sông vẫn chưa được nạo vét, dẫn đến tình trạng bồi lắng, độ tĩnh không cầu một số tuyến sông còn thấp đã ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch, đặc biệt là các tàu lưu trú trên sông; đồng thời thiếu đầu tư cảnh quan hai bên bờ sông ở các tuyến du lịch.

Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc, Trưởng khoa Khoa Xã hội nhân văn và Truyền thông (Trường Đại học Tây Đô) cho rằng: “ĐBSCL cần quan tâm hơn đến các lễ hội và sinh hoạt văn hóa ven sông, bởi những yếu tố quan trọng trong đời sống cư dân sông nước. Những hoạt động này không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa địa phương, mà còn tạo ra tiềm năng lớn cho du lịch đường sông. Điển hình như, lễ hội cúng Bà Thủy Long mang tính tâm linh quan trọng, nhằm tạ ơn Thủy thần đã ban cho người dân nguồn nước dồi dào và cuộc sống ấm no; hay lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer với nghi thức cúng trăng, đua ghe ngo và các hoạt động nghệ thuật dân gian, cũng là điểm nhấn du lịch quan trọng; các hoạt động đua ghe truyền thống trên sông là nét văn hóa đặc trưng... Tất cả đều có thể quảng bá và thu hút khách đến với sông nước miền Tây”.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, du lịch đường sông là một trong những loại hình hấp dẫn trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác hết. Để phát triển cần tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là các bến tàu và phát triển sản phẩm du lịch trên sông. Ngoài ra, quan tâm thêm mô hình “nghỉ dưỡng trên sông”,  bởi du lịch nghỉ dưỡng trên du thuyền có phòng ngủ là một trong những loại hình du lịch cao cấp trên thế giới. Hiện nay ở Cần Thơ có du thuyền Victoria với 34 phòng ngủ hạng sang, chạy tuyến Cần Thơ - An Giang - Phnom Penh (Campuchia) và 3 du thuyền Bassac có sức chứa khoảng 64 khách của Công ty TransMekong, chạy tuyến Cái Bè (Đồng Tháp) - Mang Thít (Vĩnh Long) - Bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Các du thuyền này phục vụ chủ yếu khách quốc tế, với giá từ 5 triệu đồng/khách/ngày. Nếu miền Tây phát triển tốt loại hình này thì giá trị mang lại sẽ tăng đáng kể.

Ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) lưu ý, dựa vào lợi thế và tiềm năng vùng ĐBSCL trong phát triển du lịch đường sông thì có thể hình thành 4 trung tâm chính nhằm kết nối nội vùng gồm, cảng du thuyền Mỹ Tho (Đồng Tháp); bến cảng hành khách Vĩnh Long; bến tàu khách du lịch Cần Thơ và bến tàu du lịch Châu Đốc (An Giang). Qua đó, xây dựng 22 tuyến kết nối với 4 trung tâm này nhằm lan tỏa toàn vùng. Ngoài ra, vấn đề quan trọng là quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch đường sông nhằm thu hút được du khách, tăng doanh thu, bởi lâu nay một số nơi khai thác du lịch trên sông chủ yếu đưa khách đi thuyền và nhìn, ngắm… trong khi nguồn thu mang lại không bao nhiêu, bởi thiếu sản phẩm hấp dẫn, có giá trị.

Bài học cho phát triển du lịch đường sông ở ĐBSCL

Tiến sĩ Lê Thị Tố Quyên, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, vùng ĐBSCL cần nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch đường sông trên thế giới, từ đó tạo ra sự khác biệt về sản phẩm du lịch đường sông. Muốn tạo sự khách biệt phải dựa trên văn hóa bản địa, cần vận dụng lịch sử, phong thổ, truyền thống vào sản phẩm, dịch vụ du lịch; vận dụng giá trị văn hóa của cuộc sống người dân, dịch vụ du lịch vào cảnh quan thiên nhiên, vào sản phẩm du lịch đường sông. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc tạo ra những loại sự kiện, lễ hội du lịch đường sông cho du khách trải nghiệm; còn Thái Lan tạo ra nhiều hoạt động trên các tuyến đường sông để du khách tham gia. Do đó ĐBSCL có thể gia tăng các sự kiện, lễ hội du lịch đường sông, đồng thời nên có các trạm dừng để trải nghiệm các hoạt động như tham quan di tích, vườn cây, thưởng thức ẩm thực địa phương, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Ở Úc phát triển các sản phẩm du lịch đường sông đa dạng và kéo dài thời gian, có cả trải nghiệm các hoạt động về đêm. Trong khi đó, ở ĐBSCL du lịch đường sông tập trung vào buổi sáng là chính, buổi tối chỉ có du thuyền cho du khách trải nghiệm ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực và ca hát trên sông. Tới đây cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch đường sông về đêm bằng cách đa dạng hóa các hoạt động chợ nổi về đêm như các sản phẩm trải nghiệm đời sống thương hồ về đêm, tour ngắm trăng, ngắm đom đóm đèn trên sông, tour đánh bắt cá trên sông về đêm...

Những kinh nghiệm phát triển du lịch đường sông trên thế giới như Pháp, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan... là bài hoc quý để TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL nghiên cứu vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong điều kiện thực tế của địa phương mình...

 

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Nguồn: https://baocantho.com.vn/khai-thac-tiem-nang-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-o-dbscl-a188265.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm