Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khát vọng làm giàu ở làng của những cựu binh Nghệ An

Họ từng là người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nay trở thành những người nông dân, doanh nhân thành đạt trên quê hương xứ Nghệ. Với ý chí, tinh thần không ngại khó, ngại khổ, 2 cựu chiến binh Nguyễn Tất Thông, huyện Tân Kỳ và Nguyễn Quốc Năng, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An)đã vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình, cộng đồng và làng xóm.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An30/04/2025

Thượng tá về làng "xây" vườn mẫu

Giữa vùng đất bán sơn địa huyện Tân Kỳ, cựu chiến binh Nguyễn Tất Thông, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Kỳ Tân, là một trong những gương điển hình phát triển kinh tế tiêu biểu, được nhiều người dân nhắc đến với sự cảm phục và trân trọng.

bna_1a.jpg
Khu vườn chuẩn được đầu tư bài bản của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Tất Thông, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Quang An

Ông Thông là người đầu tiên trong cộng đồng giáo dân tại địa phương thi đỗ vào trường quân đội vào thế kỷ trước. Trong quá trình công tác, ông đã rèn luyện và trưởng thành, mang quân hàm Thượng tá trước khi trở về quê hương. Rời quân ngũ, ông Thông không chọn cuộc sống an nhàn mà tiếp tục "tiến công" trên mặt trận mới – phát triển kinh tế.

Năm 2021, ông bắt tay ngay vào việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu nông thôn mới trên diện tích hơn 4.000m². Sau hơn 2 năm nỗ lực chỉnh trang, cải tạo, đến năm 2023, khu vườn của ông chính thức được công nhận là vườn chuẩn nông thôn mới tại địa phương.

bna_1b.jpg
Khu vườn chuẩn với nhiều cây ăn quả mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Thông. Ảnh: Quang An

Trong khu vườn ấy, ông Thông trồng đa dạng cây ăn quả, trong đó, chủ lực là: 150 gốc ổi, 100 gốc na, 60 gốc hồng xiêm, 40 gốc bưởi. Bên cạnh đó còn có thêm mận, đào, vú sữa… Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, các loại cây đều sinh trưởng tốt, cho thu nhập ổn định. Riêng từ cây ăn quả, mỗi năm ông thu về hơn 200 triệu đồng.

Gia đình tôi còn đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động để giảm công chăm sóc. Ngày nào cũng cắt tỉa, tưới nước, nhổ cỏ để cây phát triển tốt, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp tại vùng quê. Đây cũng là cách để chúng tôi góp phần vào xây dựng nông thôn mới.

Cựu chiến binh Nguyễn Tất Thông, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ

bna_1c.jpg
Gia đình ông Thông có hàng chục tổ ong lấy mật. Ảnh: Quang An

Ông Thông còn sở hữu 4 ha rừng sản xuất trồng keo, mở rộng sang chăn nuôi tổng hợp: Nuôi hàng chục tổ ong lấy mật (luân chuyển giữa nhà và rừng), hơn 100 con gà, 70 đôi bồ câu, lợn nái và lợn thịt. Mô hình khép kín, tận dụng phụ phẩm hiệu quả đã giúp nguồn thu đều đặn quanh năm.

Đặc biệt, ông Thông còn là tấm gương trong phong trào xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Dọc tuyến đường làng nơi ông sinh sống, hàng trăm chậu hoa giấy đủ màu sắc được trồng trong các bình xi măng hoặc tận dụng từ lốp xe cũ, tạo nên điểm nhấn rực rỡ cho xóm nhỏ miền núi.

bna_1d.jpg
Những tổ ong hút mật từ cây rừng, vườn chuẩn nên luôn cho chất lượng mật cao. Ảnh: Quang An

Từ cựu binh mang quân hàm Thượng tá đến người nông dân mẫu mực, ông Nguyễn Tất Thông đã và đang góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo và tinh thần vượt khó của người lính Cụ Hồ trong thời bình.

bna_1e.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Tất Thông là tấm gương trong phong trào xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp vùng nông thôn. Ảnh: Quang An

Từ lính lái xe đến chủ thầu xây dựng

Tại xã Hưng Yên Bắc (huyện Hưng Nguyên), cựu chiến binh Nguyễn Quốc Năng cũng là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, làm giàu bền vững và sống gương mẫu “Tốt đời – Đẹp đạo”.

Ông Nguyễn Quốc Năng sinh năm 1964, nhập ngũ năm 1984, lúc vừa tròn 20 tuổi. Sau những năm tháng rèn luyện và tham gia các chiến trường bảo vệ Tổ quốc, ông xuất ngũ và theo học ngành Xây dựng công trình. Trên hành trình mưu sinh đầy thử thách, ông từng trải qua nhiều nghề khác nhau: Làm lò mổ, sang Angola lao động, rồi trở về quê hương bắt đầu lại từ con số không, gây dựng kinh tế bằng chính đôi bàn tay và ý chí của mình.

Với kinh nghiệm lái xe, vận hành máy móc thời quân ngũ và sự nhạy bén trong kinh doanh, năm 2015, ông vay mượn hơn 1,5 tỷ đồng để đầu tư dàn máy phục vụ san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ban đầu, chỉ nhận thầu các công trình nhỏ lẻ quanh xã. Có thời điểm thua lỗ vì thiếu kinh nghiệm, nhưng ông không nản chí, ông Năng chia sẻ.

Là Bộ đội Cụ Hồ, tôi phải dám nghĩ, dám làm và không được sợ thất bại...

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Năng, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên

bna_2(1).jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Năng (bên trái) đầu tư máy móc, thi công những công trình tại địa phương. Ảnh: Quang An

Đến nay, ông Năng đã mở rộng mô hình lên thành một doanh nghiệp xây dựng nhỏ tại địa phương, thầu xây dựng các công trình với nhiều máy móc, thiết bị… Công việc ngày càng phát triển, tạo việc làm ổn định cho 12-15 lao động địa phương, với thu nhập từ 10 -15 triệu đồng/người/tháng.

Ông Năng còn đầu tư hơn 2 ha đất lập trang trại tổng hợp: Trồng cây, nuôi cá, chăn nuôi lợn và gà. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 300 triệu đồng. Thời gian tới, ông dự kiến đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô, hướng đến làm ăn chuyên nghiệp hơn.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Năng còn là cựu chiến binh gương mẫu trong công tác hội. Ông tích cực hưởng ứng phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo” tại xã Hưng Yên Bắc, thường xuyên hỗ trợ các hội viên khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, cho vay vốn không lãi để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Năng còn là tuyên truyền viên tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, vận động bà con chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội.

Ông Năng là tấm gương sáng, luôn gương mẫu và tận tâm vì tập thể, vì cộng đồng.

Ông Phạm Bá Tửu – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Yên Bắc

2 người cựu chiến binh đến từ 2 vùng đất với 2 hành trình khác nhau nhưng cùng chung một điểm: Họ đều là giáo dân tiêu biểu, và đều là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay bằng ý chí sắt đá, tinh thần tự lực vươn lên trong gian khó, tô thắm thêm hình ảnh cao quý của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

bna_1(1).jpg
Ông Nguyễn Quốc Năng đang thi công đường mương thoát nước trên địa bàn xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang An

Đó là 2 trong rất nhiều mô hình cựu chiến binh phát triển kinh tế hiệu quả ở cơ sở. Theo chia sẻ từ Ban Tuyên giáo - Phong trào, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có hơn 172.000 hội viên đang sinh hoạt trong các tổ chức hội ở các cấp. Đây là lực lượng đông đảo, có phẩm chất chính trị vững vàng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật và ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, nhiều cựu chiến binh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế tại cơ sở, luôn năng động, sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Từ các trang trại chăn nuôi, mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng – rừng, đến các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ do cựu chiến binh làm chủ, nhiều mô hình đã mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Họ trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng, là chỗ dựa vững chắc cho phong trào thi đua phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh Nghệ An.

Nguồn: https://baonghean.vn/khat-vong-lam-giau-o-lang-cua-nhung-cuu-binh-nghe-an-10296277.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm