Thiếu tôn trọng hàng Việt Nam
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ là một khẩu hiệu. Đó là một khát vọng – khẳng định giá trị tự cường dân tộc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng sẽ thế nào, nếu chính những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội lại buông lời vô trách nhiệm, khiến niềm tin vào hàng Việt bị lung lay?
Thế mà mới đây, Trung tá, Bác sĩ, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kiêm founder thương hiệu cá nhân, một người được xem là người có ảnh hưởng xã hội cao trong lĩnh vực thẩm mỹ – y tế lại viết trên trang cá nhân những lời sát muối vào hàng Việt Nam. Vị tiến sĩ này viết: “Sữa mà tốt thì Abbott mua đứt rồi. Mỹ phẩm mà tốt cho da thì ông Ohui cũng chẳng tha đâu".
Bài viết trên trang cá nhân của Trung tá, Bác sĩ, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuấn tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh chụp màn hình |
Câu nói có vẻ vô tư ấy lại khiến nhiều người giật mình. Bởi ẩn sâu bên trong, câu nói ấy đã khiến cho không ít người bị đánh tráo nhận thức: rằng chỉ có hàng ngoại mới đáng tin, còn hàng Việt – nếu thật sự tốt – thì đã “bị mua” từ lâu?
Thứ nhất, câu nói đã vô tình phủ định nỗ lực hàng chục năm của các thương hiệu Việt. Những cái tên như Vinamilk, TH milk, Nutifood, Sao Thái Dương, Thorakao, Vedan, Vinacafe… đã từng bước vươn ra thị trường quốc tế bằng chính chất lượng và bản sắc riêng, không cần phải chờ ai "mua đứt" để chứng minh mình đáng giá.
Thứ hai, phát ngôn ấy cũng gây tổn thương cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam – những người vẫn đang tin tưởng và lựa chọn hàng nội mỗi ngày. Phủ định hàng Việt, chẳng khác nào phủ định chính lựa chọn của người dân – điều đang được Chính phủ khuyến khích, cộng đồng cổ vũ.
Đừng nhầm lẫn “mua đứt” với “giá trị”
Các tập đoàn quốc tế mua lại thương hiệu nội không phải vì sản phẩm ấy “tốt hơn tất cả”, mà đơn giản là: chiến lược mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Trên thế giới, vô số thương hiệu bản địa từ Nhật, Hàn, Ấn Độ... vẫn tồn tại độc lập và thành công rực rỡ mà không cần "bán mình".
Điều đó cho thấy: giá trị của một thương hiệu không nằm ở chỗ có được mua lại hay không, mà ở chỗ họ có được người tiêu dùng nội địa tôn trọng và đồng hành hay không.
Hãy nhìn thực tế, Việt Nam có nhiều hãng sữa đứng trong top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới, xuất khẩu đi hàng chục quốc gia mà đâu cần ai mua? Nhiều hãng thuốc Việt đang dần thay thế thuốc ngoại trong nhiều phác đồ điều trị.
Mỹ phẩm Việt cũng có rất nhiều hãng không chạy theo “màu nước ngoài” mà tạo nên giá trị bằng nguyên liệu bản địa, công nghệ sạch. Nếu cứ tiếp tục bị so sánh khập khiễng như “chưa tốt vì chưa bị mua”, thì hàng Việt mãi chỉ đứng sau cái bóng truyền thông của nước ngoài.
So sánh như Hoàng Tuấn và góc nhìn quốc tế
Hãy nhìn ở chính quốc gia mỹ phẩm mà Hoàng Tuấn ngợi khen, họ cũng không cho phép kiểu phát ngôn hồ đồ như vậy. Tại Hàn Quốc, người ta có rất nhiều giải pháp xử lý người nổi tiếng phát ngôn làm ảnh hưởng tới thương hiệu nội.
Phát ngôn của bác sĩ Tuấn dễ bị xem là "gián tiếp bôi nhọ sản phẩm Việt". Ảnh minh hoạ |
Năm 2020, hơn 70 Influencer nổi tiếng tại Hàn Quốc, bao gồm Han Hye-yeon và tzuyang, bị phát hiện tham gia vào các chiến dịch “quảng cáo ngầm” (backdoor advertising) – quảng bá sản phẩm mà không tiết lộ rõ ràng. Công chúng phản ứng dữ dội, dẫn đến việc nhiều Influencer phải công khai xin lỗi, tạm ngừng hoạt động hoặc rút lui khỏi ngành. Vụ việc này đã thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc siết chặt quy định về quảng cáo và tăng cường giám sát hoạt động của các Influencer.
Tại Việt Nam, tuy chưa có án lệ tương tự, nhưng phát ngôn kiểu này rất dễ bị xem là "gián tiếp bôi nhọ sản phẩm Việt", đặc biệt trong bối cảnh thương hiệu Việt đang đấu tranh khẳng định chỗ đứng trước “cơn bão truyền thông quốc tế”.
Phát ngôn của bác sĩ Hoàng Tuấn không vi phạm pháp luật nếu hiểu theo nghĩa bóng, nhưng gây hiểu nhầm xã hội nếu lan truyền rộng rãi và khiến ông suy giảm niềm tin của bao người từng hâm mộ.
Không có quốc gia nào phát triển bằng cách “tự vỗ ngực chê mình dở”! “Sữa mà tốt thì Abbott mua đứt rồi. Mỹ phẩm mà tốt thì ông Ohui cũng chẳng tha đâu". Phát ngôn này – dù được đưa ra với giọng điệu “vui vẻ” – nhưng không thể xem là vô hại. Trái lại, đó là một ví dụ điển hình của ngôn từ có ảnh hưởng xã hội lệch chuẩn, mang tính ám chỉ phủ định giá trị hàng Việt, cổ xúy văn hóa sính ngoại và gây tổn thương sâu sắc đến tinh thần tự tôn dân tộc trong tiêu dùng nội địa.
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn không chỉ là bác sĩ thẩm mỹ. Ông còn là một cán bộ quân đội, đảng viên, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, từng phát biểu trong nhiều diễn đàn và chính thức nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng.
Một đảng viên – nhất là người đang hoạt động trong lực lượng vũ trang – càng cần cẩn trọng, chuẩn mực và có trách nhiệm trước công chúng trong từng dòng chữ mình viết.
Chưa kể, người phát ngôn lại là người từng điều trị – can thiệp về sức khỏe thẩm mỹ – thì những nội dung liên quan đến sữa, mỹ phẩm càng phải hết sức tránh định hướng lệch lạc, nếu không sẽ bị hiểu là truyền thông trá hình hoặc quảng bá gián tiếp sản phẩm nước ngoài.
Thương hiệu Việt nếu chưa tốt, cần phản biện bằng dữ liệu, bằng kiểm nghiệm, bằng cơ chế kiểm tra giám sát – chứ không phải bằng cách so sánh kiểu “nếu tốt thì bị nước ngoài mua rồi”.
Đề nghị Trung tá Hoàng Tuấn hãy xem lại phát ngôn của mình: Là bác sĩ – hãy cẩn trọng với y đức. Là quân nhân – hãy gìn giữ chuẩn mực của quân đội. Là đảng viên – càng không thể để phát ngôn đi ngược lợi ích dân tộc! |
Nguồn: https://congthuong.vn/khen-abbott-ohui-hoang-tuan-chon-o-dau-khi-phu-nhan-hang-viet-383621.html
Bình luận (0)