Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu ấn kiều bào trong sự phát triển của TPHCM và cả nước

(Chinhphu.vn) - Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và cả nước. Với nguồn lực tài chính, tri thức và mạng lưới quốc tế, kiều bào không chỉ đầu tư trực tiếp mà còn góp phần kết nối thương mại, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ19/04/2025

Dấu ấn kiều bào trong sự phát triển của TPHCM và cả nước- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hạnh (Johnathan Hạnh Nguyễn) - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG): Tôi hiểu rằng việc duy trì đường bay lúc ấy mang ý nghĩa rất lớn đối với sự hội nhập và phát triển của đất nước, vì vậy, tôi chấp nhận chịu lỗ để giữ đường bay - Ảnh: VGP/Lê Anh

Bài 1: Doanh nhân Việt kiều và sứ mệnh "mở cửa bầu trời"

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ông Johnathan Hạnh Nguyễn, - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), người từng ra nước ngoài học tập, làm việc, đạt được thành công, sau đó trở về và có nhiều đóng góp cho đất nước, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, đã chia sẻ về hành trình trở về với "sứ mệnh" góp sức trong việc "mở cửa bầu trời" để Việt Nam từng bước hội nhập với kinh tế toàn cầu, cũng như những đề xuất, hiến kế trong giai đoạn sắp tới để TPHCM tăng trưởng bền vững, tự tin cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thưa ông, xin ông chia sẻ về bối cảnh khi trở về nước và nỗ lực của ông giúp "mở cửa lại bầu trời"?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Năm nay cũng đúng dịp kỷ niệm 40 năm kể từ khi tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt cho quê hương. Thời điểm ấy, năm 1985, tôi đang làm thanh tra tài chính cho hãng Boeing tại Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn còn chịu lệnh cấm vận. Tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Văn phòng Đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, mời tôi về thăm gia đình.

Chuyến trở về đầu tiên khiến tôi nhiều trăn trở. Trong nước khi đó còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc men chữa bệnh. Không lâu sau, tôi nhận lời mời trở lại lần thứ hai. Với tình cảm sâu nặng dành cho quê hương, cùng sự ủng hộ hết lòng từ gia đình, tôi quyết định về nước và ra Hà Nội gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại đây, tôi được đề nghị hỗ trợ mở đường bay giữa Việt Nam và Philippines.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan ban, ngành cùng với các mối quan hệ cá nhân đặc biệt tại Philippines, tôi đã xin được giấy phép bay.

Giai đoạn đầu rất khó khăn. Máy bay khi vào thì luôn chở đầy hàng, nhưng chiều ngược lại gần như trống rỗng. Càng bay thì càng lỗ. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng việc duy trì đường bay lúc ấy mang ý nghĩa rất lớn đối với sự hội nhập và phát triển của đất nước. Vì vậy, tôi chấp nhận chịu lỗ để giữ đường bay, cho đến khi có thể chuyển giao lại cho Vietnam Airlines sau khi Hiệp định hàng không giữa hai nước được ký kết.

Ngay sau khi góp công thúc đẩy mở cửa các tuyến bay quốc tế, ông làm gì để cùng xây dựng và phát triển đất nước?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Tôi đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng hàng không, đặc biệt là hệ thống dịch vụ sân bay. Thông qua IPPG, tôi đã hợp tác với nhiều đơn vị như DFS, Sasco, Autogrill để xây dựng một chuỗi cửa hàng miễn thuế và dịch vụ bán lẻ phi hàng không tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh.

Nhờ những khoản đầu tư này, các sân bay Việt Nam không chỉ dừng lại ở vai trò trung tâm vận tải mà còn trở thành điểm đến mua sắm cho du khách quốc tế, giúp tăng doanh thu ngoài vận tải và cải thiện trải nghiệm hành khách. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng không, tôi còn mở rộng ra sản xuất và du lịch nhằm tạo việc làm, luân chuyển dòng tiền trong xã hội.

Trung tâm tài chính nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu

Với bối cảnh hiện tại khi khu vực tư nhân được xem là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, ông có hiến kế, kiến nghị gì để TPHCM cùng cả nước phát triển vững mạnh?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Nhìn lại hành trình 40 năm gắn bó với quê hương, tôi nhận thấy TPHCM đã vươn lên trở thành đô thị năng động bậc nhất Việt Nam. Những dự án trọng điểm như tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đang góp phần tạo nên diện mạo của một thành phố văn minh, hiện đại.

Tôi cho rằng, việc phát triển Trung tâm tài chính (TTTC), trong đó Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM và việc đẩy mạnh phát triển Thương mại dịch vụ chất lượng cao là 2 động lực quan trọng cho sự phát triển của Thành phố và đất nước trong thời gian tới.

Về việc phát triển Trung tâm tài chính, tôi rất vui vì trước kia đã đề xuất vấn đề này lên các cấp chính quyền và hiện nay trong bối cảnh mới, khi khu vực tư nhân được xem là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, việc xây dựng TTTC đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Hiện các bộ, ban, ngành từ Thành phố đến Trung ương đã tham gia góp ý đề án. Tôi hy vọng TTTC sẽ sớm được triển khai.

Theo tôi, việc xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam là chiến lược dài hạn, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Trung tâm tài chính sẽ giúp gia tăng hiệu quả, phân bổ nguồn lực tài chính. Hiện tại, Việt Nam đã có nền tảng tốt với hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang phát triển. Tuy nhiên, việc tập trung các nhiệm vụ tài chính vào một trung tâm quy mô sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn nữa giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế. Điều này sẽ nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Với việc xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, pháp lý rõ ràng và cơ sở hạ tầng hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn tài chính và nhà đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và trí thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc có một TTTC tầm cỡ quốc tế sẽ giúp Việt Nam khẳng định vai trò và vị trí của mình trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, qua đó mở rộng thêm cơ hội hợp tác quốc tế và tham gia sâu hơn vào các tổ chức tài chính quốc tế.

Dấu ấn kiều bào trong sự phát triển của TPHCM và cả nước- Ảnh 2.

Những dự án trọng điểm, như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đang góp phần tạo nên diện mạo của một TPHCM văn minh, hiện đại

Còn về việc thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ chất lượng cao thì thế nào, thưa ông?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: TPHCM và cả nước cần có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các khu phi thuế quan, gồm factory outlet (bán những sản phẩm chính hãng qua mùa với giá rẻ), trung tâm mua sắm hàng hiệu và cửa hàng miễn thuế.

Đây sẽ là sức hút của ngành du lịch Việt Nam. Hiện nay, du khách đến chủ yếu để tham quan, chụp ảnh, ăn uống với mức chi tiêu trung bình chỉ khoảng 300 USD/người, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 1.000 USD/người. Thực tế là du khách Việt đang đổ sang factory outlet của các nước khác, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á để mua sắm. Tôi tiếc vì chúng ta vẫn chưa tận dụng được cơ hội này, trong khi đó TPHCM là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước lại thiếu đi những trung tâm mua sắm tầm cỡ. Nếu đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của du khách, doanh thu ngành du lịch Thành phố có thể tăng thêm hàng chục tỷ USD.

Tôi cũng đề xuất TPHCM nâng cao năng lực kho vận bằng cách cải thiện cảng Cát Lái và đầu tư xây dựng hệ thống logistics xanh (kho tự động, năng lượng sạch) nhằm nâng cao cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu cung ứng cho các khu mua sắm trọng điểm. Cùng với đó, phát triển Data Center cũng giúp TPHCM thu hút các tập đoàn công nghệ lớn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế quốc gia, để Thành phố vươn lên trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu khu vực.

Dấu ấn kiều bào trong sự phát triển của TPHCM và cả nước- Ảnh 3.

TPHCM cần hướng tới là điểm đến, trung tâm mua sắm hàng đầu khu vực

 Cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về kinh doanh tại Việt Nam

Là người trở về quê hương và có nhiều đóng góp cho đất nước cũng như đạt được những thành công trong kinh doanh trong 40 năm qua, ông có nhắn nhủ gì với các kiều bào?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước, Chính phủ, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, đang đẩy mạnh cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo động lực mới cho sự phát triển của dân tộc. Trong đó, xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng và là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ở TPHCM, hiện có gần 100 công ty start-up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Hoa Kỳ. Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, tôi đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép).

Trong năm 2024, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 16 tỷ USD, riêng ở TPHCM đạt 9,6 tỷ USD, tăng khoảng 140 triệu USD so với năm 2023. Lượng kiều hối về TPHCM luôn tăng trưởng qua các năm, tiếp tục được đưa vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đây chính là nguồn lực quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế TPHCM và cả nước phát triển.

Lê Anh (thực hiện)

Còn tiếp: Bài 2: Khát vọng vươn xa từ kiều bào bốn phương


Nguồn: https://baochinhphu.vn/dau-an-kieu-bao-trong-su-phat-trien-cua-tphcm-va-ca-nuoc-102250408141631179.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm